Có những thói quen vẫn bị nhiều người đánh giá là không tốt như cắn móng tay, phàn nàn nhiều hay nhai kẹo cao su… song chúng thực sự là những dấu hiệu cho thấy bạn thông minh hơn những người khác. Tất nhiên, điều chúng ta đang nói đến không chỉ là chỉ số thông minh của não bộ mà cả trí tuệ cảm xúc.
Dường như có một số đặc điểm chung khiến những người thông minh thường khác biệt so với số đông và dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn là người thông minh vượt trội dù có thể chính bản thân cũng không nghĩ vậy.
1. Bạn phàn nàn một cách lịch sự
Thể hiện quan điểm không hài lòng của mình một cách lịch sự, đầy tôn trọng người khác dù ở môi trường làm việc hay bất kỳ đâu đều là một dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc. Điều này có thể chỉ đơn giản là giải thích việc tại sao mình phải phàn nàn song nó thực sự cho thấy rằng bạn có ý thức và quan tâm đến môi trường xung quanh mình, chất lượng dịch vụ mình đang hưởng. Bạn hiểu rõ tác động của những điều tiêu cực có thể gây ra không chỉ với bạn mà cả người khác nên bạn thấy cần làm rõ, chia sẻ để đối phương biết và tìm hướng giải quyết.
2. Bạn nói chuyện với chính mình
Các nhà khoa học tin rằng có những lợi ích to lớn khi chúng ta lắng nghe chính mình. Nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ vì điều này song việc nghe chính mình nói sẽ tạo ra những tác động khác đến não bộ hơn là việc chỉ đọc hoặc chỉ suy nghĩ về điều đó.
Việc trò chuyện với chính mình sẽ giúp bạn trở nên khiêm tốn hơn, kiểm soát các cảm xúc tốt hơn và nâng cao khả năng cân nhắc các quyết định cũng như các quan điểm. Đó chính là đặc điểm của người có trí thông minh cảm xúc cao.
3. Bạn có khả năng tự chủ tốt
Có thể chống lại những cám dỗ và chờ đợi chính là một trong những dấu hiệu của sự thông minh. Điều này càng đặc biệt đúng ở đối tượng trẻ vị thành niên. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thông minh hơn mức trung bình có khả năng tự kiểm soát tốt hơn, đặc biệt là về chế độ ăn uống của họ. Trên thực tế, kiểm soát bản thân đã được chứng minh là một trong những cách tốt nhất để bạn có đời sống lành mạnh. Hãy thay đổi và tạo lập các thói quen sống lành mạnh, càng sớm càng tốt.
4. Bạn có thể ở một mình
Những người có trí thông minh cảm xúc cao thường thích ở một mình. Với họ, dành thời gian để bản thân sống với những suy nghĩ và ý tưởng của mình cũng đem lại hạnh phúc, không nhất thiết phải luôn là giao tiếp với xã hội ngoài kia.
Họ có thể bị cuốn vào, say mê với công việc mình đang làm và không thấy nuối tiếc khi biết mình có thể bỏ lỡ việc tham dự các sự kiện xã hội. Thay vào đó, họ chỉ có một vài người bạn thân và thường tận hưởng khoảng thời gian dành cho riêng mình.
5. Bạn không nghĩ rằng mình rất thông minh
Hiệu ứng Dunning-Kruger cho thấy rằng những người có năng lực thấp hơn thường đánh giá quá cao bản thân. Tuy nhiên, những người có trí thông minh cao hơn lại không đánh giá thấp và cũng không đánh giá quá cao khả năng của mình. Những người này nhận thức rõ về những gì mình không biết và do đó, họ không thấy mình là người đặc biệt thông minh.
Đây có lẽ là điều bạn dễ nhận thấy ở những người rất thông minh. Trong khi chúng ta có thể thấy điều đó rõ ràng ở họ thì họ không bao giờ nói rằng mình biết tất cả mọi thứ và luôn tò mò về thế giới, sẵn sàng học hỏi.
6. Bạn cắn móng tay
Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng việc bạn cắn móng tay không có nghĩa là bạn đang lo lắng. Theo nghiên cứu, những thói quen nhỏ như cắn móng tay hay gãi da thực sự có liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo, đi tìm cảm giác hài lòng. Trên thực tế, có vẻ như những người có xu hướng cầu toàn, theo chủ nghĩa hoàn hảo có trí thông minh cao hơn những người khác.
7. Bạn nhai kẹo cao su
Theo nghiên cứu, việc nhai kẹo cao su có liên quan trực tiếp đến kết quả bài kiểm tra cũng như rèn luyện trí nhớ. Khả năng ghi nhớ, chú ý có thể tăng lên khi bạn nhai kẹo cao su. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng có nhiều bất đồng khi chứng minh điều này vì cũng có ý kiến cho rằng hành động này làm ảnh hưởng đến hiệu suất nhiệm vụ.
8. Bạn chỉ có một vài người bạn
Những người thông minh hơn được cho là có ít bạn bè hơn. Các vòng tròn kết nối xã hội của họ nhỏ hơn so với người khác bởi tính độc lập cao trong họ. Theo lý thuyết Savanna, trước đây, con người cần phải ở trong các nhóm lớn hơn để săn bắt và giải quyết vấn đề cùng nhau. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta ít phụ thuộc hơn vào điều đó, đặc biệt là với những người thông minh cao, họ có thể tự giải quyết vấn đề của mình.