Câu chuyện cử nhân đi giao đồ ăn tại Trung Quốc: Khoảng cách lớn giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu việc làm

Thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây nhận những công việc không liên quan đến bằng cấp, xử lý công việc không cần học thuật, chuyên môn đã trở thành một chủ đề thảo luận nóng của cư dân mạng Trung Quốc.
Câu chuyện cử nhân đi giao đồ ăn tại Trung Quốc: Khoảng cách lớn giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu việc làm - Ảnh 1.

Các hội chợ việc làm tiếp tục thu hút những người trẻ tuổi và sinh viên mới tốt nghiệp tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ở tuổi 25, Liu Maomao không còn được coi là trẻ theo tiêu chuẩn nhân khẩu lao động. Điều này cũng có nghĩa là tình trạng thất nghiệp của cô không được phản ánh trong thị trường việc làm ngày càng tồi tệ của giới “thanh niên” 16-24 tuổi.

“Hy vọng tôi sẽ kiếm được một công việc đòi hỏi nhiều tư duy và đổi mới hơn, chẳng hạn như người làm sale. Nếu không thì tôi học tiếp 3 năm để làm gì”, cô gái vừa hoàn thành bằng thạc sĩ quản lý du lịch chia sẻ muốn làm việc cho một công ty nhà nước.

Đã khoảng một tháng kể từ khi Liu hoàn thành khóa học sau đại học tại một trường đại học ở tỉnh Hà Nam song cô vẫn chưa tìm được công việc mình mong muốn. Liu dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài đến vài tháng.

“Cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn tôi tưởng tượng. Có rất nhiều ứng viên giờ đã nộp đơn vào những vị trí mà vài năm trước không ai quan tâm”, cô Liu nói.

Nếu mong muốn trở thành một công chức không thành công, Liu muốn giảng dạy tại một trường cao đẳng công lập, vì thường những trường này được tài trợ tốt hơn và ổn định hơn so với các cơ sở giáo dục đại học tư nhân. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, cô cần có bằng tiến sĩ.

Liu cho biết một số bạn học đại học của cô – những người vừa mới kiếm được việc làm trước và ngay sau khi tốt nghiệp – tỏ rõ sự hài lòng với cơ hội họ nhận được trong bối cảnh số lượng ứng viên có trình độ tương tự tiếp tục gia tăng nhưng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có phần chậm lại.

Những yếu tố này đã dẫn đến việc nhiều thanh niên ưu tiên đảm bảo có việc, đảm nhận bất kỳ công việc nào họ tìm thấy, bất kể công việc đó có đáp ứng được yêu cầu hay sử dụng kiến thức và chuyên môn mà họ đã tích lũy được trong nhiều năm học tập hay không.

Xu hướng này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị (trong độ tuổi 16-24) của Trung Quốc tiếp tục chạm mức cao mới, bao gồm xác lập kỷ lục mọi thời đại là 21,3% vào tháng 6. Tỷ lệ này lần lượt vào tháng 4 và tháng 5 là 20,4% và 20,8% vào tháng 5 và 20,4% vào tháng 4. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị không thay đổi, đạt mức 5,2% trong tháng 6.

“Những lời mời làm việc mà khóa 2023 nhận được thường không bằng những gì các lớp ở những năm trước đó nhận được. Năm này qua năm khác với nhiều người đã tốt nghiệp trong những năm đại dịch vẫn đang tìm việc làm”, Liu chỉ ra.

Với trình độ học vấn của người dân ngày càng được cải thiện, chính quyền Trung Quốc đang tiếp tục chứng minh quan điểm về “lợi tức tài năng” đang gia tăng, phản ánh tác động kinh tế của sinh viên tốt nghiệp đại học đối với một thành phố, để gạt bỏ những lo ngại về lực lượng lao động đang bị thu hẹp.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp cũng nhận thấy rằng tài năng của họ đang bị lãng phí khi họ phải chấp nhận làm những công việc không phù hợp.

Câu chuyện cử nhân đi giao đồ ăn tại Trung Quốc: Khoảng cách lớn giữa hệ thống giáo dục và nhu cầu việc làm - Ảnh 2.

Những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ tạm nhận công việc giao đồ ăn để kiếm sống. Ảnh minh họa: China Daily

Thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây nhận những công việc không liên quan đến bằng cấp và không gặp trở ngại về học thuật, chuyên môn đã trở thành một chủ đề thảo luận nóng của cư dân mạng Trung Quốc.

Trong một trường hợp mới đây, chính quyền cấp huyện ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã tuyển dụng hai người có bằng cử nhân và thạc sĩ vào tháng trước làm thanh tra xử lý và phân loại rác. Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc đưa tin vị trí công việc chỉ yêu cầu bằng cao đẳng, nhưng những ứng viên có trình độ học vấn cao hơn đã nộp đơn. “Không có lý do gì để từ chối một người có bằng cấp cao hơn”, đại diện địa phương cho biết.

Điều này đã trở thành một xu hướng khi Bắc Kinh thúc đẩy xây dựng nguồn nhân tài “chất lượng cao” cho một tương lai phát triển trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi. Các quan chức lập luận nước này vẫn có lực lượng lao động 900 triệu người với trình độ học vấn tổng thể đang tăng lên để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Dân số Trung Quốc đạt đỉnh sớm hơn dự kiến, giảm 850.000 xuống còn 1,412 tỷ vào năm ngoái. Theo dữ liệu của chính phủ, trong năm ngoái, thanh niên mới tham gia thị trường việc làm có thời gian được giáo dục và đào tạo trung bình 14 năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn để đạt được lợi tức tài năng, khi chất lượng giáo dục đại học kém, có khoảng cách giữa chuyên ngành của sinh viên và việc làm sẵn có, lợi tức đầu tư giáo dục bị giảm.

Chu Zhaohui, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, cho biết thật vô nghĩa khi nói về lợi tức tài năng nhưng mọi người không tìm thấy đúng vị trí của mình. Ông lưu ý số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng lên hàng năm, đạt mức cao kỷ lục 11,58 triệu trong năm nay, không có nghĩa là Trung Quốc đang sản xuất nguồn nhân lực mà nhiều công ty muốn.

Lu Mingtao, một nhà nghiên cứu của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, trong nghiên cứu của mình phát hiện ra lợi tức đầu tư vào giáo dục đại học đã giảm từ hơn 60% năm 1982 xuống còn 10% vào năm 2015 và Lu dự kiến tỷ lệ này sẽ duy trì ở mức đó đến năm 2030.

“Sẽ không có vấn đề gì lớn nếu chúng ta duy trì ở mức này. Nhưng chúng ta cần đề phòng khả năng giảm hơn nữa, xét đến sự mở rộng quy mô lớn của giáo dục đại học Trung Quốc trong tương lai, sự thống trị của Mỹ trong các dịch vụ hiện đại trọng dụng nhân tài và giá trị gia tăng cao, cùng sự thay thế nhanh chóng của nhân công bằng trí tuệ nhân tạo”, chuyên gia giải thích.

Yuan Xin, giáo sư nhân khẩu học tại Trường Kinh tế của Đại học Nankai, chỉ ra Trung Quốc có đủ lực lượng lao động có trình độ cao, bất chấp sự suy giảm dân số. Nhưng liệu Trung Quốc có thể sử dụng đầy đủ những bằng cấp và bí quyết đó hay không vẫn là điều quan trọng.

“Việc làm là một trong những chỉ số chính về lợi tức dân số, hay còn gọi là tiềm năng tăng trưởng kinh tế dựa vào sự thay đổi cơ cấu dân số theo độ tuổi. Chúng ta đang chứng kiến những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ đi giao đồ ăn để kiếm sống. Điều này cho thấy một khoảng cách lớn giữa những gì hệ thống giáo dục đang sản xuất và những gì thị trường việc làm đang cần. Chắc chắn cần một cuộc cải cách giáo dục diễn ra”, Giáo sư Yuan kết luận.