Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ của cụ bà Nguyễn Thị My (70 tuổi) và cụ ông Trần Văn Hồng (86 tuổi) trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TPHCM) trở nên nhộn nhịp hơn trước bởi hiện là nơi chia sẻ hàng trăm phần cơm trưa mỗi buổi cho bất cứ ai cần.
Từ sớm, bà My đã thức giấc để chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết cho buổi làm cơm chay đậm đà các món khác nhau. Ông Hồng dù đã ngoài 80 tuổi vẫn làm đủ các công đoạn trong bếp ăn để phụ vợ, từ gọt củ quả, lặt rau, xắt đậu hũ.
Cụ Hồng đã ngoài 80 tuổi - Ảnh: Ngô Tùng
Các bạn trẻ biết đến bếp ăn nghĩa tình của ông bà nên đã tình nguyện đến hỗ trợ. - Ảnh: Ngô Tùng
Hai vợ chồng cụ Hồng quê ở Cần Thơ, lên TPHCM được khoảng 3 năm nay. Thời gian đầu, hai cụ thuê nhà và mở cửa tiệm nhỏ để có tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Khoảng một năm nay, hai cụ dành nhiều tâm huyết vào bếp cơm thiện tâm.
"Mấy năm trước quán còn bán đồ mặn, nào là bánh xèo, bánh khọt, về sau bà ấy mới đề xuất nấu cơm từ thiện và làm từ đó đến nay. Bà thích làm việc thiện là tui đồng ý liền. Làm công việc này mệt nhưng vui, chứ nằm chèo queo hoài cũng buồn hiu. Có mệt chút rồi cũng hết, cứ mệt thì mình nghỉ chứ có gì đâu. Thời trẻ tui lao động dữ lắm", ông Hồng chia sẻ.
Bà My cho hay, nấu cơm được một thời gian thì hết gạo nên mới tính nghỉ, nhưng khi đó bà con trong xóm mới góp người 5, 10kg rồi bản thân bà gom nhặt thêm ít rau ở siêu thị và rồi bếp lại đỏ lửa. "Mọi người cũng động viên vợ chồng tôi ráng làm. Rồi cộng đồng biết đến nên cũng ủng hộ thêm tiền, gạo, chúng tôi chỉ bỏ công thôi. Bà con, các cháu thanh niên cũng xúm lại làm từ thiện giúp đời. Giờ nhiều người hảo tâm mang đồ lại góp nhiều quá bà đâu thể nghỉ được. Chủ nhà thấy mình làm việc thiện cũng bớt tiền thuê trọ đi một nửa".
Cũng theo bà My, con cái thấy cha mẹ làm cực nhọc cũng gọi điện khóc, lo khuyên dừng lại, "nhưng mà giờ thấy nhiều người khổ, thiếu thốn nên mình ráng giúp. Tôi mong mọi người ăn cơm ngon miệng. Tôi cũng biết ơn các Mạnh thường quân, những người hỗ trợ lương thực, nguyên liệu cho mình làm cơm để mang lại bữa ăn cho bà con đến ngày hôm nay. Giờ rất nhiều người ủng hộ từ vật chất, tinh thần khiến tôi rất vui. Mình giờ đã yếu rồi nên làm được gì thì làm, còn lại hướng dẫn cho mấy đứa nhỏ làm", bà My nói.
Là người quen biết cụ My lâu nay, khoảng 6 giờ sáng, bà Lê Thị Đẹp (57 tuổi, bên phải) đến lo việc nấu cơm, làm việc lặt vặt giúp ông bà. "Ông bà già cả cũng như cha mẹ mình, nên mình giúp ông bà thôi" - bà Đẹp chia sẻ (Ảnh: Ngô Tùng)
Mấy ngày qua, thông tin hai cụ làm việc thiện lan truyền rộng rãi, Quận Đoàn Bình Thạnh cũng cắt cử các bạn đoàn viên, thanh niên đến giúp ông bà làm cơm.
Bạn Nguyễn Phạm Thùy My (lớp 11 Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh) cho biết lúc đầu có biết thông tin về ông bà trên mạng xã hội, sau đó Quận Đoàn nhờ My đến phụ giúp ông bà. "Em thật sự khâm phục ông bà vì tuổi cao mà vẫn làm việc. Đồng thời, lúc này ông bà cũng đón nhận tấm lòng của các Mạnh thường quân, cộng đồng đến góp sức, càng thấy được tấm lòng mà mọi người dành cho nhau trong những lúc dịch bệnh khó khăn thế này" - nữ sinh bày tỏ và cho biết thêm, những ngày tới cô sẽ tiếp tục cùng các anh chị ở cơ quan Quận Đoàn đến chia sẻ công việc bếp núc với ông bà.
Thùy My (áo xanh) phụ ông bà. - Ảnh: Ngô Tùng
Thùy My gửi tặng phần cơm đến tay người dân đi đường. - Ảnh: Ngô Tùng
Ông Hồng gửi tặng phần cơm cho bà con.
Nhờ sự san sẻ công việc, ông bà có thể làm mấy trăm phần cơm tặng bà con. - Ảnh: Ngô Tùng.
Nhiều người đã tìm đến góp thêm kinh phí và lương thực để ông bà nối dài cánh tay tình nguyện (Ảnh: Ngô Tùng)
Giữa trưa 6/10, sau khi gửi tặng khá nhiều phần cơm, ông bà dắt nhau đến điểm tiêm vắc xin gần nhà.