Công ty nghiên cứu thị trường GfK mới đây đưa ra thống kê cho thấy trong quý II năm 2019 doanh số bán ra của dòng TV màn hình QLED cao tới gấp 5 lần những dòng TV sử dụng công nghệ màn hình OLED. Cuộc lật đổ của công nghệ màn hình mới chỉ xuất hiện cách đây vài năm này cho thấy những cách tân và sáng tạo trong ngành công nghiệp TV vẫn được thị trường nồng nhiệt đón nhận.
Năm 2017, Samsung giới thiệu dòng TV QLED ra thị trường. Ông lớn công nghệ Hàn Quốc này thậm chí còn thành lập một Liên minh QLED (QLED Alliance) cùng Hisense và TCL để sản xuất và giới thiệu công nghệ màn hình mới.
Màn hình QLED hoạt động như thế nào?
Hiểu một cách đơn giản, chấm lượng tử là một phân tử cực kì nhỏ bé nhưng có nhiều tính chất đặc biệt. Dù vậy, trong công nghệ TV, điều khiến chúng được quan tâm nhiều nhất là khả năng phát sáng khi được cung cấp năng lượng.
Tuỳ thuộc kích thước của chấm lượng tử, chúng có thể phát sáng ở các dải màu khác nhau. Vì thế, một chấm lượng tử với kích thước nhỏ nhất có thể phát ra màu xanh dương, chấm có kích thước lớn hơn một chút sẽ sinh màu xanh lá, trong khi đó chấm lớn nhất sẽ có màu đỏ. Điều này là cực kì hữu ích bởi ba màu sắc cơ bản nói trên chính là cách hình ảnh trên TV được tạo ra.
Ở thời điểm hiện tại, màn hình QLED của Samsung tạo ra hình ảnh ấnh tượng bằng cách đặt một lớp mỏng nhưng bao gồm nhiều điểm lượng tử trước một tấm nền LED màu xanh. Dựa vào ánh sáng từ tấm nền này, kèm theo điện năng được cung cấp, các chấm lượng tử sẽ hiển thị các màu sắc tương ứng.
Sức mạnh của lớp chấm lượng tử
Màn hình QLED có thể dễ dàng tăng kích thước. Vì lí do này, Samsung có thể cho ra mắt những mẫu TV với màn hình trên dưới 100 inch cùng các công nghệ mới.
Từ việc hiểu cách hoạt động của màn hình QLED, không khó để thấy một trong những lợi thế lớn nhất của công nghệ màn hình này nằm ở việc nó có thể hiển thị được hình ảnh với màu sắc cực kì trung thực và chi tiết nhờ vào lớp chấm lượng tử dày đặc.
Màn hình QLED cũng có lợi thế lớn khi nhắc đến độ sáng của màn hình. Sử dụng đèn nền tách biệt, thay vì dựa vào mỗi điểm ảnh để tự phát sáng, độ sáng tối đa mà màn hình QLED mang lại là cực kì ấn tượng, cho phép người dùng có thể tận hưởng trọn vẹn hình ảnh ngay cả trong điều kiện ánh sáng môi trường mạnh. Chấm lượng tử cũng có thể tối ưu ánh sáng bằng cách tạo ra các gam màu sáng hơn nữa trong dải màu mà không làm bão hoà hình ảnh.
Đó là chưa kể đến việc màn hình QLED có độ bền cao hơn so với màn hình OLED. Theo đánh giá của một số chuyên trang công nghệ, các điểm ảnh màu xanh dương trên màn hình OLED thường dễ hỏng hơn so với các điểm ảnh màu xanh lá và màu đỏ. Vì lí do này, hiện tượng lưu ảnh trên màn hình OLED có thể xuất hiện sau một thời gian dài sử dụng. Màn hình QLED của Samsung đã được thị trường chứng minh là bền và hiệu quả hơn. Cũng vì vậy nên Samsung đã dám cam kết bảo hành không lưu ảnh trong 10 năm với dòng TV QLED của hãng.
Nhiều chuyên gia công nghệ dự đoán màn hình QLED sẽ còn tiếp tục phát triển và đạt được sự phổ biến rộng rãi hơn trong tương lai gần. Lớp chấm lượng tử sẽ còn biến đổi theo công nghệ để mang đến cho người dùng những trải nghiệm hình ảnh ấn tượng hơn. Cho tới lúc đó, cuộc đua giữa màn hình QLED và OLED, ít nhất là tại Việt Nam, dường như đã có những lằn ranh cách biệt lớn.