Bi hài chuyện chồng đưa vợ đi cai vì quá đam mê rượu bia

Không chỉ có cánh mày râu mà ngay cả phụ nữ cũng có những lúc mượn rượu giải sầu để rồi lúc nào trở thành con nghiện rượu cũng không hay. Gần đây số người nghiện rượu phải đi cai hoặc điều trị rối loạn tâm thần do rượu ngày một tăng. Tỉ lệ nữ giới cũng tăng lên và độ tuổi nghiện rượu đang dần trẻ hóa.

Cách đây hơn một năm, một cặp vợ chồng cùng đến Bệnh viện (BV) Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), người vợ trẻ khá xinh đẹp, ngại ngùng đứng sau lưng chồng. Hỏi ra mới biết cô là hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội, lâu nay nghiện rượu nặng. Sau nhiều lần khuyên can đủ cách không được, người chồng buộc phải đưa vợ tới BV nhờ bác sĩ (BS) can thiệp.

Uống rượu thấy ngon, nghiện mà không biết

Khi nói về nguyên nhân dẫn đến nghiện rượu, cô ngập ngừng một lúc rồi chia sẻ với BS: “Em cũng không ngờ mình bị nghiện rượu. Ban đầu uống thử thấy ngon ngon nên từ đó về sau thi thoảng em lại lén uống mỗi lần một, hai ngụm. Nghĩ mình là phụ nữ mà uống rượu công khai thì ngại quá nên em cứ giấu chồng, người quen uống mỗi khi thèm rồi nghiện lúc nào không hay”.

Theo người chồng, sau mỗi lần uống rượu, tinh thần vợ anh hưng phấn, dễ kích động, hay quát nạt mọi người, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc cũng như trong cuộc sống. Rất may là sau hơn một năm tích cực điều trị, vợ anh đã bắt đầu cai được rượu.

Trường hợp tiếp theo là anh Nguyễn Văn H. (32 tuổi, Hà Nội). Anh bắt đầu uống rượu từ ngày còn học phổ thông trong những lần tụ tập với bạn bè, rồi chuyển sang lạm dụng rượu bia lúc nào không hay. Bước vào tuổi 18 là anh đã được cha mẹ đưa vào BV tâm thần cai rượu. Suốt 15 năm nay, anh H. cứ vào viện rồi xuất viện, xuất viện rồi nhập viện mà vẫn chưa cai được. Cha anh đã già yếu. không thể đưa con đi thì nay vợ anh tiếp tục đưa chồng đi. Lần này anh H. phải nhập viện vì bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu, hay nói nhảm một mình, mất ngủ, kém ăn, luôn có biểu hiện lo lắng.

Dáng đi còn chưa vững, ông Đỗ Văn M. (50 tuổi, Hà Nội) đang điều trị rối loạn tâm thần do rượu ở khoa lâm sàng BV Tâm thần ban ngày Mai Hương kể: “Tôi uống rượu đã được 32 năm. Bốn năm trước đã từng đi cai rượu để điều trị bệnh gan nhưng mới cai được nửa năm thì tái nghiện”. Ông M. cũng bảo rằng lần nhập viện này ông cảm thấy hơi bất an. Do nghiện rượu nặng, ông đã bắt đầu rối loạn tâm thần. Suốt năm ngày nay ông liên tục mất ngủ, đêm nào cũng thấy mình gặp người lạ rồi bắt đầu nói nhảm, lúc nhớ lúc quên, chân tay run rẩy. Các BS đã phải chuyển ông sang chuyên khoa tâm thần điều trị, ổn định rồi mới có thể tiếp tục chữa bệnh gan.

Một bệnh nhân trong tình trạng lạm dụng rượu bia đến BV Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) làm thủ tục điều trị cai rượu. Ảnh: MAI HIỀN

Không phải cứ nhốt, cấm uống là cai được

Là một người có thâm niên gần 20 năm điều trị cho các bệnh nhân nghiện rượu, TS-BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết nghiện rượu là bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời, gây mệt mỏi về tâm lý, kiệt quệ về kinh tế.

“Bệnh nhân nghiện rượu khi lên cơn thèm rượu không vật vã như nghiện heroin nhưng họ trở nên bồn chồn, bất an rồi nổi khùng. Nếu không được điều trị bài bản mà người nhà tự ý cưỡng chế, khóa cửa nhốt bệnh nhân, không cho uống rượu để cai thì bệnh nhân rất dễ lên cơn sảng, co giật, run, kích động, ảo giác, hoang tưởng, chạy trốn... Thậm chí có người vùng chạy, đánh người, chính bản thân họ không ý thức được việc mình đang làm” - BS Thu cho biết.

Cũng theo BS Thu, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nghiện rượu, trong đó nhóm nguyên nhân chính là yếu tố môi trường dễ tiếp cận với chất gây nghiện, tiếp đó là yếu tố tâm lý và do sinh hóa não, có thể là do di truyền. Những trường hợp nghiện rượu nặng phải đến cơ sở y tế để cai. BS sẽ kê các loại thuốc cai rượu, hỗ trợ giấc ngủ để điều trị cho bệnh nhân đỡ bị run, bớt các cơn sảng.

“So với cai ma túy, thời gian cai rượu thường kéo dài, tốn kém hơn. Cụ thể, thời gian điều trị của người bệnh loạn thần do rượu thường mất khoảng hai tháng nằm BV, sau đó dùng thuốc điều trị liên tục từ 12 tháng trở lên. Bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc an thần kinh, giảm trầm cảm, giảm cảm giác thèm. Ít nhất sau điều trị hai năm bệnh nhân mới từ bỏ hẳn rượu, không còn cảm giác thèm rượu, lúc đó mới được coi là cai nghiện thành công” - BS Thu giải thích.

Phương pháp “3 trong 1”

Hiện khoa lâm sàng BV Tâm thần ban ngày Mai Hương đang điều trị cho khoảng 78 bệnh nhân, trong đó tỉ lệ bệnh nhân lạm dụng chất gây kích thích chiếm khoảng 1/4 và đa số là cồn. Theo TS-BS Trần Thị Hồng Thu, bệnh nhân muốn cai rượu thành công thì phải áp dụng phương pháp “3 trong 1”. Tức là không coi người ham rượu là xấu, mà coi chất cồn mới là kẻ thù. Từ đó người bệnh có quyết tâm cai rượu, người thân bệnh nhân có quyết tâm cai rượu cùng bệnh nhân và nhà chuyên môn phải hiểu sâu, đưa ra hướng điều trị đúng.

Theo: Báo pháp luật TP. HCM