Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2011, hơn 71 triệu phụ nữ ở Ấn Độ độc thân, tăng 39% so với năm 2001. Con số này bao gồm góa phụ, phụ nữ đã ly hôn và phụ nữ chưa kết hôn, phụ nữ ly thân hoặc bị chồng bỏ rơi. Mặc dù chiếm chỉ 12% tổng dân số ở Ấn Độ, phụ nữ độc thân vẫn đang đấu tranh để giành quyền lợi.
Bị kỳ thị vì là người độc thân
Chứng kiến những gì mẹ phải đối mặt sau khi cha mất, Sreemoyee Piu Kundu, một nhà văn sống tại thành phố Kolkata, Ấn Độ hiểu rõ cuộc sống của phụ nữ sẽ khó khăn thế nào nếu chọn đời độc thân.
Tại Ấn Độ, một góa phụ được coi là nỗi xấu hổ của gia đình và mang lại điềm gở mỗi khi họ xuất hiện ở bất cứ nơi nào. Vì vậy, họ không được phép tham gia các nghi lễ đám cưới, lễ tắm em bé hay những dịp tốt lành khác. Bản thân góa phụ phải sống ẩn dật và né tránh sự gièm pha của xã hội.
Xét về mặt giấy tờ, nhiều góa phụ phải mang tên chồng để được hưởng phúc lợi an sinh xã hội. Năm 2016, Bộ phát triển Phụ nữ và Trẻ em - cơ quan trực thuộc chính phủ Ấn Độ, đã xây dựng chính sách và cơ chế bảo trợ xã hội toàn diện để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, hành động không thực sự tạo ra nhiều tác động. Nhiều phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vẫn phải dựa dẫm vào cha mẹ để có bằng cư trú, giúp họ mở tài khoản ngân hàng hoặc vay tiền.
Kundu cảm nhận rõ sự phân biệt đối xử với phụ nữ độc thân khi cô phải tự vào phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Bengaluru. Cô bị lên cơn co giật ngay trước buổi thuyết trình quan trọng tại một học viện công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu trong thành phố.
“Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhân viên bệnh viện liên tục hỏi tôi đi cùng ai và tại sao tại sao tôi ở một mình. Sau đó một bác sĩ đã nói tôi sẽ sống rất cô đơn nếu tôi muốn sống một mình, thậm chí khuyên tôi nên kết hôn vì sẽ được thừa kế nhiều tài sản”, Kundu kể lại.
Cô không thể tin rằng đây là lời nói của một bác sĩ. Khoảnh khắc Kundu điền tình trạng hôn nhân là “độc thân” vào tờ phiếu nhập viện chính là khoảnh khắc mách bảo cô phải làm gì có tầm ảnh hưởng. Sau này, cô viết cuốn sách “Status Single” (tạm dịch: Tình Trạng Độc Thân) và thành lập cộng đồng dành riêng những người phụ nữ độc thân.
Chân dung Kundu - người phụ nữ chọn sống đời độc thân.
Status Single - cộng đồng của những người phụ nữ độc thân
Status Single được thành lập vào năm 2018 trên Facebook, ngay sau khi Kundu xuất bản cuốn sách cùng tên. Tính đến nay, Status Single đã hoạt động rất sôi nổi và hiện có hơn 3000 thành viên. Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề cụ thể, Status Single còn có 9 nhóm WhatsApp dành riêng cho từng thành phố bao gồm Mumbai, Bengaluru, Delhi, Lucknow và Kolkata, do các chủ tịch tương ứng với từng thành phố quản lý.
Trong tương lai, Status Single dự kiến sẽ phát triển thành một tổ chức với 3 đơn vị bao gồm pháp lý, y tế và tài chính, do các phụ nữ độc thân là chuyên gia của các lĩnh vực này lãnh đạo. Bên cạnh đó, Status Single cũng có kế hoạch mở rộng sang Dubai và UAE.
Cộng đồng Status Single ở Mumbai.
Amrreeta Swarup, 48 tuổi, luật sư biện hộ cho Tòa án Tối cao và là thành viên của nhóm cho biết: “Đây là một nhóm hỗ trợ, nhưng cũng là không gian để trút bầu tâm sự”. Mục đích của việc thành lập các nhóm WhatsApp là tạo ra một hệ thống hỗ trợ cho phụ nữ độc thân trên toàn thế giới. Phụ nữ có quyền tham gia một cách tự nguyện, miễn là họ độc thân. Tuy nhiên, các thành viên không bị ràng buộc với tình trạng độc thân, họ vẫn được phép yêu hoặc chọn kết hôn trong tương lai.
Kundu muốn Status Single phát triển xa hơn một cộng đồng trực tuyến. Vì vậy, cô tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp giúp các thành viên gặp gỡ và trò chuyện. Kundu chia sẻ: “Các buổi gặp mặt trực tiếp giúp chúng tôi gắn kết hơn và giúp đỡ nhau vượt qua thời kỳ đại dịch. Chúng tôi đã nhờ các chuyên gia nhân sự và tài chính để tư vấn cho các thành viên điều hành doanh nghiệp của họ và tổ chức các buổi hội thảo về sức khỏe tinh thần”.
Không ngừng chạm đến các cột mốc mới
Swarup là một người phụ nữ lựa chọn cuộc sống độc thân. Cô cho biết hôn nhân không nằm trong các mục tiêu cuộc đời của cô vì cô cảm thấy cuộc sống như vậy chỉ xoay quanh chồng và gia đình chồng.
Swarup nói: “Tôi không chống lại đàn ông. Tôi đã gặp nhiều người đàn ông tốt trong đời. Chỉ là tôi chưa bao giờ có nhu cầu muốn kết hôn. Bố mẹ tôi đồng ý và ủng hộ quyết định này, miễn là tôi độc lập tài chính”. Swarup đã đi du lịch một mình trong 20 năm qua. Cô vi vu từ dãy Himalaya ở Kedarnath đến những con kênh thơ mộng ở Venice. “Tôi tự thưởng cho mình một chuyến du lịch tuyệt vời mỗi năm. Tại sao phải đợi ai đó đi cùng tôi?”.
Vrinda Vats, một giáo viên 26 tuổi và là tiến sĩ tại Bahadurgarh, đã thề sẽ sống độc thân đến hết đời và quyết định này chẳng liên quan gì đến đàn ông.Trong quá trình làm luận án thạc sĩ về phụ nữ độc thân ở Ấn Độ, cô nhận ra thấy phụ nữ độc thân bị gạt ra ngoài lề xã hội và từ đó cô nhìn nhận rõ vị trí của mình trong cộng đồng.
“Theo cấu trúc xã hội của chúng ta, hôn nhân dường như là khía cạnh quan trọng nhất trong đời người. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi nhận thấy mình không phù hợp với định chế hôn nhân. Tôi có một cách nhìn khác về cuộc sống. Tôi muốn cống hiến cuộc đời mình cho công việc và xã hội thay vì đầu tư cho gia đình. Tôi đã quyết tâm theo con đường này, vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi giúp đỡ những người kém may mắn hơn tôi”, Vats chia sẻ. Chứng kiến những thành tựu về tài chính và cuộc sống của các thành viên trong Status Single, Vats tin rằng cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn là kết hôn ở tuổi 25.
Cộng đồng ở Delhi
Đối với một số cá nhân khác, việc độc thân không nhất thiết phải liên quan đến tình trạng hôn nhân của họ trên giấy tờ, như trường hợp của Maitra. Cô cho rằng: “Ngay cả khi tôi kết hôn, tôi vẫn phải tự xoay xở mọi thứ từ chăm sóc con gái đến quán xuyến nhà cửa và phụng dưỡng bố mẹ. Có nhiều phụ nữ đã kết hôn nhưng sống chả khác nào người độc thân. Như vợ của quân nhân hay kỹ sư hàng hải, có bao nhiêu ngày trong năm họ ở cạnh chồng?”.
Kundu nhấn mạnh rằng Status Single không bao giờ ngăn cản phụ nữ yêu hay kết hôn, và cũng không ủng hộ tư tưởng thù ghét đàn ông. Thay vào đó, mục tiêu của nhóm là để phụ nữ nhận diện và giải quyết vấn đề của mình.
“Chúng tôi có các chủ đề thảo luận hàng tháng như vấn đề kiện tụng, chăm sóc bản thân, cách để hẹn hò sau hôn nhân tan vỡ, cách để bắt đầu kinh doanh, cách chăm sóc con cái”. Việc tập trung vào các vấn đề thực tiễn đã giúp cộng đồng thu hút được nhiều phụ nữ độc thân không kể tôn giáo, nghề nghiệp và tầng lớp xã hội.