Ứng dụng quản lý quỹ từ thiện giành ngôi quán quân TomoChain Hackathon 2018

Vượt qua 8 ý tưởng khác đầy tính độc đáo và cạnh tranh, ứng dụng quản lý quỹ từ thiện trên nền tảng blockchain TomoCater đã xuất sắc chinh phục thành công ban giám khảo trong buổi pitching và giành chiến thắng trong cuộc thi TomoChain Hackathon mùa đầu tiên 2018.

Trong hai ngày 21 và 22/7/2018, TomoChain đã chính thức khởi động sự kiện TomoChain Hakathon 2018 nhằm hỗ trợ các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực blockchain và có mong muốn thử thách bản thân, trải nghiệm việc xây dựng và phát triển dự án blockchain thực tế.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng hướng tới mục tiêu tìm kiếm, bồi dưỡng các lập trình viên, nhà phát triển tiềm năng với các ý tưởng có giá trị, giúp các đội chơi tìm hiểu sâu về công nghệ blockchain. Nội dung của cuộc thi xoay quan những vấn đề về việc phát triển hệ sinh thái blockchain, bao gồm xây dựng hạ tầng blockchain, phát triển ứng dụng trên nền tảng blockchain...

Vượt qua 8 ý tưởng khác đầy tính độc đáo và cạnh tranh, TomoCater (nhóm kỹ sử của Newcater) đã xuất sắc chinh phục Ban giám khảo trong buổi pitching và bước lên vị trí cao nhất của TomoChain Hackathon mùa đầu tiên.

Theo đó, TomoCater của Newcater là ứng dụng quản lý hoạt động gây quỹ ủng hộ và từ thiện phi tập trung trên nền tảng blockchain, trong đó những người gây quỹ đăng tải chiến dịch ủng hộ, cộng đồng và các mạnh thường quân sẽ góp tiền và tham gia biểu quyết để quỹ được phân phối theo lộ trình đến đối tượng cần ủng hộ.

Đại diện đội thắng cuộc cho biết, ngôi vị quán quân tại TomoChain Hackathon 2018 sẽ là động lực để Newcater thực hiên thành công các dự án sàn thương mại điện tử và đấu giá trực tuyến, mở ra một hướng đi mới cho nông sản Việt Nam, các sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, hay đặc sản địa phương…

Được biết, cuộc thi TomoChain Hackathon 2018 hy vọng có thể giải quyết một phần nhỏ vấn đề nóng về nhân sự ngành Blockchain tại Việt Nam hiện nay.

Theo báo cáo tháng 7/2018 của TopDev cho biết, Việt Nam sẽ cần đến 350.000 - 500.000 nhân lực IT đến trước cuối năm 2021. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 200.000 nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu lập trình viên có kiến thức và kinh nghiệm về blockchain thì mức lương trung bình có khả năng tăng gấp 3 lần do nhu cầu tuyển dụng lớn. Tuy nhiên, nhóm nhân sự này rất khan hiếm, chỉ chiếm 2 - 5% toàn thị trường.

Hiện có hơn 100 công ty công nghệ và hơn 5.000 lập trình viên tại Việt Nam đang phát triển các sản phẩm công nghệ dựa trên nền tảng blockchain. Công nghệ blockchain tại Việt Nam đang được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực: dịch vụ tài chính (83%), chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%). Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm cũng đang lên kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ này.