Theo The Guardian, gia đình của hai bé gái được cho là đã chết do thực hiện theo các trào lưu thử thách trên TikTok, đã kiện nền tảng xã hội này, cho rằng các thuật toán “nguy hiểm” của nó là nguyên nhân gây ra cái chết của con họ.
Vào năm 2021, trên TikTok rộ lên một trào lưu có tên “Blackout Challenge”, những người tham gia thử thách này sẽ sử dụng một sợi dây để tự siết cổ cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời, sau đó video quay lại quá trình thực hiện sẽ được chia sẻ lên mạng xã hội TikTok.
Được đại diện bởi Social Media Victims Law Center (SMVLC), một tổ chức pháp lý dành cho các bậc phụ huynh có trẻ em bị tổn hại do lạm dụng và nghiện mạng xã hội, họ cáo buộc “thuật toán nguy hiểm” của nền tảng này đã cố ý và thường xuyên gợi ý các video về thử thách cho con cái của họ, khuyến khích chúng tham gia vào thử thách mà cuối cùng đã cướp đi mạng sống của chúng.
Matthew P Bergman, luật sư sáng lập của SMVLC cho biết: “TikTok cần phải chịu trách nhiệm về việc truyền tải nội dung chết người cho hai bé gái này. Nền tảng này đã đầu tư hàng tỉ USD để cố ý thiết kế các sản phẩm nhằm truyền bá nội dung mà họ biết là nguy hiểm và có thể dẫn đến cái chết của người dùng.”
Nạn nhân đầu tiên là Lalani Erika Renee Walton, 8 tuổi ở Temple, Texas (Mỹ). Cô bé qua đời vào ngày 15/7/2021, được cảnh sát xác định nguyên nhân cái chết là do “kết quả trực tiếp của việc cố gắng thực hiện trào lưu “Blackout Challenge” trên TikTok,” theo đơn khiếu nại.
Trước đó vào tháng 4/2021, Lalani đã được tặng một chiếc điện thoại trong sinh nhật lần thứ 8 của mình và “nhanh chóng trở nên nghiện xem video TikTok”, đơn khiếu nại cho biết. Cô bé thường đăng các video quay cảnh mình hát và nhảy với hy vọng trở thành “người nổi tiếng trên TikTok”.
Vào tháng 7/2021, gia đình bắt đầu nhận thấy có vết bầm tím trên cổ của Lalani, cô bé giải thích rằng đó là do tai nạn. Nhưng họ không hề hay biết, cô đã bắt đầu tham gia “Blackout Challenge”, xuất hiện lần đầu trên nguồn dữ liệu TikTok của cô vài tuần trước đó.
Vào ngày mất, Lalani đã dành hàng giờ đồng hồ trong chuyến du lịch cùng gia đình để xem các video, trong đó có các bài đăng về “Blackout Challenge”. “Cô bé tin rằng nếu đăng một video về việc thực hiện thử thách, thì sẽ trở nên nổi tiếng và vì vậy đã quyết định thử nó,” đơn khiếu nại cho biết. “Lúc đó Lalani chỉ mới 8 tuổi và không thể hiểu được bản chất nguy hiểm của những gì TikTok đang khuyến khích cô bé làm.”
Nạn nhân còn lại là Arriani Jaileen Arroyo, 9 tuổi ở Milwaukee, Wisconsin (Mỹ), cũng nhận được một chiếc điện thoại khi 7 tuổi và sử dụng TikTok nhiều lần trong ngày, theo đơn tố cáo. Cô bé đã “dần trở nên ám ảnh” về việc đăng các video khiêu vũ trên TikTok và trở nên “nghiện” ứng dụng này.
Vào tháng 1/2021, gia đình của Arriani đã nói với cô bé về sự cố một người dùng TikTok trẻ tuổi chết do thử thách, nhưng Arriani đảm bảo với họ rằng sẽ không bao giờ làm theo các video nguy hiểm. Tuy nhiên, vào ngày 26/2/2021, cô bé được em trai 5 tuổi phát hiện trong tình trạng không còn thở. Arriani được đưa đến bệnh viện địa phương nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu sống.
“Không nghi ngờ gì nữa, TikTok biết rằng trào lưu thử thách “Blackout Challenge” chết người đang lan truyền thông qua ứng dụng và thuật toán của họ lại cung cấp nó cho trẻ em, trong đó có 2 nạn nhân nói trên”, đơn khiếu nại viết.
Đơn kiện cũng liệt kê một số khiếu nại chống lại TikTok, gồm cả việc thuật toán của nền tảng này quảng bá nội dung có hại, cho phép người dùng chưa đủ tuổi sử dụng ứng dụng và không cảnh báo người dùng hoặc người giám hộ hợp pháp của họ về tính chất gây nghiện của ứng dụng.
TikTok đã không đưa ra câu trả lời khi được hỏi về những thông tin nói trên.
Công ty đã bị chỉ trích trong quá khứ vì để cho những thử thách nguy hiểm lan rộng. Các bác sĩ báo cáo rằng trào lưu “milk crate challenge” năm 2021, khuyến khích người dùng xếp và trèo lên thùng sữa, đã dẫn đến các trường hợp trật khớp vai và thậm chí là chấn thương tủy sống. Năm 2020, một cô gái 15 tuổi đã chết sau khi tham gia trào lưu "Benadryl challenge", trong đó người dùng sử dụng một lượng lớn thuốc kháng histamine nhằm tạo ra hiệu ứng gây ảo giác. Vào năm 2020, hai trẻ vị thành niên bị buộc tội hành hung sau khi tham gia thử thách “skull breaker”, khiến một nạn nhân lên cơn co giật.
Các luật sư của SMVLC tuyên bố rằng TikTok cố ý cho phép những nội dung như vậy phổ biến trên nền tảng vì nó tăng mức độ tương tác, số lượng người dùng và cuối cùng là lợi nhuận. “TikTok ưu tiên lợi nhuận doanh nghiệp lớn hơn sức khỏe và sự an toàn của người dùng, đặc biệt là của trẻ em rất dễ bị tổn thương,” họ nói.
Gia đình Walton và Arroyo đang tìm kiếm một khoản tiền bồi thường thiệt hại (nhưng chưa rõ là bao nhiêu) và đã yêu cầu một phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn diễn ra ở California (Mỹ).