10 dấu hiệu cảnh báo bạn đã chọn sai việc, kết thúc ngay kẻo quá muộn

Khi đi xin việc, hãy để ý 10 dấu hiệu dưới đây để sau này không phải hối hận vì vào nhầm công ty, gặp nhầm sếp và làm nhầm việc nhé.

Tuyển dụng quá đông và quá nhiều nhân viên mới  - Không chỉ một mình bạn mà có đến hàng tá người cũng đến chờ tới lượt phỏng vấn, còn các nhân viên tại đấy thì trông như chỉ vừa nhận việc vào hôm qua. Nếu công ty này không phải mới thành lập thì bạn hãy dè chừng dấu hiệu này nhé, vì một công ty mà cứ tuyển dụng liên tục và nhân viên cũng cứ nghỉ liên tục chứng tỏ môi trường làm việc chẳng níu chân nổi một ai đấy.

Sếp la mắng nhân viên trước mặt người ứng tuyển - Nếu sếp tương lai của bạn la hét, trút giận lên đầu nhân viên một cách vô tư, không ngại ngần trước mặt bạn thì hãy tự hỏi bản thân tại sao ông ta còn chưa sa thải họ đi nhé. Liệu bạn có muốn làm việc với một ông sếp hung dữ như vậy không? Hay bạn có thể làm việc với một đồng nghiệp "vô dụng" như vậy không?

Nội dung công việc mập mờ, không cụ thể - Nếu bạn đã đọc đi đọc lại mô tả nội dung công việc mà vẫn không hiểu công ty muốn gì ở mình thì có khả năng là người tuyển dụng cũng chẳng biết họ muốn gì ở bạn đâu. Và nếu bạn vẫn quyết định "nhắm mắt đưa chân" thì có thể bạn sẽ hối hận về sau này khi nhà tuyển dụng bắt đầu nảy ra một loạt những trách nhiệm trời ơi đất hỡi dành cho bạn.

Nhà tuyển dụng tâng bốc công ty lên tận mây xanh - Nếu họ hứa hẹn với bạn rằng bạn sẽ một bước lên tiên mà chẳng phải đổ giọt mồ hôi nào (như các công ty đa cấp) thì bạn nên tỏ ra nghi ngờ thì hơn. Một nhà tuyển dụng giỏi và tốt sẽ không vẽ nên những kỳ vọng phi thực tế vì họ biết chắc một khi bạn cảm thấy bị lừa và thất vọng, bạn sẽ "xách dép" khi khỏi công ty ngay lập tức.

Đăng tuyển mãi mà chẳng ai thèm nộp đơn - Điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng mức lương và phúc lợi của công ty không thỏa đáng, hoặc công ty chỉ đang thăm dò thị trường thôi chứ chẳng có ý định tuyển dụng ai cả. Dù là vì lý do gì đi chăng nữa thì bạn cũng chẳng nên phí thời gian với những chỗ như vậy. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp ngoại lệ là khi bạn thấy công ty đang cần tuyển một chuyên gia.

Sự nghiệp tương lai mờ mịt - Câu hỏi: "Bạn sẽ như thế nào trong 5-10 năm tới? thường là câu hỏi hóc búa mà các nhà tuyển dụng hay đặt ra cho các ứng viên của họ. Thế nhưng bạn vẫn có thể đặt câu hỏi tương tự cho nhà tuyển dụng nhằm đánh giá cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình. Nếu câu trả lời của họ khiến bạn thấy không hài lòng, bạn có thể tin rằng công việc này khó có tương lai.

Đào tạo nhân viên có tính phí - Trường hợp này thì không cần phải giải thích gì cả, vì một công ty đàng hoàng sẽ không yêu cầu ứng viên của họ phải trả bất ỳ một khoản phí nào để được tuyển dụng và đào tạo, thậm chí cả lệ phí kiểm tra tâm lý hay tiền mua đồng phục công ty cũng không được đòi đâu.

Nhân viên nói xấu chính công ty mình - Cách tốt nhất để tìm hiểu về công ty bạn đang ứng tuyển chính là hỏi thăm các nhân viên một cách khéo léo. Biết đâu bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị (không theo hướng tích cực) về môi trường làm việc tương lai của mình đấy.

Nhân viên không ưa sếp ra mặt - Có phải các nhân viên đều tỏ ra bất an, lo lắng, bồn chồn khi có mặt cấp trên, để rồi sau đó đi nói xấu sau lưng họ? Nếu thật như thế thì bạn nên tin rằng khả năng quản lý của các sếp thuộc hàng kém cỏi khiến nhân viên, kể cả những người được trả lương cao, chịu không nổi đi nhé.

Bầu không khí ức chế chực chờ nổ tung - Khi bước vào căn phòng nơi bạn sắp được phỏng vấn, hãy quan sát kỹ những con người đang có mặt xem tâm trạng và biểu hiện của họ ra sao rồi thử tưởng tượng nếu phải ngồi ở vị trí của họ bạn sẽ cảm thấy thế nào. Nếu bạn cảm thấy hơi lạnh sống lưng và bứt rứt không yên thì tốt hơn hết bạn nên từ chối công việc này.