Trần Nguyên sinh ra trong một gia đình thuần nông, dù không có ai theo nghệ thuật nhưng anh lại có đam mê vẽ từ nhỏ. Lớn lên, thi đỗ ngành Thiết kế mỹ thuật, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, anh chàng 9X được thỏa mãn đam mê cầm bút, pha màu. Hiện tại, anh hài lòng với công việc vẽ tự do của mình.
Chia sẻ về những chủ đề, ý tưởng vẽ tranh, anh Nguyên tâm sự: "Tôi nghĩ khi chúng ta trưởng thành, chật vật mưu sinh giữa thành phố toàn bê tông cốt thép, khi nhìn thấy những bức tranh ghi lại kỷ niệm tuổi thơ, ai cũng cảm thấy nhẹ lòng. Tôi muốn dùng hội họa để lưu giữ ký ức làng quê Việt Nam một thời, với mong muốn thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc sống ông bà, bố mẹ ta từng trải qua".
Anh Nguyên chia sẻ thêm, bản thân anh là người xuất thân từ nông thôn, nên quê hương luôn là chủ đề mà anh có nhiều chất liệu để sáng tạo nhất, bởi nó gắn liền với ký ức tuổi thơ, nơi có những con đường làng, cánh đồng lúa chín, mái nhà cổ kính, sân gạch, giếng nước… Chính vì thế, mới đây anh đã cho ra mắt bộ tranh Tết quê nhà.
Anh Trần Nguyên bắt đầu sáng tác mảng đề tài thôn quê từ hai năm trước. Trước dịch, anh dành nhiều thời gian vi vu ở những làng cổ như Đường Lâm, Cự Đà để lấy cảm hứng (Tác phẩm Đoàn viên).
“Đối với mình, quê hương có rất nhiều kỷ niệm, có những câu chuyện, hình ảnh gần gũi với mình tới mức không thể nào quên. Đặc biệt là dịp Tết đến Xuân về, gia đình đoàn viên sum họp, cùng gói bánh chưng và chia sẻ với nhau những câu chuyện trong một năm qua.
Theo mình, hình ảnh ông bà cùng con cháu đón Tết là hình ảnh đẹp không chỉ với cá nhân mình mà còn trong mắt tất cả mọi người. Sau bao nhiêu năm đi học, đi làm xa nhà, những ký ức đó vẫn còn nhưng cũng sẽ phai mờ đi phần nào. Vì thế, mình luôn có ý tưởng sẽ vẽ và sáng tác lại một bộ tranh ngày Tết truyền thống tại quê nhà để thoả mãn và thể hiện những tiếc nuối của mình, cũng như để cho thế hệ trẻ bây giờ hay những người đã từng trải qua có thể quay lại và thấy được những hoài niệm.”
Tác phẩm Tết đoàn viên.
Anh Nguyên chia sẻ, khó khăn nhất của anh khi theo đuổi dòng tranh này là những góc quê đang dần mai một, "bê tông hóa" hoặc không còn nguyên trạng (Tác phẩm Đầu Xuân).
Theo họa sĩ trẻ Trần Nguyên, điều đặc biệt nhất trong các tác phẩm của anh là chúng được vẽ theo lỗi tả thực, nhưng hiện giờ những cảnh ngày Tết bình dị như vậy không còn nhiều, đó cũng là một điều khó khăn đối với anh.
"Khi đi thực tế, các khung cảnh đều không còn nguyên vẹn mà sẽ thiếu vài chi tiết nào đó. Có chỗ thì còn ngôi nhà, có chỗ thì còn con đường. Mình thường hỏi người dân địa phương, đọc tài liệu để chắp nối chúng lại với nhau tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh.
Mình sáng tác những tác phẩm này với mục đích là để gìn giữ lại bản sắc văn hoá của dân tộc. Vì mình biết chỉ một thời gian nữa, những hình ảnh đẹp đẽ, ấm cúng như vậy sẽ chỉ còn trong tâm trí của mỗi người mà thôi.”
Tác phẩm Xuân về.
Tác phẩm Ngày Tết.
Anh Nguyên tiết lộ, mỗi tác phẩm trong bộ tranh Tết quê nhà không có thời gian sáng tác cụ thể. Có những bức tranh anh Nguyên phải thực hiện trong vòng 2 đến 3 tuần, nhưng cũng có những tác phẩm phải mất tới vài tháng. Mỗi tác phẩm đều được anh Nguyên phác thảo và lên ý tưởng trước rồi mới bắt tay vào vẽ.
“Khi bắt tay vào sáng tác, bức tranh có đẹp, có hồn hay không phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Vì thế lúc nào có cảm xúc thì mình mới cầm bút vẽ. Ngoài thời gian vẽ, mình còn tranh thủ đi thực tế ở các khu làng cổ để tìm tòi và ghi lại những tư liệu còn sót lại về những truyền thống, văn hóa của dân tộc mình.” Họa sĩ trẻ Trần Nguyên chia sẻ.
Cùng ngắm nhìn những khung cảnh Tết bình dị qua bộ tranh Tết quê nhà của họa sĩ trẻ Trần Nguyên nhé!
Chất liệu chính anh Nguyên sử dụng để sáng tác là màu acrylic và sơn dầu (Tác phẩm Hương vị ngày Tết).
Chắc chắn khi nhìn thấy những khung cảnh này, bất kỳ ai cũng có cảm giác muốn ngay lập tức trở về bên gia đình, quê hương, đặc biệt là những người con xa xứ (Tác phẩm Chợ hoa ngày Tết).
Tác phẩm Chiều 30 Tết.
Tác phẩm Tết quê.
Tác phẩm Tết xưa.
Tác phẩm Xuân về.
Tác phẩm Ngày áp Tết.
Tác phẩm Nắng ấm mùa đông.