Nguồn tia vũ trụ GRB 190829 là một "vụ nổ tia gamma" cực mạnh và "rất gần" Trái Đất nếu so sánh với các vụ nổ tia gamma từng được ghi nhận trước đó, nên là điều kiện tuyệt vời để các nhà khoa học truy tìm nguồn gốc phát ra thứ năng lượng khổng lồ đó. Họ đã tìm thấy một ngôi sao chết.
Theo Daily Mail, tuy gọi là gần vì có khoảng cách ít hơn đến 20 lần so với hầu hết các vụ nổ tia gamma từng được ghi nhận, nhưng GRB 190829 cũng cách Trái Đất tới 1 tỉ năm ánh sáng. Điều đó có nghĩa sự kiện bùng nổ của ngôi sao chết đã xảy ra 1 tỉ năm trước.
Vụ nổ giải phóng hàng loạt tia X và tia gamma, và các tia này mất tới 1 tỉ năm để đến được ống kính của kính thiên văn Hệ thống lập thể năng lượng cao (HESS) đặt tại Nambia, một thiết bị được thiết kế để "nhìn" được thứ ánh sáng vũ trụ này.
Tờ Sci-News dẫn lời tiến sĩ Sylvia Zhu từ cơ quan nghiên cứu thiên văn Elektronen-Synchrotron (DESY) của Đức, khẳng định vụ nổ này liên quan đến cái chết sau cùng của một ngôi sao cực lớn, đang quay nhanh. Cái chết này sẽ biến ngôi sao thành một lỗ đen.
Phát hiện này giúp giới thiên văn hiểu thêm về các sự kiện khốc liệt của vũ trụ mà chúng ta không có dịp chứng kiến trong vùng không gian gần, đồng thời là bằng chứng trực tiếp cho thấy lỗ đen cỡ nhỏ có thể hình thành bởi cái chết của một ngôi sao như thế nào.
Cái chết sao này mạnh mẽ đến nỗi các nhà khoa học đã quan sát được chùm tia vũ trụ rực rỡ suốt 3 ngày liền.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science.