Theo Newsweek, vật thể vũ trụ đó là một tiểu hành tinh cỡ lớn có đường kính lên tới 366 m hoặc hơn. Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA, lúc 7 giờ 23 phút sáng 4-8, tảng đá lướt qua Trái Đất với khoảng cách khoảng 5,15 triệu km trên quỹ đạo của chính nó quanh Mặt Trời.
Khoảng cách này gấp 13 lần so với khoảng cách trung bình giữa Mặt Trăng và Trái Đất, nên bạn có thể yên tâm đó là một cú tiếp cận an toàn.
Tuy nhiên, NASA vẫn phải theo dõi sát vì vật thể vẫn là một tiểu hành tinh thuộc nhóm "gần Trái Đất" và có thể còn quay lại sau nhiều năm, có thể tiếp cận ở một khoảng cách khác.
Một số nhà thiên văn học ước tính đường kính của tiểu hành tinh cũng có thể dao động vào khoảng 170 - 380 m. Nó được đặt tên là 2022 OE2. Tốc độ hơn 116.000 km/giờ của nó nhanh hơn đạn súng trường khoảng 40 lần và bằng 1/3 so với tốc độ của một tia chớp.
Đây là một trong 29.000 vật thể gần Trái Đất được phát hiện cho đến nay. Thuật ngữ "vật thể gần Trái Đất" (NEO) được sử dụng để chỉ bất kỳ thiên thể nào đi qua trong khoảng 30 triệu dặm (48,3 km) so với hành tinh chúng ta.
Các NEO có khả năng gây nguy hiểm được phân loại là các NEO có quỹ đạo trong vòng 4,6 triệu dặm (7,4 triệu km) so với Trái Đất và lớn hơn 140 m, như vậy 2022 OE2 là một vật thể có khả năng gây nguy hiểm.
2022 OE2 chỉ được phát hiện vài ngày trước cú tiếp cận - ngày 26-7, một khoảng thời gian đủ gây giật mình bởi khó lòng triển khai bất kỳ biện pháp phòng thủ Trái Đất nào nếu nó thực sự gây nguy hiểm.