Sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, việc lạm dụng, đặc biệt là sử dụng sai thời điểm loại thiết bị điện tử này dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu từ xác nhà khoa học của Trường đại học Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) sử dụng smartphone vào đêm khuya, đặc biệt là khoảng thời gian sau 10 giờ tối, có thể gặp các vấn đề về chất lượng giấc ngủ hay sức khỏe tâm thần.
Sử dụng smartphone vào đêm khuya, đặc biệt là khoảng thời gian sau 10 giờ tối, có thể gặp các vấn đề về chất lượng giấc ngủ hay sức khỏe tâm thần. (Ảnh: Pexels)
Cụ thể, các nhà khoa học của Trường đại học Glasgow đã tiến hành một nghiên cứu về tầm quan trọng của nhịp sinh học của cơ thể người đến sức khỏe và sự rối loạn tâm trạng. Nghiên cứu này được thực hiện với hơn 91.000 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 37 đến 73 trên khắp châu Âu.
Những người tham gia được yêu cầu đeo gia tốc kế trong 7 ngày để ghi nhận hoạt động của họ và trả lời bảng câu hỏi để đánh giá các triệu chứng rối loạn tâm thần, chức năng nhận thức cũng như mức độ hạnh phúc. Sau khi đối chiếu kết quả thu được với tiền sử sức khỏe tâm thần của người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện những người bị rối loạn nhịp sinh học có nguy cơ rối loạn cảm xúc cao hơn 6-10% so với những người có chu kỳ thức/ngủ bình thường.
Các nhà khoa học cho biết, cơ thể của chúng ta hoạt động tuân theo đồng hồ sinh học. Điển hình là việc tỉnh giấc khi có ánh mặt trời và chìm vào giấc ngủ vào ban đêm để phục hồi năng lượng. Một nhịp sinh học lành mạnh là hoạt động tích cực vào ban ngày và hoạt động ít lại vào ban đêm.
Với những người bị rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể, tức là hoạt động tích cực vào ban đêm hoặc ít hoạt động vào ban ngày (người hay thức khuya hoặc làm việc ca đêm), có nguy cơ cao rối loạn cảm xúc, tâm trạng thường không được tốt và thường xuyên cảm thấy đơn độc và ít hạnh phúc hơn.
Daniel Smith, Giáo sư tâm thần học tại trường Đại học Glasgow cho biết. " Nghiêm cứu này vô cùng quan trọng, nó chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa nhịp sinh học và tâm trạng của con người ".
Ánh sáng xanh từ smartphone có thể cản trở quá trình sản xuất melatonin. Hormone melatonin đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp sinh học và hỗ trợ cho giấc ngủ sâu. (Ảnh: Getty Images)
Giáo sư Smith cũng khuyến cáo rằng mọi người không nên sử dụng smartphone vào đêm muộn, đặc biệt trước giờ đi ngủ. Bởi ánh sáng điện thoại là một nguồn sáng mạnh, sẽ khiến bộ não của chúng ta bị nhầm lẫn giữa đêm và ngày.
Điều này không chỉ làm thay đổi nhịp sinh học bình thường của con người mà còn dẫn đến việc não bộ truyền tín hiệu ngưng tiết melatonin, vốn là một hormone giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ. Việc thiếu hụt lượng hormone melatonin có thể dẫn đến những triệu chứng tiêu cực về sức khỏe.
Mất ngủ khiến bạn trở nên uể oải và khó thức dậy hơn vào hôm sau. Đặc biệt, nó cũng khiến bạn mất tập trung và giảm năng suất làm việc. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể mà còn làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày.
Tham khảo The Independent