Mới đây, một doanh nhân tại London (Anh) đang tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số, đưa đơn xin việc năm 1973 do Steve Jobs điền vào để bán đấu giá dưới dạng vật lý và NFT – tài sản mã hóa.
Trước đó, lá đơn xin việc đặc biệt này đã được bán đấu giá nhiều lần: năm 2017 với giá 18.750 USD, năm 2018 với giá 174.757 USD và tháng 3 vừa qua với giá lên tới 222.400 USD. Người tổ chức cuộc đấu giá, Olly Joshi sẽ bán phiên bản vật lý và phiên bản NFT mới cùng nhau.
Trong một tuyên bố chính thức, ông cho hay: “Cuộc đấu giá đơn xin việc viết tay năm 1973 của Steve Jobs nhằm mục đích làm nổi bật sự thay đổi hiện đại về giá trị nhận thức - vật chất hoặc kỹ thuật số”. Phiên đấu giá sẽ diễn ra trong 7 ngày (từ ngày 21/7), những người muốn mua phiên bản thực có thể đấu giá thông qua trang web của Joshi, đang được chạy trên một ứng dụng đấu giá có tên là Snoofa. Những người muốn mua phiên bản kỹ thuật số có thể truy cập Rarible trên thị trường NFT phổ biến.
Cuộc đấu giá không chỉ là ví dụ mới nhất về giá trị của những món đồ sưu tầm gắn liền với Jobs mà còn là một dấu mốc mới, thể hiện sự quan tâm của mọi người về tài sản NFT. Cách đây không lâu, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đã được bán với giá 69 triệu USD. Các nghệ sĩ và nhạc sĩ kỹ thuật số khác cũng đang kiếm tiền từ NFT.
Cố CEO Apple - Steve Jobs.
Nội dung của đơn xin việc viết bởi Steve Jobs không rõ ràng nhưng những kỷ vật khác gắn liền với nhà đồng sáng lập Apple đã bán rất đắt trong quá khứ. Nhiều người đã trả giá hàng chục nghìn USD cho một tạp chí được “huyền thoại” công nghệ ký tên, một hợp đồng cũ và thậm chí một chiếc áo choàng tắm và dao cạo điện. Chiếc áo khoác da của ông cũng từng được bán với giá 22.400 USD vào năm 2016.