Cuộc sống sinh viên giúp bạn trưởng thành hơn nhưng để lớn lên, chúng ta phải bản lĩnh vượt qua những cú lừa bủa vây từ mọi phía. Sau đây là 10 vấn nạn tân sinh viên cần chú ý đề phòng.
Với các bạn tân sinh viên, cuộc sống đại học là thế giới mới, là niềm ước mơ nhưng cũng là khởi đầu cho biết bao thử thách đang đón chờ trên giảng đường và ngoài cuộc sống. Ai cũng từng nghe kể cuộc sống sinh viên là thanh xuân, lên đại học được tự do bay nhảy... nhưng khi đặt chân vào thành phố xa lạ mới thấy nó đẹp thật, màu hồng thật nhưng cũng đầy chông gai, đầy những... cú lừa chỉ chực ập đến như cái tát đau cho những kẻ mơ mộng.
Thời còn đi học ở bên bố mẹ, cả thế giới thu nhỏ bằng cấp 3 và những đứa bạn xung quanh, ăn chẳng lo tới, nghĩ chẳng đến nơi, lừa đau nhất cũng chỉ là đứa bạn dọa cho vài cái rồi khóc. Nhưng lên đại học có khi bạn còn gặp những chuyện mà bản thân phải tự mạnh mẽ mà đứng lên chứ khóc cũng chẳng ai đến mà động viên cho.
Mọi chuyện đều có thể xảy ra ở khoảng thời gian đầu đại học. Đại học rõ ràng không phải lúc nào cũng dễ dàng cho những cô cậu tuổi 19 đôi mươi vừa bước vào môi trường mới. Hãy chuẩn bị tinh thần cho những chuyện không vui, những khó khăn chưa từng nghĩ tới khi phải sống xa nhà.
1. Công ty đa cấp ẩn nấp dưới vô số hình dạng như bán hàng, trung tâm tiếng Anh... Tuy trở thành nhân viên chính thức nhưng bạn phải mất vài triệu đặt cọc, không được hưởng lương hàng tháng mà phải dụ dỗ bạn bè, người thân mua hàng. Nhiều sinh viên còn bị cuốn mãi vào vòng xoáy khi hủy hợp đồng còn mất thêm tiền cọc.
2. Lên vút 8.0 IELTS trong vài tháng mà chỉ mất tiền sách giáo khoa và phí cơ sở vật chất. Nghe có "healthy" không, có "balance" không? Không hề! Đồng tiền đi liền khúc ruột, đó chỉ là mánh khóe để trung tâm tiếng Anh dụ sinh viên nhẹ dạ nộp tiền xong phải tự bỏ học vì dạy quá chán.
(Ảnh minh họa)
3. Ai cũng có lòng thương người nhưng với những kẻ "bán tăm tình nguyện" thì chớ nên! Dụ mua đồ rồi chỉ cần ký một cái, sinh viên đi tong vài trăm nghìn đồng. Nếu phản kháng sẽ có đồng bọn lập tức bủa vây bắt mình phải trả. Vậy nên hãy cảnh giác và từ chối thẳng thừng khi thấy những kẻ này có ý định hỏi thăm bạn.
(Ảnh minh họa)
4. Môi giới việc làm uy tín 100%, chi phí siêu rẻ, việc nhẹ lương cao..., những quảng cáo hấp dẫn dễ khiến sinh viên mờ mắt, đưa liều tiền đặt cọc để được đi làm sớm. Tốt nhất khi tìm việc, sinh viên hãy tìm các trung tâm uy tín, lên website chính thức để thẩm định và đặc biệt... tránh xa những nơi yêu cầu đặt trước tiền để được đi làm.
5. Đặc điểm của cướp dàn cảnh là đám người tự nhiên xưng bố mẹ, chú bác... đủ thể loại người quen trên đời rồi hô hoán thật to để người khác tưởng bạn quen họ thật. Khi đó hãy bình tĩnh đối phó, hỏi chúng thông tin cá nhân và kêu gọi mọi người giúp đỡ, hạn chế để lộ thông tin cá nhân cho kẻ xấu lợi dụng.
6. Sau khi rút thăm may mắn, nhân viên thông báo bạn nhận được món quà "tiếp thị trúng thưởng" trị giá hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng. Nhưng đâu dễ dàng như thế, bạn sẽ mất một khoản tiền để nhận quà của mình. Tuyệt đối đừng tin các tình huống đưa tiền như vậy, chúng chỉ chực đợi bạn đưa tiền mà chuồn đi thôi.
7. Cuộc chiến tìm nhà trọ chưa bao giờ là dễ dàng với tân sinh viên mới "chân ướt chân ráo" lên thành phố. Đau đầu tìm nhà trọ chi phí hợp lý, nhiều bạn vẫn phải ôm mặt với những chiêu trò tai quái của chủ trọ, đặt đủ điều khoản trên trời để cướp thêm tiền từ sinh viên.
8. Thanh xuân đại học sẽ càng vất vả khi quen với fake friend. Dây với bọn ấy, sinh viên vô hình trở thành ô-sin cấp cao khi chúng học thì ít mà ăn chơi thì nhiều, chuyên kiếm bạn gánh team và tất nhiên, tuy cả năm lủi nhưng sẽ trườn mặt lên mỗi khi cần nhờ vả. Kiếm bạn để chơi chứ ai kiếm bạn để mắc mệt, đúng không?
9. CLB rồi sẽ trở thành kỷ niệm đẹp trên con đường mình phát triển. Việc CLB có thể không hoàn thành nhưng nhất định việc học không được dang dở. Khi thấy CLB đã dạy bạn đủ kinh nghiệm, hãy trân trọng nói lời tạm biệt rồi tìm cho mình những bến đỗ tiềm năng hơn.
(Ảnh minh họa)
10. Nhiều sinh viên đam mê kiếm tiền rồi tự rơi vào vòng luẩn quẩn..., đi làm không lên giảng đường rồi lấy tiền làm thêm bù vào tiền học. Biết là đi làm gia tăng kinh nghiệm và tự nuôi bản thân nhưng việc học sẽ giúp sinh viên đi con đường dài hơn thế nữa. Hãy tự cân bằng thời gian để học cho ra học và làm cho ra làm.
Theo Helino.vn