Theo thời báo The Sun, Sugar daddy là người đàn ông lớn tuổi khá giả, hào phóng, sẵn sàng chi tiêu xa hoa cho tình nhân, bạn gái của mình. Sugar daddy thường là một doanh nhân thành đạt, thiếu thốn về tình cảm (hay tình dục) và luôn bận rộn với những kiểu hẹn hò thông thường. Họ cần những buổi hẹn hò chớp nhoáng, rồi "đi thẳng vào vấn đề".
Trong khi đó, Sugar baby thường là những người phụ nữ trẻ, có ngoại hình bắt mắt, hấp dẫn, nhưng lại không đủ khả năng chi trả cho lối sống xa hoa của mình. Các cặp đôi "cha - con nuôi" ấy sẽ sớm thiết lập một thỏa thuận tài chính, cũng như ranh giới giữa họ (chẳng hạn như họ đang cân nhắc một mối quan hệ tình cảm đơn thuần, hay mối quan hệ ấy có tình dục hay không).
Một số "Sugar baby được trợ cấp hàng tháng, trong khi số khác lại nhận được những "tài khoản" kếch xù từ các kỳ nghỉ đắt tiền hay các vật dụng xa xỉ. Mối quan hệ giữa Sugar daddy và Sugar baby còn được gọi chung là "Sugar dating" (hoặc "Sugaring").
Theo quan điểm của nhiều người, mối quan hệ này thể hiện sự suy đồi đạo đức, mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực cần phải lên án. "Tình yêu chu cấp" tạo nên sự mập mờ về mặt đạo đức và pháp luật
"Bố nuôi" và "con nuôi" cũng có thể vướng phải những vấn đề không an toàn cho chính mình. Bởi cũng xuất hiện nhiều trường hợp sugar baby bị chính sugar daddy có những hành vi dùng tiền thao túng, hay thậm chí quấy rối tình dục. Hay "con nuôi" bị quay, chụp hình ảnh nhạy cảm để đe dọa, tống tiền.
Bi kịch cho những "cuộc tình" như thế này là điều khó tránh khỏi. Câu chuyện của nữ người mẫu Evelyn Nesbit dưới đây là một điển hình. Mặc dù thời điểm xảy ra vụ việc thế giới chưa có khái niệm sugar baby nhưng mối quan hệ giữa Evelyn Nesbit và kiến trúc sư nổi tiếng Stanford White chính là một mối quan hệ như thế.
Evelyn Nesbit, cô gái nghèo vùng Florence sinh năm 1884. Được coi là siêu mẫu đầu tiên của làng mẫu thế giới. Nổi tiếng và thành công một cách chóng vánh ở đầu thế kỷ 20, Evelyn không thể ngờ mình lại trở thành nạn nhân của chính những hào quang và scandal.
Evelyn Nesbit từng được xem là siêu mẫu hàng đầu của thế kỷ 20, là người tạo nên cuộc cách mạng trong đời sống văn hóa và thời trang lúc bấy giờ.
Cuối thế kỷ 19, khi kinh tế Mỹ phát triển nhanh chóng, những người nhập cư nghèo từ Châu Âu đổ sang Mỹ tìm kiếm việc làm. Nesbit sinh ra trong một gia đình nhập cư nghèo khó như thế, cha mất sớm, mẹ vật lộn nuôi các con.
Cô thiếu nữ Evelyn bắt đầu đi làm người mẫu cho các họa sĩ từ năm 14 tuổi để giúp cả nhà thoát khỏi cảnh nghèo. Khi từ bang Pennsylvania đến New York hồi đầu thế kỷ 20, danh tiếng của Evelyn lên như diều gặp gió. Cô là "nàng thơ" của vô số những họa sĩ đương thời, xuất hiện trong vô số tác phẩm hội họa, điêu khắc, và là gương mặt quen thuộc được minh họa trên bìa của những tờ tạp chí nổi tiếng nhất như Vanity Fair, Harper's Bazaar. Evelyn Nesbit cũng là gương mặt quảng cáo thường thấy nhất trên đủ loại sản phẩm…
Và chính lúc này hào quang đã đưa Evelyn đến gần Stanford White, hơn cô 32 tuổi, kiến trúc sư thành danh, và cũng là gã phong tình khét tiếng.
Ban đầu, Stanford White đảm nhận vai trò cha nuôi, gửi Evelyn đến nha sĩ và hỗ trợ tài chính cho mẹ cô. Ông ta đảm bảo, sự ưu ái là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc White đã biến Evelyn thành tình nhân. Thế nhưng, sau khi chiếm được trinh tiết của Evelyn, White đã nhanh chóng chán chường và chuyển sang chinh phục những cô gái trẻ xinh đẹp khác. Bị bố nuôi bỏ rơi, Evelyn cay đắng trở về với nghiệp diễn xuất và như mọi khi.
Lúc này, triệu phú Harry Thaw xuất hiện và theo đuổi, Evelyn đã chớp lấy cơ hội để trở thành một vị phu nhân danh giá. Sau khi kết hôn, nhà triệu phú vẫn không thể quên đi quá khứ của vợ, vẫn ghen tuông với Stanford White - người tình đầu tiên của Evelyn. Trước những chất vấn của chồng, Evelyn buộc phải khai ra mối quan hệ "bố nuôi - con nuôi" thiếu đạo đức với Stanford White khi cô mới 16 tuổi khiến Thaw gần như phát điên.
Từ trái qua: Staford White, Evelyn Nesbit và Harry Thaw. Ảnh: New York Post
Cuối cùng, lấy lý do bảo vệ danh dự cho người vợ trẻ, Thaw đã ám sát White tại một buổi trình diễn kịch nghệ, ngay trước sự chứng kiến của đông đảo người xem, trong đó có vợ mình. Thaw sau đó bị nhận án tù chung thân.
Cái kết bi kịch của chuyện tình này về sau vẫn được nhắc đến như một giai thoại. Tuy nhiên, không ít người hiện đại bây giờ có thể nhìn ra được bi kịch đó xuất phát từ mối quan hệ không trong sáng giữa "bố nuôi" Stanford White và "con nuôi" Evelyn. Và bi kịch đó cũng có thể dễ dàng tái diễn khi mà ở hiện tại, hiện tượng cặp đôi "bố già con trẻ" đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn cầu.
Theo thống kê của SeekingArrangement (SA) - nền tảng hẹn hò lớn nhất thế giới dành cho các cặp đôi "bố già con trẻ", từ năm 2015, SA có tới 2,4 triệu thành viên là học sinh sinh viên, chiếm tới 42% số người đăng ký, trong đó có khoảng 1 triệu thành viên sống ở Mỹ.
"Hẹn hò kẹo ngọt" cũng đã trở nên phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á trong những năm qua, theo Vice. Sự bùng nổ xu hướng này có thể nhìn thấy ở Indonesia, Singapore hay Malaysia, ngay cả ở Việt Nam.
Trong báo cáo gần đây, SeekingArrangement - trang web sugar dating lớn nhất thế giới - chỉ ra sự tăng vọt của dịch vụ "hẹn hò kẹo ngọt" ở nhiều nước, đặc biệt là Indonesia. Theo đó, Jakarta đứng đầu danh sách thành phố ở quốc gia này có nhiều sugar daddy, sugar baby nhất, với lần lượt 4.221 và 10.200 lượt đăng ký.
"Sự chỉ dẫn, hỗ trợ tài chính, cơ hội đi du lịch và cảm giác sống thoải mái hơn" là một số đặc quyền đặc lợi của sugar dating, theo Wade.
Mặc dù không còn quá xa lạ nhưng hiện tượng một ông già giàu có bao nuôi cho một cô gái trẻ xinh đẹp, hay một bà giàu có bảo trợ cho một chàng trai trẻ tuổi đã gây phản cảm lớn trong xã hội. Theo nhiều người, đó là sự xuống cấp về mặt đạo đức. Các chuẩn mực đạo đức đã được công nhận, tôn vinh như: công - dung - ngôn - hạnh bị bỏ qua trong mối quan hệ "bố nuôi - con nuôi". Đương nhiên, mối quan hệ này nằm ngoài với mối quan hệ gia đình truyền thống và không được xã hội thừa nhận. Thậm chí, mối quan hệ "cha con nuôi" ấy có thể phá nát hạnh phúc của một gia đình.
Ngoài ra, khi tham gia các mối quan hệ này, khả năng rủi ro xảy ra rất cao với các bản hợp đồng giao dịch như vậy. Trong trường hợp xấu, một bên "lật kèo", không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng, bên còn lại có đòi được quyền lợi của mình hay không? Pháp luật nào có thể bảo vệ cho loại hợp đồng giao dịch như thế?
Thế giới "tình yêu chu cấp" đang lớn dần với đa dạng hình thức giao kèo của mối quan hệ. (Ảnh minh họa)
Tình yêu là thứ xuất hiện từ khi mỗi cá thể chào đời và chỉ dập tắt khi chúng ta nhắm mắt. Tình yêu là thứ thiêng liêng mà không thể cầm, nắm hay định giá được. Xã hội phát triển, nhịp sống hối hả đã vô tình làm tình yêu và sự rung cảm của con người mất dần giá trị vốn có của nó. Tất cả đều thay thế chỉ bằng một từ: "tiền". Bởi vậy, hãy luôn coi trọng giá trị bản thân, đề cao tình cảm cá nhân để không bị mờ mắt, vấp phải những mối quan hệ "cha con nuôi", gây ra những hậu quả khôn lường cho người thân, gia đình và chính bản thân mình.