Trong rất nhiều câu chuyện của các khách hàng về xét nghiệm ADN, nhiều câu chuyện của bà Nguyễn Thị Nga Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội đề cập đến góc khuất và những bi kịch vì mối quan hệ ngoài luồng của các ông chồng, bà vợ.
Tấm lòng bao dung cho người vợ lầm lỡ
Theo bà Nguyễn Thị Nga, khoảng 90% khách hàng đến với trung tâm của bà là đàn ông, đến từ mọi miền đất nước. Và 100% số này muốn biết đứa con họ đang nuôi hoặc sắp nuôi có phải đứa con mang dòng máu của họ hay không. Nhưng thật đáng tiếc, kết quả cho thấy có tới 30% các ông bố đi xét nghiệm đang “nuôi con hộ” người đàn ông khác.
Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền (CGAT) chia sẻ những câu chuyện xoay quanh công tác xét nghiệm ADN.
Câu chuyện bắt đầu khi bà Nga tiếp một người đàn ông đến trung tâm với dáng vẻ trầm ngâm, mang một cọng tóc của cậu con trai 3 tuổi. Với lý do “nhìn cháu không giống bố, cũng không giống ai trong nhà”, anh P. mong muốn tìm ra sự thật rằng, cậu con trai mà mình yêu thương những năm qua có phải con ruột của mình hay không. Anh P. thậm chí còn đề nghị bà Nga làm chậm để lâu có kết quả. Anh sợ phải đối mặt với sự thật phũ phàng...
Và kết quả không ngoài dự đoán của anh, cậu con trai mà anh P. yêu thương không phải là con ruột của anh. Lúc cầm kết quả trên tay, anh hoa mắt chóng mặt, rụng rời chân tay khi nhìn thấy dòng chữ: “Không có quan hệ cha – con”.
Sau đó, anh P. cho bà Nga biết, vợ anh đã nói hết sự thật cho chồng rằng do một lần lầm lỡ với một mối quan hệ ngoài luồng nhưng đã chấm dứt. Dù vô cùng đau khổ, nhưng vì yêu vợ, thương con, với tấm lòng bao dung, anh P. đành che giấu sự thật này.
Đã tiếp xúc với hàng ngàn khách hàng, bà Nga cho biết: “Phản ứng đầu tiên của các ông bố khi biết sự thật thường rất sốc và tiêu cực. Rất nhiều người đã không thể chung sống tiếp với nhau, nếu cố cũng khó có thể hạnh phúc. Tuy nhiên, rất hiếm những người đàn ông như anh P. dù biết sự thật vẫn chung sống với vợ con, giấu kín chuyện “động trời” này và cho vợ một cơ hội để làm lại”.
Một thời gian sau, bà Nga lại tiếp nhận một trường hợp ông bà đưa con dâu và cháu trai đến xét nghiệm quan hệ ông - cháu. Ông bà nghi ngờ con dâu không chung thủy với con trai mình, mà người con trai lại hết sức yêu thương, bảo vệ vợ, nhất quyết không xét nghiệm ADN. Gia đình cũng vô cùng đau khổ khi nhận kết quả xét nghiệm trả về là: “Không có quan hệ ông – cháu”.
Sau một cuộc trò chuyện, bà Nga nhận ra đây chính là trường hợp của anh P. mà bà đã tiếp nhận đó không lâu. Sự thật cuối cùng cũng đã phơi bày, người con dâu phải nhận lỗi và xin gia đình chồng tha thứ. Bà Nga đã có những lời khuyên đến gia đình khi thấy anh P. hết mực yêu thương vợ con, đã tha thứ cho vợ và người vợ cũng thành thật, vô cùng hối lỗi.
Cuối cùng, may mắn thay, gia đình anh P. đã tha thứ cho người con dâu lầm lỗi. Bà Nga vui vẻ cho biết: “Gia đình họ đã tha thứ cho nhau, sống hạnh phúc và quyết định có thêm một người con chung giữa hai người. Thỉnh thoảng ông bà vẫn gửi lời cảm ơn đến trung tâm và gửi ảnh người cháu trai kháu khỉnh cho tôi”.
Chuyện hiếm về ca xét nghiệm gây sốc cho cả bác sĩ
Hơn 20 năm công tác ở trung tâm xét nghiệm ADN, không chỉ bà Nga cùng nhân viên của trung tâm mà còn chính người trong cuộc không ít lần hết sức ngỡ ngàng trước kết quả xét nghiệm.
Mang thai ba tháng đầu, chị H. (30 tuổi) cùng chồng mình muốn định cư ở Đài Loan (Trung Quốc). Chị H. phải chấp nhận buộc phải thực hiện chọc ối để xét nghiệm ADN cho đứa con trong bụng. Nhưng kết quả nhận lại khiến nhiều người ngỡ ngàng, thậm chí không tin đó là sự thật. Thai nhi trong bụng chị H. là con của bố, nhưng không phải con… của mẹ.
Trong khi làm ca xét nghiệm này, chính bản thân bà Nga cũng nghi ngờ kết quả này có sự nhầm lẫn. Bà Nga cho biết: “Trước đây, tôi thấy rất nhiều trường hợp đứa con không phải con của bố, tôi chưa từng tiếp nhận trường hợp nào không phải là con của mẹ như vậy. Để chắc chắn với kết quả này, tôi đã phải có cuộc nói chuyện trực tiếp với người mẹ này”.
Lúc này, chị H. mới cho biết, do hiếm muộn nên chị làm thụ tinh ống nghiệm tại một bệnh viện ở Hà Nội. Theo đó, bác sĩ chẩn đoán trứng của chị H. đã hỏng hết, gia đình xin trứng của người khác để thụ tinh với tinh trùng của chồng rồi cấy phôi. Người mẹ này vô cùng ngỡ ngàng với kết quả, vì chị vẫn đinh ninh rằng đứa trẻ lớn lên trong bụng là con của mình.
Bà Nga giải thích: “Về tình nghĩa, đứa con do người mẹ mang nặng đẻ đau thì được coi là mối quan hệ mẹ - con. Nhưng về phương diện sinh học, tôi chắc chắn họ không có quan hệ huyết thống mẹ - con”.
Đây cũng là một trong những câu chuyện có bi, có hài về việc xét nghiệm ADN. Bản thân ADN vô tội, thậm chí những số phận được phơi bày bằng ADN cũng vô tội, có chăng chính là bản án lương tâm theo suốt đời cho những người gây ra hệ lụy phải cần đến "quan tòa ADN phán xử"…