Môi trường làm việc là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của một người. Một nghiên cứu đã kết luận rằng ở xung quanh những người “độc hại” ở nơi làm việc có thể khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng và mất ngủ. Tất nhiên, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn cũng như chất lượng công việc.
Sự thật là những đồng nghiệp “độc hại” không hề hiếm gặp, có thể nói là rất phổ biến dù bạn làm việc ở lĩnh vực, ngành nghề nào. Bạn có thể bắt gặp những người đồng nghiệp khiến năng lượng của bạn bị tiêu hao. Nghỉ việc và chuyển đi nơi khác có lẽ không phải cách hay vì nếu không biết cách đối phó, bạn vẫn có thể sẽ phải làm vậy khi sang môi trường mới và lại gặp những người đồng nghiệp “độc hại” mới. Sẽ tốt hơn khi bạn học được cách đối phó với họ mà không cần tốn công tốn sức tranh cãi.
1. Không lao vào những tiêu cực của đồng nghiệp
Tưởng tượng rằng bạn mới chuyển công việc và được chào đón vào công ty mới bằng cách không mấy vui vẻ. Bạn nhận ra trong nhóm đó có những người luôn mang thái độ sống tiêu cực. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chán nản và không có động lực ư?
Một người đồng nghiệp “độc hại” có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh và sự thật là những người như vậy hầu như bạn đều có thể gặp ở bất kỳ môi trường nào. Hãy nhớ rằng “tàu không chìm vì nước xung quanh nó; tàu chìm vì nước tràn vào”. Đừng để sự tiêu cực của họ đè nặng bạn. Sự độc hại là của họ còn thái độ đối mặt ra sao là quyền lựa chọn của bạn.
2. Hãy quyết đoán với những ý tưởng của mình
Bạn có thể sẽ gặp những người đồng nghiệp luôn tìm cách bắt bẻ, đào bới các ý tưởng, dự án của bạn trước mặt mọi người để tìm niềm vui hay để khiến bạn trông như không có đủ năng lực. Trong trường hợp này, hãy “cao tay” hơn là hỏi về ý tưởng của chính họ và quan điểm của những người khác.
Bên cạnh đó, hãy giải thích quan điểm của bạn một cách quyết đoán và tự tin. Điều này sẽ khiến bạn trông như một nhà lãnh đạo, một người làm việc đầy chuyên nghiệp.
3. Biết giới hạn của mình và khi nào nên nói không
Đôi khi, những đồng nghiệp “độc hại” có thể sẽ thao túng bạn, khiến bạn quá tải về công việc và muốn kiệt sức. Đừng để họ ảnh hưởng đến mình. Điều bạn cần làm là hiểu được phạm vi công việc của bạn, những gì nằm trong trách nhiệm của bạn và học cách nói lời từ chối.
Việc không dám nói “không” về lâu dài sẽ khiến bạn kiệt quệ về tinh thần cũng như thể chất. Bạn cần thể hiện cho người khác biết giới hạn của mình và biết được thứ tự ưu tiên của bản thân.
4. Nếu có thể, hãy cố gắng đảo ngược tình thế
Có những đồng nghiệp chỉ “độc hại” với bạn mà không như vậy với người khác vì họ ghen tỵ với bạn. Họ thấy bạn đang ghi điểm tốt hơn họ ở nơi làm việc hoặc đang chiếm được thiện cảm của đồng nghiệp chẳng hạn…, có rất nhiều lý do khác nhau. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi sự xuất hiện của bạn và muốn hạ bệ bạn bằng những cách xấu xí.
Nếu đã xác định được nguyên nhân hành vi độc hại của họ thuộc loại này, bạn có thể tìm cách để họ bớt cảm thấy bất an. Hãy cân nhắc đến việc chỉ cho họ những kỹ năng, nghiệp vụ mới hoặc công nhận họ trước mặt mọi người. Đây có thể sẽ là hành động giúp thay đổi cục diện tại nơi làm việc của bạn.
5. Đặt ra ranh giới thay vì “buôn dưa lê bán dưa chuột”
Những tin đồn là điều không lạ lẫm gì ở bất kỳ nơi làm việc nào. Bạn có thể đã nghe qua nhiều câu chuyện phiếm ở nơi làm việc của mình, đặc biệt là những thể loại ác ý.
Một nghiên cứu kết luận rằng cả những tin đồn liên quan đến công việc và không liên quan đến công việc đều cho thấy sự thiếu tin tưởng giữa các nhân viên. Nhưng thành thật mà nói thì chúng ta không bao giờ thực sự biết mọi người đang phải trải qua những gì trong cuộc sống cá nhân của họ.
Đừng biến bản thân trở nên giống những người đồng nghiệp “độc hại” đó. Hãy vạch ra giới hạn của bản thân và không tham gia vào những cuộc buôn chuyện, phao tin đó.
6. Đừng cố đạt được những kỳ vọng không thực tế của họ
Nếu ai đó đang cố gắng gây áp lực buộc bạn phải đạt được thành tích ngang bằng với họ, trước tiên hãy lùi lại một bước và đánh giá về quỹ thời gian mình có, nguồn lực của bản thân cũng như mạng lưới trợ giúp. Khi bạn hiểu được rằng những áp lực kia có ý định “độc hại”, hãy gạt bỏ lo lắng và làm việc theo tốc độ của riêng bạn. Điều quan trọng chúng ta hướng tới là hoàn thiện bản thân mình, tiến bộ so với chính mình của ngày hôm qua và giữ đạo đức tốt.
7. Tập trung vào điều tích cực, giữ thái độ chuyên nghiệp
Sẽ tốt hơn khi bạn tập trung vào việc xây dựng sự tự tin của bản thân, hiểu rõ điểm yếu và điểm mạnh của mình. Hãy học cách tương tác tốt hơn với những người xung quanh bởi đó sẽ là chìa khóa cho thành công của bạn và giúp bạn tạo dựng được mạng lưới quan hệ chặt chẽ.
Bên cạnh đó, cần nhớ rằng bạn có một người đồng nghiệp “độc hại” thì những đồng nghiệp khác cũng “độc hại” như vậy. Hãy tập trung vào những điều tích cực, những con người tích cực và cố gắng phát triển bản thân mình, cư xử thật chuyên nghiệp!