Bức tuyệt tác thời Ai Cập cổ đại chân thực đến mức các nhà khoa học xác định chính xác chim chóc trong tranh

Tuy vẫn có một số chi tiết được cách điệu, nhưng các nhà khoa học cho rằng đó là nỗ lực phân biệt chim di cư với chim bản địa của các họa sĩ cổ đại.

Các nhà khảo cổ phát hiện ra bức tranh khoảng một thế kỷ trước, khi nó vẫn ngụ trên tường một cung điện tại khu khảo cổ Amarna - khu vực từng là thủ đô Ai Cập cổ đại của Vương triều thứ 18, nằm cách Cairo ngày nay 300 kilomet về phía Nam. Trước đây, một số nghiên cứu đã tìm hiểu “danh tính” những con vật được mô tả, nhưng nghiên cứu mới được xuất bản là lần đầu tiên các nhà khoa học định danh những con chim được mô tả trong tranh.

Phần lớn chim trong bức họa là gầm ghì đá (pháp danh khoa học Columba livia), nhưng bên cạnh đó các nhà khoa học còn nhận ra một con chim bói cá nhỏ (Ceryle rudis), một cá thể bách thanh lưng đỏ (Lanius collurio) và một con chìa vôi trắng (Motacilla alba).

Bức tuyệt tác thời Ai Cập cổ đại chân thực đến mức các nhà khoa học xác định chính xác chim chóc trong tranh - Ảnh 1.

Trong ảnh, chim (a) và chim (b) đều là gầm ghì đá - Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.

Nhóm tác giả nghiên cứu một bản sao bức họa nổi tiếng, đồng thời sử dụng những nghiên cứu chim và phân loài sinh vật để xác định chính xác danh tính những con chim trong tranh. Kết quả đã được họ đăng tải trên tạp chí Antiquity hôm 15/12.

Căn phòng được mô tả trong tranh được các nhà khảo cổ đặt tên riêng là “Phòng Xanh”, với cảnh trí bao gồm một hồ nước chứa hoa súng, điểm trên bờ là cây cói và đây đó, nhiều con chim đang đậu giữa cảnh thanh bình. Theo lời các nhà nghiên cứu, bức tranh tả cảnh thực sẽ giúp các thành viên hoàng tộc thư giãn, hoạt động không khác gì việc người hiện đại treo tranh phong cảnh trong nhà.

Cũng theo nhận định của nhóm các nhà khoa học, rất có thể căn phòng chứa cả nước thơm và có cả nhạc sống nhằm tăng khả năng “hồi sức” của căn phòng treo tranh.

Căn phòng xanh trứ danh

Trong khoảng thời gian giữa năm 1353-1336 Trước Công nguyên, pharaoh Akhenaten (cha của Vua Tutankhamun) đã trị vì Ai Cập. Ông là người thay đổi tôn giáo đất nước miền Bắc Phi khi ra lệnh tập trung hoạt động thờ cúng xung quanh thần mặt trời Aten. Chính ông đã ban lệnh xây thủ đô Akhetaten (ngày nay là vùng Amarna) và xây cất cung điện cho hoàng tộc.

Khu vực này đã bị lãng quên theo thời gian cho tới khoảng thời gian 1923-1925, khi Cộng đồng Khám phá Ai Cập tiến hành khai quật cung điện. Lúc này, những bức tranh vẽ trên tường Phòng Xanh đã gần như tan biết theo dòng thời gian cũng như khí hậu khắc nghiệt. Nhà Ai Cập học Nina de Garis Davies đã cất công mô tả những gì còn sót lại trên tường.

Tới nay, tất cả những gì còn lại là những bản sao do Nina de Garis Davies vẽ nên, bởi bức họa gốc đã không còn nữa.

Bức tuyệt tác thời Ai Cập cổ đại chân thực đến mức các nhà khoa học xác định chính xác chim chóc trong tranh - Ảnh 2.

Hai cá thể (g) và (h) lần lượt là bách thanh lưng đỏ và chìa vôi trắng - Ảnh: Lehava Kiryat Shmona Pikiwiki Israel.

Cách duy nhất để lưu giữ những bức họa là một lần nữa chôn cả căn phòng xuống lớp cát”, giáo sư Barry Kemp công tác tại Đại học Cambridge cho hay. “Các nhà khảo cổ học thời bấy giờ đã không chọn cách này do lo sợ người dân địa phương sẽ làm tổn hại tới chúng, nhưng có vẻ nỗi sợ của họ đã không có căn cứ”.

Năm 1926, nỗ lực phục dựng bức tranh đã phản tác dụng và khiến bức tuyệt tác cổ đại phai màu đến mức không thể cứu vãn. Các nhà nghiên cứu hiện đại đã phải dựa vào bản sao do de Garis Davies vẽ để định danh những con chim xuất hiện trong tranh.

Hai loài được xác định, là gầm ghì đá và bói cá nhỏ, xuất hiện quanh năm tại đất Ai Cập, tuy nhiên có những loài chim trong tranh là chim di cư. Trong báo cáo khoa học, các nhà nghiên cứu ghi rõ “bách thanh lưng đỏ thường di cư tới Ai Cập vào mùa thu, giữa tháng Tám và tháng Mười một”, trong khi đó chìa vôi trắng “thường di cư [tới Ai Cập] vào khoảng thời gian từ tháng Mười cho tới tháng Tư”.

Bức tuyệt tác trên tường cung điện mô tả một cơ số gầm ghì đá, mặc dù chúng không thường xuất hiện quanh vùng đầm lầy, mà thường làm tổ tại những vách đá trơ trọi. Theo lời các chuyên gia, có lẽ các họa sĩ cổ đại đã… thêm chúng vào để bức tranh thêm sinh động.

Chưa hết, những nghệ sĩ Ai Cập còn vẽ thêm chi tiết cho chìa vôi trắng và bách thanh lưng đỏ - là những chiếc đuôi hình tam giác, những chi tiết vốn không có trên cơ thể những con chim này. Theo nhận định, có lẽ các nghệ sĩ cổ đại có ý đồ riêng, hòng cho thấy những con chim này từ nơi khác tới đây.

Dù gì, những họa sĩ Ai Cập cổ đại đã vẽ một bức họa mô tả gần như chính xác cách chim chóc và cây cối hiện hữu tại vùng Ai Cập cổ đại. “Tôi cho rằng những bức tranh tại Phòng Xanh quả thực xuất sắc ngay cả khi so với nghệ thuật Ai Cập cổ đại, và nó quả lý ví dụ cho thấy [các nghệ sĩ] đã quan sát kỹ thế giới tự nhiên như thế nào”, Christopher Stimpson, giáo sư danh dự công tác tại Đại học Oxford cho hay.