Xuất phát từ khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ và kết nối với các chuyên gia giỏi để được tư vấn trong lần khởi nghiệp vào năm 2017, anh Nguyễn Đình Nghĩa đã cho ra đời nền tảng Askany với mong muốn kết nối các chuyên gia tư vấn với người dùng ở đa lĩnh vực.
Bắt đầu từ năm 2022, ứng dụng Askany cho phép kết nối người dùng với những chuyên gia giỏi thuộc 16 lĩnh vực với giá tư vấn rẻ hơn so với dịch vụ tư vấn truyền thống nhờ 2 yếu tố là cho tư vấn trực tuyến và qua ứng dụng, đồng thời cho đặt các gói tư vấn theo giờ (15 phút, 60 phút), theo gói.
“Cha đẻ” của Askany cho biết, tỉ lệ khách hàng trả tiền cho ứng dụng là 15% lượng liên hệ và được xác định trở thành khách hàng tiềm năng. Hiện tại, mỗi tháng Askany đang hỗ trợ cho 300 - 500 cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Giá trị trung bình của một gói là hơn 1 triệu đồng. Tỉ lệ hài lòng trung bình là 4,6/5 điểm. Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, nhà sáng lập Nguyễn Đình Nghĩa gọi vốn 2 tỷ đồng cho 7% cổ phần.
Đáng chú ý, theo anh Nghĩa, công ty đã đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Số tiền này hầu hết được “đổ” cho đội ngũ phát triển phần mềm. Công ty tự lập trình để tạo ra những tính năng như chia sẻ màn hình, gửi tập tin, tự động mở màn hình khi điện thoại đang im lặng, có thể gọi điện như các ứng dụng gọi điện miễn phí phổ biến hiện nay. Askany chọn công nghệ giúp điện thoại kết nối trực tiếp với nhau nên gần như không tốn nhiều phí về máy chủ.
“Năm 2022 - 2023, chúng tôi tập trung phát triển ứng dụng. Sang năm 2023 tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia, hiện tại đã có 200 chuyên gia thuộc 16 lĩnh vực - đây là giai đoạn khó nhất để thuyết phục những người giỏi tham gia. Cuối 2023 - 2024 là giai đoạn chạy thử”, anh Nghĩa cho biết.
Dàn "cá mập" tại Shark Tank mùa 7 tập 2.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về lợi thế của Askany so với việc tư vấn thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần phổ biến hiện nay, anh Nghĩa cho biết: “Lợi thế lớn nhất là về độ tin cậy. AI lấy kiến thức trên Internet nên khá chung chung, không được kiểm định, xác minh, trong khi những vấn đề tiền bạc, đầu tư phải có người cụ thể xác nhận, chứng thực”.
Nhà sáng lập tiết lộ là công ty đã ứng dụng AI vào việc tư vấn. Cụ thể, Askany đã có một AI tư vấn về thuế, theo hướng phát triển gắn AI với một người nổi tiếng. Ví dụ, công ty thiết kế một con AI tư vấn về gym gắn với một kiện tướng thể hình để tư vấn cho khách.
Về vấn đề truyền thông - marketing, khi Shark Minh Beta nêu băn khoăn “cách thức truyền thông của Askany đang khá tốn kém so với một startup, cụ thể như việc quảng cáo tại sân bay”. Nhà sáng lập cho biết, bản thân có kinh nghiệm, từng giữ chức cao liên quan tại một doanh nghiệp lớn ở Singapore, nên tự tin có thể chuyển đổi những lượt tìm kiếm thành doanh số kỳ vọng.
Mặc dù cố gắng thuyết phục, Askany vẫn chưa nhận được đánh giá tốt từ các nhà đầu tư của chương trình. Cụ thể, Shark Hưng cho rằng mô hình kinh doanh đang ở giai đoạn quá sớm nên quyết định không đầu tư. Cùng quyết định, Shark Thái đánh giá cao ý tưởng kinh doanh vì cho rằng nhu cầu cho việc tư vấn khá lớn; tuy nhiên, việc startup đã chi quá nhiều tiền vào nhưng doanh thu hiện tại khá thấp khiến ông thấy rủi ro nên cũng từ chối đầu tư.
“Cá mập” nữ duy nhất trong "bể cá mập", Shark Phi Vân đánh giá mô hình có tiềm năng, tuy nhiên đang có phần “hụt hơi” vì tập trung xây nền tảng nhiều mà chưa thương mại hóa tốt. Do đó, để đưa ra quyết định đầu tư ngay tại thời điểm này thì chưa thể. Shark mong muốn tham gia vào dự án khoảng từ 3 - 6 tháng để đưa startup lên một giai đoạn khác, rồi sau đó mới xuống tiền đầu tư.
Shark Bình đã đưa ra những nhận xét, góp ý rất "thấm" dành cho startup.
Đánh giá về tiềm năng của startup, Shark Bình đưa ra so sánh về sự xem trọng lời khuyên trong văn hóa các nước: “Nếu như ở các nước phát triển, người ta sẵn sàng trả phí cao cho việc tư vấn thì văn hóa Việt Nam chưa thật sự coi trọng điều đó. Vì vậy, startup cần phải đầu tư rất nhiều tiền cho việc giáo dục thị trường”.
Là “cá mập” công nghệ, Shark Bình nhận xét: “Mô hình của Askany có nhiều điểm chưa tối ưu. Về mặt lập trình ứng dụng, startup bỏ quá nhiều thời gian và ngân sách để “làm lại cái bánh xe”, trong khi thế giới công nghệ hiện nay tất cả mọi thứ đều đã mô-đun hóa, có các doanh nghiệp cung cấp API (Application Programming Interface - giao diện lập trình ứng dụng) giải quyết tất cả các vấn đề”.
“Thay vì bạn phải bỏ ra 10 tỷ để làm lại tất cả các tính năng đó thì bạn chỉ phải trả 10 triệu tháng, thay vì 1 năm chỉ mất 3 ngày. Về mặt sản phẩm thì chưa thân thiện người dùng, còn rối rắm, nhiều hạng mục”, từ nhận xét trên Shark Bình trả giá 2 tỷ đồng cho 30% cổ phần.
Chạm đúng “điểm đau”, chia sẻ từ Shark Bình khiến Nhà sáng lập bồi hồi xúc động, vì cho rằng rất “thấm”: “Nếu từ đầu em có được lời tư vấn của Shark Bình thì sẽ đỡ được rất nhiều tỷ đồng đầu tư. Tụi em bắt đầu việc này để giúp các doanh nghiệp tránh sai lầm nhưng tụi em vẫn sai lầm, tụi em đang cố gắng từng bước để hoàn thiện mình”.
Dù vậy, do chưa sẵn sàng chia sẻ thêm % cổ phần nên dù Shark Bình hạ deal xuống còn 2 tỷ cho 20% cổ phần thì startup vẫn từ chối, khép lại thương vụ gọi vốn không thành công.