Dù ít hay nhiều chắc hẳn chúng ta cũng đã từng nghe đến nghề Tester, vậy Tester là gì? Testing có thể nói là một bước rất quan trọng trước khi đưa sản phẩm ra mắt người dùng và những người làm testing được gọi là những Tester.
Định nghĩa:
Tester là tên gọi chung của các chuyên gia khảo sát chất lượng sản phẩm, họ sử dụng các bước quy trình đặc thù để tìm ra và loại bỏ những vấn đề về lỗi, sai sót của hiệu suất và giao diện hay bất cứ vấn đề nào có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng ứng dụng hoặc phần mềm.
Trong từng công ty và từng vị trí công việc cụ thể mà Tester có thể được chia thành nhiều nhánh như QA, QC, Manual Tester, Automation Tester,... Tuy nhiên chúng ta có thể gọi chung họ là Tester.
Vậy Tester làm thế nào để kiểm tra một ứng dụng hoặc phần mềm nào đó? Có rất nhiều kiểu test mà các Tester có thể sử dụng tùy theo yêu cầu và mục đích, tuy nhiên những kiểu test thông dụng mà các Tester thường sử dụng là: Test hiệu suất, stress test, khả năng mở rộng và mức độ tiếp cận của người dùng.
Testing là một bước vô cùng quan trọng trước khi đưa ứng dụng hoặc phần mềm đến tay người dùng nên Tester sẽ phải kiểm thử trước khi phát hành và sẽ phải thường xuyên bám sát trong suốt quá trình hỗ trợ ngay cả khi sản phẩm đã được phát hành để kịp thời kiểm tra và phát hiện lỗi phát sinh nếu có.
Có thể nói những Tester là những người hùng thầm lặng, họ không quá nổi bật như những người làm ra sản phẩm nhưng nhờ có họ mà các end user sẽ có được những trải nghiệm tốt nhất. Họ cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế các lỗi phát sinh trong quá trình khách hàng trải nghiệm sản phẩm. Có thể nói Tester là những người làm nên bước cuối cùng của một sản phẩm và đảm bảo sản phẩm sẽ luôn ổn định, góp phần giúp cho khách hàng có thiện cảm hơn với đội ngũ phát triển và các nhà cung cấp dịch vụ.
Các kỹ năng để trở thành một Tester:
Tester cũng giống như bất cứ ngành nào khác trong lĩnh vực phần mềm là một nền tảng căn bản về máy tính. Kiến thức căn bản có thể học được trong chương trình cao đẳng, đại học. Tuy nhiên các bạn cũng không nhất thiết phải nắm hết tất cả các kỹ năng được đào tạo, tùy vào từng công ty, doanh nghiệp sẽ có những yêu cầu cụ thể riêng cho từng vị trí cụ thể. Nêu bạn không phải là một chuyên gia đã có vài năm kinh nghiệm làm việc trong mảng IT nói chung và Tester nói riêng, thì bạn sẽ phải có thư giới thiệu hoặc tiến cử từ cấp trên để trở thành một Tester chính thức. Một Senior Tester thông thường sẽ phải có từ ba đến sáu năm kinh nghiệm test phần mềm trực tiếp hoặc vừa học vừa làm.
Và để giải đáp cho câu hỏi Để trở thành một Tester, bạn sẽ phải đáp ứng những yêu cầu gì:
- Kiến thức căn bản về máy tính, tin học văn phòng căn bản, cài đặt phần mềm, sử dụng internet.
- Kiến thức về lập trình: Căn bản SQL, HTML, CSS. Bạn không cần phải học quá chuyên sâu để viết code nhưng ít nhất phải đọc hiểu được và có thể chỉnh sửa code đơn giản.
- Kiến thức tổng quan về test, bao gồm việc hiểu các định nghĩa cơ bản, các thuật ngữ, quy trình phát triển phần mềm, quy trình test.
- Có thể thực hiện test phần mềm cho từng giai đoạn trong vòng đời phần mềm bao gồm: thiết kế-phát triển-thử nghiệm-phát hành-duy trì.
- Có thể chịu được áp lực công việc tốt vì thường sẽ phải kiêm nhiều nhiệm vụ một lúc.
- Có khả năng giao tiếp tốt (cả nói và viết) với các dev, team vận hành, giám đốc phát triển sản phẩm và khách hàng. Biết thêm ngoại ngữ sẽ là một lợi thế.
Nếu bạn có thêm hiểu biết về các kỹ năng cũng như các ngôn ngữ lập trình khác thì sẽ là một lợi thế rất lớn dành cho bạn.
Với tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng như ở Việt Nam, nhất là trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0 như hiện này, nhu cầu nhân sự trong mảng Tester là rất phổ biến. Không khó cho bạn để trở thành một Tester chính thức nếu bạn đã nắng vững hầu hết các kỹ năng nói trên.