Thủy Bi chính là nghệ danh của nữ ca sĩ có tên đầy đủ là Trần Hà Thủy. Cô gây sốt cộng mạng khi lên tiếng bảo vệ con gái bị bạo hành ở trường quốc tế những ngày qua. Thực tế, chuyện bạo lực học đường không phải xa lạ gì bởi trước đó, rất nhiều nghệ sĩ Việt từng lên tiếng vì chính mình là nạn nhân.
Diva Mỹ Linh vì không hòa đồng mà bị đánh hội đồng
Người bản lĩnh, mạnh mẽ như Mỹ Linh cũng từng là nạn nhân của nạn đánh đập hội đồng, việc đó còn diễn ra từ ngày này qua tháng khác. Năm 2019, trên trang cá nhân, Mỹ Linh thú nhận cô từng bị đánh hội đồng thời còn đi học. "Hồi nhỏ mình từng là nạn nhân bị đánh hội đồng, ngày này qua tháng khác. Không phải vì mình kém, chẳng phải vì dốt hay chậm chạp mà lý do là mình không hòa nhập và không giống các bạn trong xóm", diva Mỹ Linh chia sẻ trên trang cá nhân.
Nữ diva nhận định việc đánh hội đồng đôi khi bắt nguồn từ việc trẻ con không có gì chơi, vì thế chúng "làm nhục người khác để mua vui". "Luôn có một đứa ác nhất làm thủ lĩnh, và cũng luôn có một số khán giả quen thuộc đứng nhìn, cổ vũ hoặc không phản ứng gì".
Đức Phúc bị dọa đánh, dọa bằng cách đem thạch sùng để lên đầu
Có tính cách hiền lành, nhút nhát nên cũng dễ hiểu khi Đức Phúc từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Anh thậm chí còn gọi đó là hành trình có cả máu, nước mắt và sự tổn thương. "Tôi bị bạn đánh trong suốt quãng đường đi từ trường về đến nhà nhưng vẫn cắn răng chịu đau chứ không đánh lại", nam ca sĩ tiết lộ.
Đức Phúc hiếm khi nhắc đến thời đi học thường xuyên bị bắt nạt của mình. Đến khi anh chủ động chia sẻ trong một chương trình gần đây, khán giả mới biết về mức độ nghiêm trọng của nó.
"Tôi luôn luôn căm ghét bạo lực học đường. Ngày xưa đi học, tôi thuộc dạng hiền, giờ ra chơi luôn ở trong lớp. Những đứa đầu gấu vẫn bắt nạt tôi dù tôi chỉ ngồi yên một chỗ. May mà hồi đó, chúng nó không đánh tôi nhiều. Chúng nó chỉ đến dọa đánh, dọa tôi bằng cách đem thạch sùng để lên đầu, đổ muối ớt lên đầu. Cảm giác của tôi lúc đó rất tuyệt vọng. Có lần ba bốn ngày tôi không gội đầu, mà lại bị chúng nó đổ muối ớt lên đầu, cảm giác rất kinh khủng.
Trong lớp tôi ngày đó, các bạn nữ thường hay bị đánh. Tôi không phải người bị đánh, nhưng do bản tính nhút nhát nên mỗi lần nhìn cảnh đó là run hết cả người. Tôi đứng xem một lúc rồi lại đi ra. Tôi cảm thấy không đúng nhưng không làm gì được. Sau đó, tôi quyết tâm xuống gọi bảo vệ, nhưng không dám để lộ danh tính của mình. Tôi rất sợ, tôi không bao giờ muốn chứng kiến lại bạo lực học đường vì chính tôi là nạn nhân của nó", nam ca sĩ chia sẻ.
Hari Won bị bắt nạt vì không làm được giấy khai sinh
Lớn lên ở Hàn Quốc, Hari Won từng trải qua quá khứ đầy cay đắng vì bị bạn bè ức hiếp mà lý do là vì cô và các em không được làm... giấy khai sinh.
Cụ thể, bố của Hari Won là người Việt Nam, ông sang Hàn Quốc sinh sống rồi trở thành người vô gia cư. Khi ông gặp gỡ mẹ Hari, hai người đi đến hôn nhân dù bị phản đối. Vì một số lý do và vì bố không có quốc tịch Hàn nên cô và các em không được làm giấy khai sinh. Đó cũng là lý do khiến nữ ca sĩ bị bạn bè bắt nạt thời thơ ấu.
Vợ MC Trấn Thành cho biết, cô từng rơi vào trạng thái tâm lý nặng nề, mệt mỏi vì tổn thương, sợ hãi xen lẫn tức giận vì bị bắt nạt. Nữ ca sĩ kể lại: "Thời còn đi học, có một bạn nói với Hari rằng: 'Học xong ra sau trường nhé'. Đó có lẽ là câu nói mà tôi cũng như nhiều học sinh khác sợ khủng khiếp. Có lần, sợ quá nên tôi đành chọn cách trốn học, cô giáo hỏi lý do thì không dám trả lời thật, chỉ dám nói dối là 'Em sức khỏe không tốt'. Trong những lần đó, có lần bố phát hiện, dù rất sợ nhưng tôi cũng đành khai thật với bố là sợ bị bạn đánh".
Do bố mẹ cùng với cô giáo vỗ về, động viên nên Hari dần vượt qua sự sợ hãi. Qua chuyện của mình, Hari mong muốn trẻ em được trang bị kiến thức để lên tiếng khi bị bạo hành; thầy cô, gia đình cũng cần quan tâm con nhiều hơn.
Trà My "Thương nhớ ở ai": "Chúng nó đánh tôi chỉ để ra oai là kẻ mạnh".
Diễn viên Trà My Thương nhớ ở ai cho biết suốt 1 thời gian dài từ cấp 1 đến cấp 3, cô đều bị bạo lực học đường. Phản kháng nhiều quá không được nên Trà My chia sẻ rằng đã biến cô từ 1 người vui vẻ, cởi mở thành người có nhiều nỗi tức giận bên trong. Thậm chí sau này, có người trong nhóm bạn học từng giờ trò côn đồ với cô năm xưa đã phải đi tù.
"Tôi sợ phải đến trường, sợ phải đối mặt với những đứa từng bắt nạt mình. Hồi ấy tôi chẳng làm gì sai cả. Chúng nó đánh tôi chỉ vì thích và để ra oai với mọi người rằng chúng nó là kẻ mạnh. Quãng thời gian đó ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của tôi sau này. Tôi gặp khó khăn khi giao tiếp với mọi người. Tôi không có bạn thân. Tôi nhận thấy mình rất hay đánh người khác khi bị người ta hiểu nhầm hoặc bị chèn ép quá mức thay vì giải thích một cách rõ ràng và nhẹ nhàng", Trà My cho biết.
Đỗ Mạnh Cường
Đỗ Mạnh Cường tâm sự anh từng sợ bị bắt nạt thời còn đi học và thậm chí chúng khiến anh bị ám ảnh trong suốt một thời gian dài. Cho đến hiện tại, khi có con cái, nhà thiết kế họ Đỗ càng trăn trở hơn về vấn đề bạo lực học đường.
"Hồi nhỏ mình rất sợ đi học bị bắt nạt, gặp mấy đứa hung dữ nổi tiếng trong trường là mình luôn né. Nên thực sự vấn đề bạo lực trong học đường rất ám ảnh mình. Giờ có con đi học lại càng ám ảnh hơn. Nhiều khi nghĩ hay thuê vệ sĩ canh ở lớp các con học, hoặc là thuê thầy cô giáo về dạy học ở nhà mà khỏi đến trường. Nhiều khi chẳng mong con học quá giỏi làm gì, chỉ mong các con đi học an toàn khi bố không có bên cạnh mà thôi", anh viết.