“Hồi sinh” người đã khuất ở Trung Quốc

”Hồi sinh” người đã khuất nhờ vào trí tuệ nhân tạo đang là một nghề thịnh hành ở Trung Quốc.

Tạp chí tài chính Tài Kinh nhận định dù trào lưu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để "hồi sinh" người đã khuất gây tranh cãi về mặt đạo đức, ngành công nghiệp AI "hồi sinh" vẫn đang âm thầm nảy mầm.

Giữa tháng 12-2023, mẩu tin về "người cha sử dụng AI để hồi sinh đứa con trai duy nhất chết vì bệnh tật" thu hút sự chú ý rộng rãi trong và ngoài Trung Quốc.

Trong nghĩa trang tĩnh lặng ở tỉnh Chiết Giang, người cha đau khổ rút điện thoại, đặt lên mộ và bật đoạn ghi âm tiếng con trai. Đó là những lời mà người con chưa bao giờ nói ra và đang được hiện thực hóa bằng AI.

Giọng nói máy móc vang lên: "Con biết cha ngày nào cũng đau khổ vì con, cảm thấy có lỗi và bất lực. Dù con không thể bên cha nhưng linh hồn con vẫn ở thế giới này, đồng hành cùng cha suốt đời".

Theo tạp chí Tài Kinh, đây là loại sản phẩm dựa trên công nghệ AI tái tạo hình ảnh, giọng nói, lời nói và hành vi, thậm chí cả tính cách và cảm xúc của người đã khuất. Những người trong ngành thích gọi đây là "bạn đồng hành kỹ thuật số" hay "sự bất tử kỹ thuật số AI".

“Hồi sinh” người đã khuất ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Đoạn chat giữa một thanh niên với phiên bản AI của người bà đã mất lan truyền trên mạng xã hội. Đoạn trò chuyện nói về việc về quê ăn Tết với bà. Ảnh: UDN

Theo ông Trương Trạch Vĩ, người sáng lập công ty AI Super Brain (ở TP Thượng Hải), ngành công nghiệp này đang thực sự bùng nổ ở Trung Quốc.

Ông Trương cho biết cho đến nay, công ty hoàn thành hơn 600 đơn hàng, hầu hết là từ những bậc cha mẹ mất con vì bệnh tật, tai nạn hoặc thiên tai. Thậm chí, có đơn hàng yêu cầu "hồi sinh" bạn trai cũ của người phụ nữ đau khổ.

Ngoài việc nghe giọng nói, khách hàng có thể gọi video với một người có gương mặt và giọng nói đã được số hóa giống người đã mất.

Ông Trương nhận xét: "Về công nghệ AI, Trung Quốc thuộc đẳng cấp cao trên thế giới. Rất nhiều người có nhu cầu về mặt cảm xúc, điều này mang lại cho chúng tôi lợi thế khi đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước".

Ông Trương quả quyết: "Phiên bản kỹ thuật số của ai đó có thể tồn tại mãi mãi dù thân xác họ không còn. Tôi hy vọng mọi người có thể lưu lại càng nhiều dữ liệu hình ảnh bản thân càng tốt, để có thể đạt được sự "bất tử thực sự" trên thế giới và không bị thời gian lãng quên".

Cho dù đó là công nghệ cao nhưng giá một đơn hàng cũng không vượt quá 5 con số. Ông Trương tiết lộ công ty Super Brain tính phí 10.000 - 20.000 nhân dân tệ (hơn 34- 68 triệu đồng) cho 1 đơn hàng và hoàn thành trong vòng 20 ngày.

“Hồi sinh” người đã khuất ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Nhờ công nghệ AI, người Trung Quốc có thể trò chuyện trực tiếp với người thân đã khuất. Ảnh: Nhật báo Quảng Châu

Một số công ty công nghệ Trung Quốc quảng cáo họ có thể "hồi sinh" người đã khuất chỉ với khoảng 30 giây dữ liệu hình ảnh và âm thanh. Hình ảnh 3D được sử dụng để mang lại cảm giác được đồng hành cùng người thân, giúp xoa dịu phần nào nỗi nhớ nhung.

Một số nghĩa trang ở Trung Quốc sử dụng phần mềm GPT và AI bắt chước giọng nói để tái tạo những người được chôn cất. Hàng ngàn người đã sử dụng nền tảng của các nghĩa trang để tái hiện người đã khuất.

Với việc kết hợp những công nghệ AI mới nổi, Trung Quốc đã xây dựng các chương trình trò chuyện được gọi là "griefbot" với những đặc điểm và ký ức về người đã khuất, hy vọng có thể trò chuyện cùng người thân yêu của mình một lần nữa.

Từ góc độ kỹ thuật, sự xuất hiện của AI chắc chắn mang tính cách mạng. Dù đã trải qua một thời gian thử nghiệm, công nghệ này vẫn còn chặng đường dài cần phát triển nếu con người mong đợi thứ gì đó giống như những bản sao robot trong phim "Black Mirror".

Tuy nhiên, "griefbot" và các sản phẩm phát sinh từ nó có thể đặt ra những tình huống khó xử nghiêm trọng về đạo đức. Thông tin của người đã khuất có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Chúng có thể cung cấp dữ liệu của người đã khuất cho AI, sau đó giả vờ là nhà ngoại cảm giao tiếp được với linh hồn.

Thêm nữa, việc sử dụng thông tin cá nhân của người đã mất cũng là vấn đề tế nhị. Nhiều người cho rằng một người qua đời, không có nghĩa những người khác có quyền công khai sự riêng tư của người đó, cho dù là người thân trong gia đình.

Theo "Báo cáo phát triển ngành công nghệ AI thế hệ mới của Trung Quốc" mới nhất, 2.200 doanh nghiệp AIGC (nội dung do AI tạo ra) chủ yếu phân bố ở TP Bắc Kinh, tỉnh Quảng Đông, TP Thượng Hải, tỉnh Chiết Giang, tỉnh Giang Tô, tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Hồ Bắc, tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Hồ Nam. Trong đó, Bắc Kinh có nhiều công ty nhất.