Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo

Sáng nay 28/7, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc tế Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo nhằm thu nhận ý kiến, đóng góp của giới chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về chính sách trong và ngoài nước, cũng như trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm từ các thành phố khác trên thế giới

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và phát biểu khai mạc hội thảo.

Được biết, tại hội thảo này, UBND TP.HCM sẽ ghi nhận các ý kiến, đóng góp về định hướng tầm nhìn cho khu đô thị sáng tạo, thảo luận các vấn đề về quy hoạch đô thị, những chính sách cũng như lộ trình xây dựng cơ chế, chính sách cho đô thị sáng tạo và những giải pháp thực tế cho đô thị này. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo - Ảnh V.D

Trước đó, ngày 27/7, các đại biểu tham dự hội nghị đã tham quan thực tế khu vực dự kiến hình thành khu đô thị sáng tạo trong tương lại của TP.HCM tại Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức. Các đại biểu cũng tham quan những doanh nghiệp và một số địa điểm được xem là hạt nhân của đô thị trong tương lai như Khu công nghệ cao TP, tòa nhà FPT Software, Khu công nghệ phần mềm…

Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, kế hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo phía đông của TP.HCM là chất xúc tác cho nhiều ý tưởng trong quá trình chuyển dịch kinh tế của TP đang diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0.

Nền tảng cơ bản chính là sự kết nối giữa “phần cứng” là cấu trúc đô thị và “phần mềm là các tương tác giữa nhiều bên liên quan trong đô thị thông qua các chương trình hợp tác công – tư (PPP), ông Đạt cho hay.

Như đã đưa tin, trước thềm Xuân Mậu tuất năm 2018, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thành tựu kinh tế, công tác quốc phòng, an ninh năm 2017 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2018 để phát triển Thành phố bền vững.

Theo lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trong năm 2018, TP.HCM sẽ triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố (QH thông qua ngày 24/11/2017), và rõ ràng Nghị quyết 54 là chìa khóa để phát huy những điểm đặc thù của Thành phố, cho phép Thành phố tự chi ngân sách, đáp ứng phục vụ người dân tốt hơn. Quốc hội cũng tạo cơ chế cho Thành phố vay vốn bằng ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, miễn không ảnh hưởng ngân sách quốc gia. Hay nói cách khác, Nghị quyết 54 trao cho Thành phố cách làm để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Nói về đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025 vừa được công bố hồi tháng 11/2017, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Đề án sẽ giúp Thành phố quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo để ngăn chặn, bớt việc phải “giật mình” khi phát triển vì đô thị thông minh sẽ đưa ra các dự báo gần sát với thực tế dựa trên số liệu được cập nhật liên tục, hằng năm và có tính kế thừa.

Trước tiên, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố yêu cầu Ban điều hành Đề án cần khẩn trương hoàn thiện và thí điểm phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền, cũng như tiếp tục nâng cấp các giải pháp hỗ trợ người dùng, cơ quan quản lý Nhà nước trong giám sát giao thông, môi trường, triển khai giáo dục thông minh,…

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng khẳng định, 2018 là năm bản lề đối với TP.HCM và cả nước, bởi đây là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Song song với việc rà soát đánh giá tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá của Thành phố mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã thông qua, Thành phố rõ ràng cần đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới.

Cụ thể, Thành phố sẽ tập trung bổ sung một số giải pháp mới, đó là Nghị quyết 54 của Quốc hội; xây dựng đề án đô thị thông minh. Bên cạnh đó, song song với đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, TP.HCM sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo tích hợp 3 quận. Trong đó, quận 9 với nổi bật là Khu Công nghệ cao - SHTP, quận 2 với trung tâm tài chính sẽ hình thành, quận Thủ Đức với 12 trường đại học, trên 1.500 tiến sĩ là giảng viên và 70.000 sinh viên.

Theo lời Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, nơi đây sẽ thành trung tâm đô thị sáng tạo của thành phố, làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.