Toàn bộ hệ thống RO2 đã bị thanh lý thành sắt vụn nhưng chuyên gia của Bộ Y tế đã tìm mua lại được và phục dựng hoàn thiện.
Sáng nay, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế cung cấp chứng cứ quan trọng trong vụ án tai biến chạy thận tại Hoà Bình khiến 8 nạn nhân tử vong.
Theo đó, toàn bộ hệ thống lọc nước RO1, RO2 phục vụ cho đơn nguyên chạy thận của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình tại thời điểm xảy ra vụ án đã được phục dựng khoa học nguyên trạng từ các mảnh rời rạc.
2 hệ thống này đã bị cơ quan điều tra, Công an tỉnh Hoà Bình đã cho phá dỡ trước đó. Trong đó, hệ thống RO1 được cất vào kho của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, hệ thống RO2 được thanh lý sắt vụn.
Lần lượt từng phần của hệ thống RO1 và RO2 được tìm thấy đưa về Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế
“Chúng tôi đã phải mất rất nhiều công sức để thu thập được đầy đủ toàn bộ 2 hệ thống này gồm đường ống, máy bơm, tank nước, hệ thống quả lọc..., riêng hệ thống RO2 được tìm thấy tại một nhà dân ở huyện Lương Sơn, Hoà Bình”, TS Hải thông tin.
Từ giữa tháng 7 vừa qua, các chuyên gia của Viện bắt tay phục dựng lại hệ thống này và mất 2 tuần để hoàn tất dựa theo sơ đồ và các hình ảnh được cung cấp.
“Sau nhiều lần thực nghiệm, kết quả cho thấy nguyên nhân khiến 8 nạn nhân tử vong là do nhiễm đa chất, nguyên nhân do hỏng cùng lúc 3 van K1, K2, K3 của hệ thống RO1 chứ không phải do tồn dư HF”, TS Hải phân tích.
3 van nước K1, K2, K3 của hệ thống RO1 bị hỏng là nguyên nhân chính khiến nước lọc thận bị ô nhiễm. Ảnh: T.Hạnh
TS Hải cho biết, hệ thống RO1 cấp nước tinh khiết vào tank RO1 để rửa quả lọc thận, RO2 cấp nước chạy thận nhân tạo. 2 hệ thống này dùng chung hệ thống tẩy sạch CIP.
Bùi Mạnh Quốc chỉ thực hiện lau rửa màng lọc RO2 và tiệt khuẩn đường ống tuần hoàn cấp nước cho các máy thận, sau đó đã thay van xả đáy bồn nên không còn tồn dư hoá chất. Bằng chứng, đồng hồ đo độ dẫn điện hiển thị chỉ số cho phép. Hiện tại, sau khi phục dựng lại, đồng hồ này vẫn vận hành rất tốt, đo chính xác.
Trong khi nguyên nhân thực sự là do 3 van của RO1 bị hỏng trùng hợp, trong đó K2, K3 hỏng do quá trình sử dụng nhiễm hoá chất từ hệ thống CIP. Việc 2 van K2, K3 bị hỏng khiến nước chỉ được lọc qua cột lọc thô và lọc than (không đủ điều kiện), chảy vào tank RO2 rồi chuyền đến bệnh nhân. Điều này, chính Bùi Mạnh Quốc cũng không kiểm soát được.
TS Hải phân tích toàn bộ hệ thống RO1, RO2 sau khi phục dựng hoàn thiện. Ảnh: T.Hạnh
TS Hải phân tích thêm, triệu chứng điển hình của ngộ độc đa chất mức độ thấp chủ yếu là phản vệ và sốc phản vệ. Nếu ngộ độc đơn chất HF theo như cáo trạng bản án thì với liều gấp 2,5 lần đã gây tử vong, khi đó bệnh nhân phải có các triệu chứng điển hỉnh cấp tính của ngộ độc Florua là rung thất, mất tuần hoàn và tử vong rất nhanh chứ không thể tới 1h20’ sau khi chạy máy lọc thận.
Theo TS Hải, đây là những bằng chứng quan trọng nhưng không được các cơ quan tố tụng xem xét đầy đủ trong quá trình điều tra. Trước đó, Viện Khoa học hình sự đã tìm ra 3 van hỏng nhưng chỉ dừng lại ở đây mà không chạy thực nghiệm để tìm nguyên nhân thực sự.
Hiện tại, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đã thành lập hội đồng khoa học và sẽ tiếp tục thực nghiệm lại toàn bộ chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc dựa trên các tài liệu từ kết luận điều tra về hoá chất, độc chất, thậm chí sẽ thử nghiệm trên động vật với sự tham gia của các chuyên gia về trang thiết bị y tế, pháp y, hoá chất, y khoa và pháp lý.
Với những chứng cứ mới, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đánh giá đây là những tình tiết hết sức quan trọng là những yếu tố khoa học, chuyên môn nhưng đã bị bỏ qua và là hướng đi mới của vụ án.
“Do đó rất cần các cơ quan tố tụng thực nghiệm lại. Tôi mong sẽ có phiên giám đốc thẩm để quan tâm đến các vấn đề khoa học chuyên sâu hơn”, ông Hiếu chia sẻ.