Theo Live Science, tính toán của các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA cho thấy tiểu hành tinh sẽ áp sát Trái Đất với khoảng cách chỉ 90.000 km, tức chỉ 23% khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
JPL-NASA cho rằng tiểu hành tinh, được đặt tên 2022 NF, sẽ đi qua địa cầu một cách an toàn, tức không xảy ra va chạm.
Nhưng nó cũng gây giật mình vì đã xuất hiện một cách "lén lút". Không ai nhận ra nó cho đến ngày 4-7, bất chấp hàng loạt kính viễn vọng khắp thế giới đang dõi lên bầu trời vừa để nghiên cứu các thiên thể xa xôi, vừa để theo dõi sát sao các mối nguy hiểm từ không gian.
Pan-STARRS - một hệ thống máy ảnh và kính thiên văn tối tân có "bộ chỉ huy" đặt tại Hawaii - đã tình cờ phát hiện ra tiểu hành tinh, tính toán được kích thước và quỹ đạo gần chính xác của nó trong ngày.
2022 NF to cỡ một chiếc xe buýt, có đường kính khoảng 5,5 đến 12,5 m. Kích thước này nhỏ hơn tiêu chuẩn "tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy hiểm" của NASA.
Mặc dù tiểu hành tinh tiếp cận gần nhất với Trái đất vào ngày 7-7 nhưng nó sẽ được một số kính thiên văn quan sát thấy bắt đầu từ ngày 6-7.
NASA và các cơ quan không gian khác theo dõi chặt chẽ hàng ngàn vật thể "ưa chuộng" Trái Đất như thế này. Hiếm khi chúng gây ra mối đe dọa cho Trái Đất nhưng một số tiểu hành tinh lớn có thể nguy hiểm nếu quỹ đạo của chúng thay đổi.
Vào tháng 11-2021, NASA đã phóng một tàu vũ trụ "cảm tử"làm chệch hướng tiểu hành tinh được gọi là DART, sẽ đâm trực diện vào tiểu hành tinh Dimorphos rộng 160 m vào mùa thu năm 2022. Vụ va chạm sẽ không phá hủy tiểu hành tinh, nhưng nó có thể thay đổi một chút quỹ đạo.
Thử nghiệm này nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh phòng thủ Trái Đất tương lai: Nếu phát hiện ra kẻ nguy hiểm, các nhà khoa học sẽ phóng tàu vũ trụ lao vào nó, làm thay đổi hướng đi, khiến nó không lao vào phía Trái Đất nữa.