Nhân loại đã đến được Mặt trăng, có thể sắp tới sẽ chinh phục được cả sao Hỏa. Qua hàng trăm năm phát triển, con người đã từng bước chinh phục được rất nhiều cột mốc quan trọng.
Bước qua một thập kỷ mới, một thời đại mới, vẫn còn rất nhiều người tin vào những sự thật tưởng như chỉ tồn tại vào hàng trăm năm trước. Thậm chí ngay cả khi khoa học đã chứng minh chúng là sai, họ vẫn một mực bác bỏ và khiến người bình thường cảm thấy hết sức nực cười.
Trái đất phẳng
Năm 1633, Galileo Galilei từng có câu nói nổi tiếng được hậu thế lưu truyền: "Dù sao Trái Đất vẫn quay", bất chấp việc từng bị bỏ tù và ép phải thề từ bỏ "thuyết Nhật tâm" - coi Mặt trời là trung tâm của vũ trụ.
Đó là chuyện xảy ra ở thế kỷ 17, khi khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển. Ngày nay công nghệ vệ tinh đã trở thành thứ gì đó hết sức phổ cập, có một cộng đồng vẫn tin vào thuyết "Trái đất phẳng" - trong đó Trái đất mới là trung tâm của vũ trụ. Họ thực sự tin rằng Trái đất thực chất là hình cái đĩa, với Bắc Cực và Nam Cực là tâm của cái đĩa đấy.
Dĩ nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. NASA đã có rất nhiều bức hình chụp từ vũ trụ chứng minh Trái đất là hình cầu. Ngoài ra thì có một cách đơn giản hơn để chứng minh: đó là nhìn vào đường chân trời. Bạn càng lên cao, đường chân trời càng xa hơn, vì mặt đất thực chất là một đường cong. Nến nó phẳng, độ cao sẽ chẳng giúp đường chân trời xa hơn đâu.
Trăng tròn là một thế lực huyền bí
Đây là một quan niệm có từ rất lâu đời và hiện tại nhiều người vẫn đang tin vào nó. Theo đó, trăng tròn là thời điểm mang nhiều quyền lực nhất, khiến con người trở nên hung bạo hơn, dễ phạm tội. Ngay cả sở cảnh sát cũng cần phải chuẩn bị lực lượng tăng cường mỗi khi trăng tròn.
Và chắc bạn cũng biết đấy, quan niệm này hoàn toàn không đúng. Ở thời điểm hiện tại, chẳng có bất kỳ liên hệ nào giữa tỉ lệ tội phạm và trăng tròn cả, dù thi thoảng tỉ lệ ấy có tăng thật. Lý do có thể đơn giản chỉ là quá nửa những ngày trăng tròn trong năm có xu hướng xảy ra vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thôi.
Vaccine là một cú lừa?
Theo một số khảo sát trong năm 2019, có tỉ lệ 45% người trưởng thành Mỹ đang tin rằng vaccine gây ra những hệ quả tiêu cực, tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả và độ an toàn. Điều tương tự cũng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, khi có một cộng đồng từ chối cho con em mình tiêm phòng. Và hiện tại theo WHO, việc chối bỏ vaccine đang nằm trong top 10 nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Châu Úc cũng là một cú lừa?
Đến tận thời điểm này, vẫn còn những người tin rằng châu Úc (và nước Úc) không tồn tại. Theo đó thì Úc đơn giản chỉ là một thuộc địa nhỏ của người Anh, không thể coi là một châu lục, và mọi hình ảnh về nó chỉ là được dàn dựng. Giả thuyết này thậm chí còn được nhiều tạp chí đăng tải và ủng hộ nữa kia.
Nhưng dĩ nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Úc có tồn tại, ảnh vệ tinh từ NASA đã chứng minh điều đó. Hoặc bạn chịu khó bỏ tiền ra mua vé bay đến đây một lần là biết ngay thôi.
Mặt tối của Mặt trăng
Trước kia (mà bây giờ vẫn vậy), nhiều người tin rằng Mặt trăng chỉ có một bên hướng về Mặt trời, mặt còn lại thì tối đen, lạnh lẽo đến thê lương. Nguyên nhân đến từ một giả thuyết cho rằng Mặt trăng không thể tự quay, mà chỉ di chuyển xung quanh Trái đất.
Tuy nhiên, giả thuyết này đã được chứng minh là sai, bằng một nghiên cứu về các pha của Mặt trăng. Theo đó thì khi trăng tròn, toàn bộ một mặt của Mặt trăng sẽ hướng về phía Trái đất. Nhưng khi trăng khuyết, điều đó có nghĩa Mặt trời đang rọi đến các phần khác, chỉ là chúng ta không thể thấy thôi.
Biến đổi khí hậu không có thật
Biến đổi khí hậu và Trái đất nóng lên - hai hiện tượng tâm điểm của thế giới trong những thập kỷ vừa qua. Thế nhưng, rất nhiều người đang chối bỏ điều đó. Họ cho rằng Trái đất không nóng lên, và hành động của con người hoàn toàn chẳng gây ảnh hưởng gì cả. Và ngạc nhiên chưa, những người đầu tiên ủng hộ quan điểm này là... các công ty dầu mỏ.
Còn thực tế thì đã có rất nhiều nghiên cứu khẳng định biến đổi khí hậu là một vấn đề có thật, với nguyên nhân hoàn toàn thuộc về con người - đối tượng chịu trách nhiệm chính cho lượng khí nhà kính khổng lồ thải ra mỗi năm.