Wi-Fi 6 rục rịch xuất hiện

Chuẩn không dây thế hệ mới Wi-Fi 6 đã rục rịch xuất hiện. Đây là chuẩn không dây thế hệ tiếp theo, cho tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với chuẩn Wi-Fi 5 là 802.11ac hiện nay và theo dự kiến Wi-Fi 6 sẽ ra mắt ngay trong năm 2019.
Chuẩn Wi-Fi 6 đang "nóng" lên khi tại sự kiện CES 2019 - vừa diễn ra tại Mỹ, nhiều thiết bị công nghệ mới "chào sân" đều nhắc đến chuẩn Wi-Fi 6 này. Việc nhanh chóng tiếp cận và thích ứng với chuẩn kết nối không dây mới cũng là cách nâng tầm công nghệ cho thiết bị của các hãng/nhà sản xuất và qua đó, có thể bán được nhiều sản phẩm hơn tại các thị trường tiềm năng.
 
Không chỉ cho phép tốc độ tải lên và tải xuống nhanh hơn, Wi-Fi 6 sẽ cung cấp hiệu suất tốt hơn trong các khu vực dễ bị tắc nghẽn, như tại các sân vận động, khu vui chơi giải trí,... cho đến từng hộ gia đình.
Theo dự kiến, chuẩn Wi-Fi 6 sẽ được các nhà quản lý viễn thông cho ra mắt vào năm 2019 này. Vậy Wi-Fi 6 là gì? Nó có gì khác biệt so với các chuẩn Wi-Fi hiện nay?, và trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Các biểu tượng minh họa cho các phiên bản WiFi đã và đang được đưa ra thử nghiệm.
Lâu nay, chuẩn kết nối không dây Wi-Fi đã có nhiều phiên bản, và chúng đều được các nhà quản lý đặt tên (để phân biệt) hẳn hoi. Rồi những cái tên theo chuẩn Wi-Fi cũ - vốn khó hiểu/khó nhớ, nay cũng đã được đổi thành những cái tên mới, với cách gọi dễ gợi nhớ hơn cho người dùng, như chuẩn 802.11ac là Wi-Fi 5 chẳng hạn.
 
Theo thời gian, thế giới đã có và sử dụng các phiên bản Wi-Fi từ 1 - 5, bao gồm: Wi-Fi 1 là 802.11b, được phát hành vào năm 1999; Wi-Fi 2 là 802.11a - cũng được phát hành vào năm 1999; Wi-Fi 3 là 802.11g, được phát hành năm 2003; Wi-Fi 4 là 802.11n, được phát hành năm 2009; Wi-Fi 5 là 802.11ac, được phát hành vào năm 2014. Và nay là Wi-Fi 6 - là phiên bản mới, còn được gọi là 802.11ax, dự kiến phát hành vào năm 2019 này.
 
Nhằm để người dùng hiểu rõ và tường tận hơn, Liên minh Wi-Fi thế giới (tổ chức Wi-Fi Alliance) cũng đã ra thông báo và mong muốn những phiên bản (con số) Wi-Fi này sẽ xuất hiện trong các phần mềm, để người dùng có thể nhận biết mạng Wi-Fi nào mới hơn và nhanh hơn và chọn dùng khi kết nối trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay. Như vậy, rất có thể trong thời gian tới đây, bạn sẽ sớm nhìn thấy các số phiên bản Wi-Fi trên điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay của mình.
 
Điểm chung nhất là những chuẩn Wi-Fi mới thường có tốc độ kết nối nhanh hơn. Như thường lệ, những chuẩn Wi-Fi mới nhất luôn cung cấp tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn so với thế hệ trước đó. Nếu bạn sử dụng bộ định tuyến Wi-Fi với một thiết bị duy nhất, tốc độ tiềm năng tối đa của Wi-Fi 6 sẽ cao hơn tới 40% so với chuẩn Wi-Fi 5 hiện tại.
Các thế hệ thiết bị kết nối Wi-Fi đã được hãng Intel giới thiệu và bán ra thị trường lâu nay.
Theo giới chuyên môn, Wi-Fi 6 có tốc độ tốt như thế chính là nhờ việc mã hóa dữ liệu của chuẩn mới này đạt hiệu quả hơn, dẫn đến thông lượng cao hơn. Về cơ bản, nhiều dữ liệu được "đóng gói chung vào một kiện" để cùng gửi đi trên một sóng radio. Còn các chip mã hóa/giải mã hóa các tín hiệu được đóng gói này cũng ngày càng mạnh hơn, có thể xử lý nhiều dữ liệu hơn tại một thời điểm.
 
Tiêu chuẩn mới này thậm chí còn tăng tốc độ xử lý trên các mạng 2,4GHz. Trong khi đó, nhiều hãng sản xuất thiết bị viễn thông lâu nay đã chuyển sang Wi-Fi 5GHz - để ít bị nhiễu hơn, nhưng với mạng lưới 2,4GHz, thông tin được truyền đi vẫn tốt, đặc biệt là trong việc xâm nhập các vật thể rắn, như phải xuyên qua các tấm tường bê tông chẳng hạn.
 
Ưu điểm kể tiếp và nổi bật khác của Wi-Fi 6, đó là giúp tuổi thọ pin của thiết bị dài hơn. Với tính năng "target wake time" (TWT) có nghĩa là smartphone, laptop và các thiết bị sử dụng Wi-Fi khác của bạn cũng sẽ có thời lượng pin dài hơn nếu được sử dụng trong môi trường kết nối của Wi-Fi 6. 
 
Cụ thể, khi thiết bị của bạn đang kết nối Wi-Fi 6, nó có thể cho biết chính xác khi nào thì bạn nên cài đặt để Wi-Fi "ngủ" và khi nào cần "đánh thức" Wi-Fi trở lại để tiếp nhận đường truyền tiếp theo. Điều này sẽ tiết kiệm năng lượng cho thiết bị, bởi radio Wi-Fi trên thiết bị của bạn có thể dành nhiều thời gian hơn ở "chế độ ngủ", và điều này đồng nghĩa với việc giúp cho tuổi thọ pin dài hơn. Không chỉ vậy, điều này cũng sẽ giúp các thiết bị Internet of Things tiêu thụ ít năng lượng hơn khi kết nối qua Wi-Fi 6.
 
Điểm nổi trội đáng kể nhất đối với Wi-Fi 6 chính là cho hiệu suất tốt hơn ở khu vực đông người. Thông thường, mạng Wi-Fi có xu hướng bị chậm khi bạn ở một nơi đông đúc và có nhiều thiết bị cùng kết nối. Thế nên tại những nơi như sân vận động, sân bay, khách sạn, trung tâm thương mại hoặc thậm chí là một văn phòng đông người làm đều có thể khiến Wi-Fi bị chậm lại. Nhưng với Wi-Fi 6, còn được gọi là 802.11ax, đã khắc phục được yếu điểm trên nhờ kết hợp nhiều công nghệ để hỗ trợ việc này. Intel cho biết, Wi-Fi 6 sẽ cải thiện tốc độ trung bình của mỗi người dùng ít nhất là bốn lần tại các khu vực có nhiều thiết bị cùng kết nối.
 
Vậy khi nào thì các bộ định tuyến sẽ hỗ trợ Wi-Fi 6? - Về điểm này, hãng Asus đã công bố bộ định tuyến RT-AX88U của họ đã kết hợp một số công nghệ 802.11ax (tức Wi-Fi 6), nhưng không hỗ trợ chuẩn cuối cùng. Cùng với đó, một số bộ định tuyến của các hãng khác cũng có thể đã quảng cáo “có công nghệ 802.11ax”, nhưng đó là thời đểm Wi-Fi 6 chưa được hoàn tất. Vậy nên ở thời điểm hiện tại, không có bất kỳ thiết bị client nào hỗ trợ Wi-Fi 6 có trên thị trường.
 
Do xuất hiện chưa nhiều, nên việc tìm kiếm "Wi-Fi 6" và "Wi-Fi 6 Certified" cũng cần phải đặt ra. Chẳng hạn khi mua thiết bị mạng mới, bạn sẽ không cần phải "mỏi mắt tìm kiếm" trong bảng thông số kỹ thuật của thiết bị và cố gắng nhớ xem 802.11ac hay 802.11ax là tiêu chuẩn mới nhất nữa, bởi nay các nhà sản xuất thiết bị sẽ chỉ đề là Wi-Fi 6 hoặc Wi-Fi 5 mà thôi. Và bạn cũng sẽ bắt đầu thấy logo "Wi-Fi 6 Certified Certified" trên các thiết bị đã qua quá trình chứng nhận của Liên minh Wi-Fi. Trước đây, đã trừng có một logo "Wi-Fi Certified", nhưng nó không nói cho bạn biết đó là thế hệ Wi-Fi nào, trừ khi bạn xem kỹ các thông số kỹ thuật bên trong nó.
 
Ngoài ra, các bộ định tuyến Wi-Fi 6 được sản xuất ra trong thời gian tới đây hy vọng cũng sẽ hỗ trợ WPA3 để kết nối an toàn hơn với các mạng Wi-Fi cũ, nhưng việc có hỗ trợ WPA3 hay không sẽ không phải là điều kiện bắt buộc đối với các nhà sản xuất.
 
Theo tổ chức Liên minh Wi-Fi thế giới, dự kiến tiêu chuẩn và phần cứng Wi-Fi 6 sẽ được hoàn thành vào năm 2019. Và trong tương lai, các bộ định tuyến mới, smartphone, tablet, laptop và các thiết bị Wi-Fi khác sẽ chỉ đi kèm với công nghệ này.
 
Các số phiên bản Wi-Fi theo cách mới rất tuyệt vời, vì nó giúp mọi người bình thường dễ dàng nhớ và hiểu về các thế hệ Wi-Fi. Tuy nhiên, Liên minh Wi-Fi không có quyền buộc các công ty sử dụng các số phiên bản này, mặc dù họ khuyến khích các công ty của họ áp dụng chúng. Bởi thế, một số nhà sản xuất có thể bỏ qua các số phiên bản này và thay vào đó chỉ gọi chúng là thế hệ mới Wi-Fi "802.11a". Thậm chí nhiều công ty cũng có khả năng không chịu đổi tên Wi-Fi 802.11ac hiện tại thành Wi-Fi 5 nữa. Tuy vấn đề chung là như thế, nhưng nhìn về tương lai, hy vọng tất cả các công ty sẽ nhanh chóng áp dụng tên gọi các thế hệ Wi-Fi theo cách mới, để người dùng dễ phân biệt.