Theo Nghị định số: 161/2018/NĐ-CP từ 15/1/2019, tại các trường chính thức không còn hình thức hợp đồng do hiệu trưởng ký kết không thông qua thi hoặc xét tuyển.
Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ là vấn đề đáng bàn, trước đây tại các trường học từ mầm non đến phổ thông nếu thiếu giáo viên thì hiệu trưởng có thể thỉnh giảng (hợp đồng giảng dạy từ giáo viên trường khác) hoặc hợp đồng ngắn hạn (đối với giáo viên mới ra trường chưa có việc làm, giáo viên về hưu hoặc giáo viên đã nghỉ dạy nhưng muốn quay lại công tác) cũng có thể phần nào giải quyết cơ bản việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đảm bảo hoạt động của trường xuyên suốt liên tục.
Nhưng từ khi Nghị định số:161/2018/NĐ-CP Nghị định của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2019 thì tại các trường chính thức không còn hình thức hợp đồng do hiệu trưởng ký kết không thông qua thi hoặc xét tuyển.
Từ năm học này trở đi, các trường không được tự ý hợp đồng giáo viên giảng dạy (Ảnh minh họa: TTXVN).
Cụ thể tại: Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Tại khoản 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Các công việc không thực hiện ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
1. Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng sau:
a) Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên”.
Như vậy, không còn bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào cho việc ký hợp đồng, việc thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập muốn ký hợp đồng giáo viên giảng dạy phải thông qua hội đồng thi tuyển hoặc xét tuyển (thường do Chủ tịch/phó chủ tịch huyện là chủ tịch hội đồng tuyển dụng từ mầm non đến trung học cơ sở, Chủ tịch tỉnh/Phó chủ tịch tỉnh là chủ tịch hội đồng tuyển dụng giáo viên trung học phổ thông và tương đương).
Nếu các trường tự ý ký kết hợp đồng giảng dạy đối với giáo viên, thì khi kiểm tra phải xuất toán và trả phần kinh phí đã chi về ngân sách nhà nước, ngoài việc trên còn có thể bị xem xét xử lý, kỷ luật.
Việc tuyển dụng thực hiện ra sao?
Việc tuyển dụng viên chức từ khi Nghị định 161/NĐ-CP có hiệu lực là các cơ sở sử dụng viên chức (trường học) hàng năm phải báo cáo nhu cầu, vị trí việc làm cần tuyển dụng…về phòng Giáo dục, phòng Nội vụ tổng hợp, xem xét và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/huyện thông báo tuyển dụng, thành lập hội đồng tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng và giao cho các trường tiếp nhận sau khi trúng tuyển.
Khi thông báo tuyển dụng, các sinh viên sư phạm sẽ làm đơn xin dự tuyển vào các đơn vị có nhu cầu đã niêm yết công khai.
Điều này khi làm cũng xảy ra trường hợp trong cùng một huyện thì trường A ở thị trấn có nhu cầu tuyển 2 giáo viên môn Văn; trường B, ở vùng nông thôn có nhu cầu tuyển 5 giáo viên môn Văn nhưng giả sử cả 10 hồ sơ nộp đều nộp vào trường A nên sẽ có 2 người đạt và 8 người sẽ không đạt, thất nghiệp.
Trường B lại thiếu 5 giáo viên môn Văn mà không có ai nộp hồ sơ dự tuyển, trường B cũng không thể hợp đồng các sinh viên sư phạm trên. Điều này rất thiệt thòi cho các trường vùng khó khăn và khiến cho nhiều giáo sinh thất nghiệp hơn.
Phương thức tuyển dụng trước đây là cả huyện tuyển 7 giáo viên Văn thì dựa vào điểm thi hoặc xét rồi phân bổ về các trường, do đó hầu hết đều tuyển được đầy đủ hạn chế giáo viên thất nghiệp, giáo viên thừa, thiếu cục bộ.
Hiện nay, khi thông tư trên có hiệu lực sẽ rất khó khăn cho các trường, chỉ còn duy nhất loại hợp đồng thỉnh giảng, nhưng giáo viên thỉnh giảng đã công tác ở trường khác, rất khó sắp xếp để dạy 2, 3 trường học.
Vấn đề này mong Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, có thể cho các trường thiếu giáo viên có thể tạm thời hợp đồng giảng dạy giáo viên đã về hưu hoặc giáo sinh chưa có việc làm.
Sao không tuyển dụng giáo viên như công an, quân đội?
Hiện nay, các trường thì có nhiều trường thiếu giáo viên, có nhiều em sinh viên sư phạm giỏi lại đang thất nghiệp vì cơ chế tuyển dụng, điều này làm các em sinh viên sư phạm giỏi nản chí và nhiều người nhảy việc làm hao hụt nhân lực giỏi cho sư phạm.
Sắp tới đây khi Luật giáo dục mới có hiệu lực việc sinh viên sư phạm không được miễn học phí mà chỉ cho vay tín dụng (không phải trả nếu trong vòng 2 năm sau khi ra trường công tác trong ngành giáo dục), thì việc tìm việc cho sinh viên sư phạm sẽ rất khó khăn.
Có nên chăng chúng ta phải thay đổi quan niệm về tuyển dụng viên chức ngành sư phạm như quân đội, công an khi ra trường phải được bố trí công việc có thể ở huyện khác, tỉnh khác (nơi có nhu cầu) trong thời gian một vài năm, chỉ trừ trường hợp sinh viên không chấp nhận thì phải bồi hoàn kinh phí vay tín dụng trong thời gian học sư phạm.
Việc thi viên chức nên là một học phần cuối khóa do các trường đại học sư phạm, sinh viên sư phạm ra trường đã được học và thi học phần viên chức, việc còn lại là bố trí vị trí việc làm phù hợp, sinh viên sư phạm phải quen dần với việc công tác xa nhà, việc giáo viên thừa thiếu cũng nên luân chuyển, điều động cho phù hợp.
Làm được như trên sẽ tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay, cũng tránh luôn tình trạng sinh viên ra trường phải vác hồ sơ xin việc hết nơi này đến nơi khác mà vẫn thất nghiệp rồi lại phải mang một số nợ không nhỏ từ khoản vay tín dụng sư phạm.
Tôi tin rằng vào năm 2021 khi thực hiện lương mới theo tinh thần nghị quyết 27/NQ-TW thì lương giáo viên sẽ cải thiện đáng kể, cao thì có thể chưa nhưng cũng cơ bản đáp ứng phần nào nhu cầu sống tối thiểu để các em sinh viên sư phạm có thể yên tâm công tác, cống hiến, nếu phải công tác xa địa phương.
Theo: Giaoduc24h