4 sự thật "ngã ngửa" về sinh viên RMIT: Đâu phải cứ con nhà giàu thì không học vẫn lương nghìn đô

1. Sinh viên toàn con nhà giàu, sang chảnh?

Sinh viên trường RMIT đúng là sẽ có vạch xuất phát tốt hơn nhiều sinh viên trường khác, nhưng có nhiều khó khăn mà khó ai hiểu và không phải RMIT-er.

Nhắc tới những ngôi trường con nhà giàu tại Việt Nam, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên RMIT. Chưa cần nói tới chất lượng dạy và học tại đây, học phí siêu khủng với mức hơn 700 triệu đồng/năm với đời sống sang chảnh khiến học sinh RMIT luôn trở thành tâm điểm được chú ý hơn so với những sinh viên trường khác.

Lướt qua sương sương một vòng confession của ngôi trường này cũng thấy vô số lời “than thở” như: "Con Rolls Royce nhà em hơi dài, RMIT có chỗ đậu xe không ạ?", "Ám ảnh lớn nhất mà RMIT để lại cho tớ đó là việc đi đóng tiền học phí. 100 triệu đồng 3 môn học, đều đặn bằng tiền mặt được mẹ giao cho nộp, chứ không chuyển khoản. Có nằm mơ tớ cũng ám ảnh"...

Thế nhưng liệu RMIT có thực sự là chốn xa xỉ dành riêng cho hội "rich kid", ai trong đó cũng đều “ngặm thìa vàng”, sang chảnh? Hãy lắng nghe nỗi lòng của những người trong cuộc để xem RMIT có thực sự hào nhoáng không nhé!

Thực tế không phải sinh viên nào của RMIT cũng là “cậu ấm cô chiêu”. Theo mặt bằng chung thì điều kiện gia đình của các bạn tại đây cũng phải từ khá trở lên. Tuy nhiên, trường cũng có rất nhiều suất học bổng toàn phần cho sinh viên được miễn học phí trong vòng 4 năm. Đó là những bạn trẻ đã xác định sẵn cho mình hướng đi và phải nỗ lực hết mình trong những năm học cấp 3.

Bên cạnh những chiếc xe đắt tiền Mercedes, Rolls Royce... hay quần áo hàng hiệu thì phần lớn sinh viên trong trường toàn diện quần cộc, áo thun hay thậm chỉ cả áo secondhand đến trường. Nhiều bạn sinh viên ăn mặc giản dị, nhiều bạn cũng đi làm thêm như sinh viên các trường khác.

Cậu bạn Youtuber điển trai Thành Phương cũng từng chia sẻ: "Mình thường nghe mọi người nói sinh viên RMIT toàn ăn diện sang chảnh nhưng phần lớn tủ đồ của mình thậm chí còn toàn là hàng secondhand. Mình đi con xe máy trên mạng hay chửi là nghèo đã được 3 - 4 năm rồi, năm đầu tiên mình còn đi xe đạp nữa cơ.

Mình và một số người bạn chơi chung cũng không phải kiểu người quá giàu, nhiều khi 5.000 đồng gửi xe còn không có, phải xin nợ. Phần lớn thầy cô trường RMIT đều khá tốt và cơ sở vật chất ổn nên mình nghĩ tuy học phí có đắt hơn các trường khác nhưng cũng rất đáng cho tương lai sau này của mình".

Youtuber điển trai Thành Phương từng chia sẻ cuộc sống của sinh viên RMIT.

2. Chỉ cần có tiền là vào, sinh viên toàn người học kém?

Bởi định kiến sinh viên RMIT đều là con nhà giàu nên nhiều người cho rằng, họ không lo học hành mà chơi bời, thậm chí học kém mới phải vào đây. Thế nhưng thực tế thì để vào RMIT, bạn phải đạt những tiêu chuẩn đầu vào khá khắt khe.

Kết quả trung bình năm lớp 12 phải đạt trên 6,0 đối với chương trình cao đẳng và 7,0 đối với chương trình đại học. Bên cạnh đó, bạn còn phải có bằng 6.5 ILETS trở lên nhưng không có kỹ năng nào dưới 6.0.

Bên cạnh đó, việc học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng là trở ngại không hề nhỏ với nhiều bạn trẻ. Các môn học tại RMIT ít hơn các trường khác nhưng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ qua môn dễ dàng.

Tiền học phí hơn 700 triệu đồng chỉ là khởi đầu vì bạn có thể đi tong vài con xe máy nếu bạn lỡ tạch một môn học. Áp lực tài chính cũng là một động lực để các bạn trẻ luôn cố gắng học ngày đêm, không thì lãng phí tiền tỷ đóng học phí.

3. Sinh viên chảnh, đi làm toàn thích sai vặt người khác?

Có một tình trạng khá hài hước được các bạn sinh viên trong trường truyền tai nhau: "Em học RMIT mà em không dám nói, không người ta lại bảo tính em chảnh chọe!". Điều này xuất phát từ định kiến cho rằng, con nhà giàu thường thích chơi nổi, kiêu căng và không hòa đồng. Thậm chí đã từng có một bài viết trên trang RMIT Conffesions chia sẻ việc phải từ bỏ không chơi với bạn thân vì cậu ta là sinh viên trường RMIT.

Thực tế lại khác, các bạn sinh viên trong trường thường được cha mẹ tạo điều kiện học tập từ nhỏ nên khá hiểu biết. Môi trường nào cũng có người này người kia, kẻ tốt người xấu. Để biết được bản chất mỗi người thì phải mất thời gian dài chứ không thể vội vàng kết luận sinh viên RMIT chảnh chọe khi chỉ vừa quen được vài phút.

4. Kiếm việc dễ, lương khởi điểm nghìn đô?

Điều này sẽ chỉ đúng khi bạn có chủ doanh nghiệp là cha mẹ mình và luôn sẵn sàng nhường quyền thừa kế cho con. Sinh viên RMIT có vạch đích tốt hơn nhưng không có nghĩa họ luôn dễ dàng tìm được những công việc tốt. Môi trường ngoài đời luôn khắc nghiệt và sẵn sàng đào thải những bạn trẻ chỉ được vẻ bề ngoài mà không chịu đầu tư cho mình tiền bạc cũng như kỹ năng.

Sinh viên trường nào cũng phải vật lộn tìm công việc phù hợp. Lý do nhiều lúc không phải bởi họ thiếu năng lực mà nhiều nơi tuyển dụng khó tin sinh viên RMIT lại đi làm thêm hoặc họ sẽ nhường chỗ đó cho những bạn điều kiện kém hơn. Đôi khi, "vượt sướng" còn khó hơn rất nhiều so với thoát nghèo.

Theo Kenh14.vn


* Nội dung liên quan: