Ám ảnh một số hành vi tài chính của cha mẹ
Nếu trong suốt những ngày tháng thơ ấu, bạn thường nghe những câu như: “Nhà mình không đủ tiền để mua thứ đó”, “Anh/em phải gắn bó với bất kỳ công việc nào mình có”, “Chúng ta đâu có in được tiền để mà tiêu như vậy”... thì điều đó sẽ hằn sâu vào tiềm thức của bạn.
Niềm tin của chúng ta, bao gồm cả niềm tin chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ, sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta thực hiện công việc của mình, cách chúng ta lựa chọn và lối sống bản thân hướng tới.
Những giới hạn và thiếu thốn trong thời thơ ấu khiến bạn có xu hướng cảm thấy căng thẳng và thậm chí là trầm cảm. Những nhiệm vụ đơn giản sẽ trở nên khó khăn hơn, ngay cả những trở ngại nhỏ cũng có thể khiến bạn thiếu đi động lực. Đó là một trong những nguyên nhân cản bạn đến với thành công.
Bạn lo lắng về những gì người khác sẽ nói
Những đám cưới xa hoa, cô dâu chú rể xuất hiện như công chúa, hoàng tử bước ra từ truyện cổ tích luôn khiến bạn phải xuýt xoa, ao ước? Bạn sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương 2-3 tháng lương để mua chiếc váy cưới thật nổi bật? Hay sống tằn tiện, cắt bỏ bất kỳ khoản nào, thậm chí là đi vay để có thể để đủ tiền tổ chức lễ cưới thật to?
Nữ diễn viên Keira Knightley đã xuất hiện trong đám cưới của mình với chiếc váy đã nằm trong tủ quần áo của cô suốt 5 năm. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên cô ấy mặc nó trong một sự kiện. Nhiều người hẳn sẽ nghĩ rằng điều này thật buồn cười, cả đời chỉ cưới một lần thôi mà nhưng sự thật là mọi chuyện vẫn diễn ra hết sức tốt đẹp. Cô ấy đã có một ngày đáng nhớ, nhận được lời chúc mừng từ những người thân yêu nhất.
Không có gì là sai khi tổ chức một đám cưới sang trọng nếu bạn đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên nếu bạn tiêu hết những gì mình có, thậm chí sẵn sàng mắc nợ để đầu tư tiền cho ngày cưới, đó chính là dấu hiệu của tư duy nghèo đói.
Bạn sắp xếp sai các ưu tiên
Các nhà kinh tế học nghiên cứu về nghèo đói tin rằng khi một người rơi vào tình trạng tài chính tồi tệ, họ đang cố gắng thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ của mình.
Có lẽ đó là lý do tại sao ở Ấn Độ, có tới 40% thu nhập của các gia đình được dùng để chi cho các ngày lễ và nghi lễ tôn giáo. Ở Mỹ, người ta thường mua bít tết và tôm hùm bằng tiền phúc lợi, trong khi ở Maroc, người dân mua đầu đĩa DVD và lắp truyền hình cáp nhưng chỉ ăn bánh mì và uống trà.
Một người nghĩ rằng mình nghèo khó khi họ bắt đầu đặt mình xuống dưới những người khác. Để chứng minh thu nhập của bản thân cũng không đến nỗi nào, họ “dát” mình bằng những chiếc túi, bộ trang phục quá sức so với khả năng chi trả, gánh theo những khoản nợ có khi vài năm chưa trả hết vì chiếc điện thoại đời mới nhất.
Bạn giải tỏa căng thẳng bằng cách đi mua sắm
Những người ở trong tình trạng khó khăn về tài chính thường bị căng thẳng tột độ. Điều này ảnh hưởng đến trí nhớ, sự tập trung và cách suy nghĩ như khi bạn bị mất ngủ kéo dài vậy. Khi bạn căng thẳng, rất dễ xảy ra việc đưa ra quyết định không sáng suốt trong việc mua sắm, chi tiền cho những thứ không hề cần thiết. Mức cortisol cao và sự thiếu tập trung dẫn đến những quyết định khiến bạn hối hận sau này.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng mua sắm là cách tốt nhất để bạn giải tỏa căng thẳng song sự thật là bạn có rất nhiều cách để cải thiện tâm trạng mà không hề “đau ví”. Nấu ăn, hẹn gặp bạn bè, đi dạo với người thân yêu hay làm bất cứ điều gì bạn thích đều giúp bản thân giải tỏa stress.
Bạn không có bất kỳ mục tiêu hay ước mơ nào
Nhiều người cố gắng thoát khỏi cảm giác nghèo đói bằng cách làm việc nhiều hơn. Vấn đề đặt ra từ đây là, khi đó bạn thường không cho phép mình mơ ước và đặt ra các mục tiêu, cho phép mình thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Thứ duy nhất bạn nghĩ đến là làm việc, làm việc thật chăm chỉ.
Theo nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017, những người có thu nhập thấp thường có xu hướng cảm thấy mình không thể thay đổi bất cứ điều gì hoặc làm điều gì đó có thể xoay chuyển được tình thế. Đó là lý do tại sao họ không đặt ra các mục tiêu và cố gắng để đạt được chúng.
Cảm xúc hàng ngày của chúng ta ảnh hưởng đến cách chúng ta lập kế hoạch cuộc sống của mình. Khi buồn, thay vì nghĩ nhiều hơn đến tương lai, chúng ta lại giảm đi những thứ cần cho hiện tại. Kết quả là chúng ta mất đi lợi nhuận tiềm năng trong quãng thời gian dài. Đổi lại, khi hạnh phúc và yêu cuộc sống, chúng ta sẽ dễ dàng nghĩ về tương lai, lập ra các kế hoạch và tìm cách hiện thực hóa nó.
Bạn không thể gia tăng thu nhập
Đôi khi, bạn có thể rơi vào cảm giác như mình đang mắc kẹt ở cùng một mức thu nhập. Bạn có thể thay đổi nghề nghiệp hoặc làm việc chăm chỉ hơn nhưng con số bạn nhận về cuối tháng vẫn không hề thay đổi. Nghe như mức lương đó chính là mức "trần" mà bạn không thể vượt qua.
Đừng giữ những suy nghĩ kiểu: “Để kiếm được nhiều tiền hơn, tôi phải làm việc 60 giờ/tuần, có bằng Tiến sĩ và có quan hệ cơ” hay “Nhiều tiền hơn đồng nghĩa với việc phải chịu nhiều trách nhiệm hơn, sống nặng nề hơn”.
Một người đã quen với tình hình tài chính hiện tại của mình và không muốn thay đổi thì khi thu nhập có sự thay đổi theo hướng gia tăng, họ sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý. Họ có thể sẽ “nướng” hết toàn bộ số tiền thưởng chỉ trong 1 tuần mà không hề nhận ra vấn đề của việc đó.
Nếu được đề nghị làm một dự án mới ngoài phạm vi công việc, họ sẽ nói rằng họ quá bận và cơ hội tuột mất. Thói quen sống với cùng một mức thu nhập dẫn đến việc bạn có thể bỏ lỡ những cơ hội để có được mức thu nhập cao hơn.