8 kỹ năng cần dạy cho trẻ để chúng trưởng thành và có trách nhiệm hơn

Khi trưởng thành, rất nhiều người trong chúng ta nhận ra rằng mình còn thiếu một số kỹ năng sống và muốn quay ngược thời gian trở về thời thơ ấu để học hỏi nhiều hơn từ cha mẹ.

Đối với một số người, kỹ năng sống gắn liền với sự độc lập và tự tin. Những người khác ước họ biết nhiều hơn về kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian. Và còn vô vàn những kỹ năng thiết thực khác có thể giúp ích cho trẻ nếu bố mẹ chỉ dạy cho chúng từ “thuở còn thơ”.

Dưới đây là 8 kỹ năng mà chả mẹ tốt hơn nên dạy con trẻ từ khi còn nhỏ, vì những kiến thức này có thể hữu ích cho cuộc sống của nó đến mãi sau này:

Cách tự vệ

Biết cách tự vệ là kỹ năng quan trọng mà cả trẻ em và người lớn đều cần có. Ví dụ, khi đối mặt với những kẻ bắt nạt, học cách tự vệ có thể mang lại cho con bạn sự tự tin hơn và khiến chúng cảm thấy bản thân mạnh mẽ, và chúng có thể tự tìm cách thoát khỏi tình huống khó khăn mà không cần nhờ người lớn giúp đỡ.

Và khả năng tự vệ đôi khi còn liên quan tới giao tiếp. Trẻ em có thể dùng lời nói để làm giảm xung đột, hạn chế xô xát. Quan trọng là các bậc phụ huynh nên dạy con trẻ dùng lời nói kiên quyết, không cho kẻ bắt nạt phản ứng cảm xúc mà chúng mong đợi, hoặc chỉ đơn giản là bỏ đi.

Nếu xung đột biến thành đánh nhau, việc cổ xúy con trẻ dùng vũ lực là không nên. Thay vào đó, tốt hơn là thủ thuật “khóa tay” kẻ bắt nạt, cách này sẽ hạn chế những tổn thương về thể chất cho cả hai.

Cách sơ cứu

Ai cũng đều nên học sơ cứu, bởi vì kỹ năng này có thể cứu sống người khác theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết cách điều trị các vết thương nhỏ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách xem qua những cuốn sách hướng dẫn sơ cứu, và giải thích công dụng của các vật dụng y tế. Bạn thậm chí có thể giả vờ bị thương và nhờ con bạn giúp đỡ. Một số kỹ năng sơ cứu quan trọng nhất bao gồm ấn mạnh lên vết thương để cầm máu, và biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo mà bạn có thể thực hành trên ma-nơ-canh.

Cách nấu ăn

Theo nghiên cứu, việc dạy trẻ cách nấu ăn sẽ khiến chúng có nhiều lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Và bởi vì bổ sung dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, học kỹ năng nấu nướng từ khi còn nhỏ sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện lối sống lành mạnh khi trưởng thành. Việc cho trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng giúp trẻ không cảm thấy nhàm chán, và có thể tiếp thu những kiến thức hữu ích.

Các lý do trẻ em thường chọn các thực phẩm thiếu lành mạnh hơn, như khoai tây chiên hay đồ ngọt, có thể bởi vì đây là những thực phẩm có thể mua sẵn, không mất công nấu. Trẻ đã quen với việc bố mẹ luôn chuẩn bị bữa ăn cho chúng, vì vậy khi chúng không có thời gian cho việc nấu nướng, việc ăn thức ăn nhanh hay đóng hộp sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Và khi con cái trưởng thành, rời xa vòng tay của cha mẹ, việc nấu nướng sẽ trở thành thử thách với chúng nếu trước đây chúng chưa từng được chỉ dạy.

Phản ứng trong trường hợp khẩn cấp

Trong một tình huống bất ngờ và thậm chí nguy hiểm xảy ra, ngay cả người lớn cũng sợ hãi và bối rối, vì vậy một đứa trẻ cần phải được trang bị trước kỹ năng và biết cách hành động trong trường hợp khẩn cấp. Và nếu bạn cảnh báo và hướng dẫn cho chúng cách xử lý trong các tình huống bất ngờ, khi rơi vào hoàn cảnh éo le chúng sẽ cảm thấy không hề bị động, và thậm chí có thể dễ dàng đối phó với những tình huống căng thẳng này.

Trước hết, hãy dạy cho trẻ cách gọi các tổng đài khẩn cấp. Thứ hai, cho trẻ biết chúng cần nói gì khi có người nhấc máy ở đầu dây bên kia, bao gồm: lý do gọi? Tên của con là gì? Và địa chỉ của gia đình mình là gì? Bạn thậm chí có thể nhập vai là người ở đầu dây bên kia, và cách này sẽ giúp trẻ chuẩn bị kỹ càng hơn, vì chúng biết mình đã từng trải qua tình huống này trước đây.

Cách quản lý thời gian

Có quá nhiều việc phải làm và không có đủ thời gian để làm là vấn đề mà những người trưởng thành đều biết quá rõ. Nhưng đôi khi, vấn đề chỉ là chúng ta có những ưu tiên gì và chúng ta có thể quản lý thời gian của mình ra sao. Vì vậy, bạn có thể dạy con cách sắp xếp các nhiệm vụ cũng như phân bổ thời gian để thực hiện, và kỹ năng này sẽ không chỉ hữu ích cho chúng ngay khi còn đi học cho tới lúc trưởng thành, mà còn có thể giúp cuộc sống cha mẹ của bạn dễ dàng hơn.

Đảm bảo con bạn biết cách ước lượng thời gian. Ví dụ, giao cho chúng một nhiệm vụ và yêu cầu chúng hoàn thành trong 20 phút. Đặt một chiếc đồng hồ gần đó và khi thời gian trôi qua, hãy thông báo cho chúng biết chúng ta dùng hết bao nhiêu thời gian và còn lại bao nhiêu. Cách này sẽ giúp con bạn hiểu rằng thời gian không đứng yên, và giúp chúng hiểu rõ hơn cách phân bổ thời gian cho những nhiệm vụ nhất định.

Một điều quan trọng khác liên quan tới quản lý thời gian là thiết lập các mức độ ưu tiên. Đây là một khái niệm khó hiểu đối với trẻ em, nhưng bạn vẫn có thể dạy chúng sắp xếp thứ tự ưu tiên bằng cách sử dụng các từ như “đầu tiên”, “tiếp theo” và “cuối cùng”.

Điều quan trọng là quá trình học tập phải mang lại cảm giác vui vẻ cho con trẻ. Ví dụ, chúng có thể sở hữu những cuốn lịch với hình in đẹp mắt, và có thể sử dụng bút chì màu để đánh dấu những ngày quan trọng. Viết ra những việc trẻ cần làm vào sổ kế hoạch hàng ngày, như đánh răng hoặc chuẩn bị ba lô đến trường, sau đó yêu cầu trẻ gạch chéo hoặc tích vào khi đã hoàn thành. Ngoài ra, để làm cho bài học kỹ năng thú vị và bổ ích hơn, bạn có thể thêm các nhãn dán thú vị vào cuối ngày gần các danh sách việc cần làm đó.

Cách quản lý tiền

Mặc dù trẻ vẫn còn nhỏ, chúng vẫn có thể học cách quản lý tiền bạc và ngân sách. Trên thực tế, tốt hơn là nên bắt đầu dạy chúng trước khi chúng lên 7 tuổi, vì lúc này, thái độ và thói quen về tiền bạc đã được hình thành.

Đầu tiên, cho chúng xem tiền mặt và thẻ tín dụng, giải thích rằng bạn có thể mua đồ bằng những thứ này, và cũng chỉ cho trẻ cách chi tiền khi mua sắm cùng chúng. Sau khi mua một thứ gì đó, đặc biệt là bằng thẻ tín dụng, bạn có thể đưa cho chúng biên lai để chúng có thể biết được bạn đã tiêu bao nhiêu tiền.

Sau đó, giải thích rằng tiền bạc không chỉ để chi tiêu, mà bạn còn có thể tiết kiệm. Đưa cho chúng một con heo đất để chúng tiết kiệm cho kế hoạch nào đó sau này. Cách này sẽ dạy cho trẻ lập mục tiêu, lập kế hoạch và trì hoãn nhu cầu mua sắm. Tất nhiên, trẻ em thường chỉ có những mục tiêu ngắn hạn, nhưng dần dần, chúng sẽ trở nên kỷ luật hơn và sẽ bắt đầu tiết kiệm cho những mục tiêu dài hạn hơn.

Trẻ em cũng cần biết rằng phải lao động mới có thể có tiền, để giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu trẻ giúp việc nhà và trả thù lao cho chúng.

Cách đưa ra quyết định

Cha mẹ thường cho rằng bản thân luôn dành những điều tốt nhất cho con, chính vì vậy nên sẽ cố gắng kiểm soát cuộc sống của con cái và đôi khi quyết định thay chúng. Tuy nhiên, việc luôn quyết định mọi thứ thay con có thể khiến chúng gặp khó khăn khi đưa ra quyết định của riêng mình về sau. Vì vậy, ngay cả khi còn nhỏ, trẻ em phải học được cách tự đưa ra lựa chọn của riêng mình và nhận thức được hậu quả của mỗi quyết định.

Để dạy điều đó, bạn có thể lấy những ví dụ đơn giản nhất và thảo luận với con. Yêu cầu chúng chọn giữa 2 tùy chọn và lập danh sách ưu và nhược điểm cùng nhau. Để làm cho quyết định trở nên khó khăn hơn, bạn thậm chí có thể hỏi chúng về ý kiến khác ngoài những tùy chọn mà bạn đã đưa ra. Hãy chắc chắn rằng chúng hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu họ chọn phương án này mà không chọn phương án kia, và lựa chọn đó sẽ tác động đến chúng như thế nào.

Cách tương tác với mọi người

Bao dung và cảm thông là những đức tính tốt giúp chúng ta hòa hợp với mọi người và xây dựng sự tôn trọng với họ. Điều quan trọng là phát triển những phẩm chất này ở con bạn để chúng có thể học cách quan tâm đến người khác, và nhìn mọi thứ từ góc độ của những người xung quanh. Cha mẹ có thể dạy con bằng cách khuyến khích chúng giúp đỡ người khác nếu có thể, và nhận được sự hỗ trợ khi chúng cần.

MỤC LỤC [Hiện]