Từ năm 2020, máy tính Apple sẽ sử dụng chip

Apple dự kiến sẽ từ bỏ nền tảng x86 của Intel, và chuyển qua sử dụng các chip riêng do mình tự phát triển trên các hệ máy tính Mac kể từ năm 2020.

Apple dự kiến sẽ từ bỏ nền tảng x86 của Intel, và chuyển qua sử dụng các chip riêng do mình tự phát triển trên các hệ máy tính Mac kể từ năm 2020. Đây được xem là thành quả của dự án Kalamata, và cũng là lối đi không phải lạ lẫm gì.

Trước đây, "Táo" vốn đã thực hiện việc chuyển đổi nền tảng ít nhất 2 lần.

Trước đây, "Táo" vốn đã thực hiện việc chuyển đổi nền tảng ít nhất 2 lần. Theo nguồn tin từ Bloomberg, Kalamata hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu, và là một phần trong chiến lược quy mô lớn hơn nhằm tăng cường sự hội tụ trong sản phẩm Apple so với hiện nay. Được biết, việc chuyển đổi sẽ gồm nhiều bước, nhưng chưa có nhiều thông tin cụ thể được tiết lộ.

Đáng chú ý, trước khi việc chuyển đổi phần cứng diễn ra, Apple cũng sẽ có nhiều động thái "dọn đường" về phần mềm, một phần trong sáng kiến Dự án Marzipan. Được đề cập lần đầu từ tháng 12-2017, Marzipan sẽ xóa nhòa ranh giới giữa các sản phẩm di động và để bàn của Apple thông qua việc cho phép người dùng sử dụng các ứng dụng iOS ngay trên nền macOS.

Thực tế, việc mở đường sớm là điều không lạ. Apple từng tiến hành chuyển đổi nội bộ sang chip PowerPC từ năm 1991, nhưng chỉ đưa chip mới tới người tiêu dùng hai năm sau đó. Thậm chí, Mac OS X đã được thiết kế để chạy trên các chip Intel suốt từ khi hệ điều hành này ra đời, tức là tới 5 năm trước khi người tiêu dùng tiếp cận nền tảng mới.

Trong khi đó, những đồn đoán về việc Apple sẽ từ bỏ x86 để chuyển sang chip riêng đã xuất hiện gần 1 thập kỷ (từ năm 2008), khi hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ thâu tóm nhà thiết kế chip PA Semi với khoản chi lên tới 278 triệu USD. Sau khi tung ra một vài biến thể hệ thống trên chip (SoC) ARM dành cho iPhone thế hệ đầu, Apple lại tiếp tục mua Intrinsity vào năm 2010, và giới thiệu chip di động "cây nhà lá vườn" A4.

Đối với máy tính Mac, những đồn đoán về việc chuyển đổi nền tảng rộ lên kể từ năm 2011, khi một số kênh tin cho biết Apple sẽ tung ra phiên bản ARM 64-bit dành cho máy tính để bàn. Những thông tin này càng chắc chắn hơn khi Apple mua lại một phần nhà máy chế tạo chip Maxim vào năm 2013.

Tuy từ đó tới nay, "Táo" vẫn viện tới các đối tác trong việc cung cấp chip và chưa có thay đổi nào đáng kể về nền tảng, nhưng không thể phủ nhận rằng những bước đi mà Apple thực hiện nhằm sở hữu nhóm thiết kế chip riêng là rất rõ nét. Ngay từ cuối 2010, hãng đã chiêu mộ nhiều kĩ sư từ Texas Instruments, đồng thời thực hiện nhiều vụ mua sắm "đáng ngờ" mà nhà sản xuất chip hiệu suất cao Passif, hay thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển liên quan tới SoC tại Israel là những điển hình.

Những nỗ lực như vậy đã đem lại kết quả rất ấn tượng. Chip A11 Bionic của Apple hiện có hiệu năng đo điểm đơn lõi tương đồng với chip Intel Core i7 sử dụng trong Macbook Pro 2016-2017, trong khi hiệu năng đa lõi không thua kém gì Macbook Pro Retina 15 inch trước đó. Điều này cũng cho thấy những bước tiến vượt bậc mà hãng có được trong cuộc chơi mới. Điều này càng khiến việc chuyển đổi nền tảng trở nên thuận lợi và khả thi hơn bao giờ hết.