Anh Vũ Quốc Vương (37 tuổi) quê Bình Phước, anh đang làm telesales cho công ty của Mỹ. Anh tạm gác công việc và quyết định theo đuổi đam mê chinh phục mọi miền Tổ Quốc, từ Nam tiến ra Bắc. Anh xuất phát từ ngày 17/6 từ Mũi Cà Mau, anh đã đi bộ qua các tỉnh thành: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến tre, Tiền Giang, Sài Gòn, Vũng Tàu, Bình Thuận, và hiện tại anh đang có mặt ở tỉnh Khánh Hòa. Thời gian dự kiến của anh Vương là ngày 31 tháng 1 năm 2021 sẽ kết thúc hành trình này.
Điều đặc biệt, anh thực hiện chuyến đi theo đường ven biển mà không phải đi theo tuyến quốc lộ mặc dù lựa chọn này khó khăn hơn bởi thường sẽ phải ngủ ngoài rừng nhưng cái được là anh ngắm được nhiều vẻ đẹp Việt Nam.
Anh Vương cho biết động lực thôi thúc mình thực hiện chuyến đi này: “Từ sở thích đọc sách, vừa rồi mình có đọc được mấy bộ sách của dịch giả Nguyên Phong. Đọc xong bản thân liền nảy ra ý tưởng đi bộ xuyên Việt, ngay sau đó mình quyết định nghỉ việc và chuẩn bị lên đường. Mình đang sở hữu cơ thể vô cùng tuyệt vời và khỏe mạnh vì thế muốn thực hiện một thử thách lớn trong cuộc đời bằng tính kiên trì, chúng ta còn trẻ hãy vượt qua nỗi sợ hãi để truyền đam mê và động lực tới mọi người”.
Anh tạm gác công việc và quyết định theo đuổi đam mê chinh phục mọi miền Tổ Quốc, từ Nam tiến ra Bắc.
Nam phượt thủ tâm sự: “Lịch trình của mình hàng ngày dậy từ 4 giờ 30 tập thể dục làm nóng cơ thể, tiếp đó là đọc các câu slogan để tiếp thêm mục tiêu, tìm hướng đúng cho cuộc hành trình, khoảng 6h bắt đầu tìm chỗ ăn sáng. Sau đó bắt đầu di chuyển, khoảng 11 giờ tranh thủ nếu gặp bất cứ quán ăn nào thì sẽ ghé vào để ăn trưa. Trong vali của mình lúc nào cũng sẵn đồ ăn như: lương khô, bánh mì, sữa, mì tôm... để phòng khi trên lộ trình đi không có quán ăn, buổi chiều tiếp tục lộ trình tầm 5 giờ quan sát tìm chỗ có võng để treo nghỉ. Thường buổi tối mình ngủ ở cây xăng, quán cà phê võng, hoặc nhà hoang trong rừng, may thì nương nhờ nhà dân ngoài mái hiên”.
Vương nói, trở ngại ban đầu của chuyến đi là sự thích ứng của cơ thể đi ngược lại với mong muốn, anh đã tìm cách “đàm phán và làm hòa với tính thích nghi” để vượt qua thử thách đó. Gia đình anh Vương cũng rất lo lắng về chuyến đi mạo hiểm này, để mọi người bớt lo anh thường gọi facetime, livestream để họ thấy rằng hành trình của mình rất đơn giản không có gì nguy hiểm.
Cũng có một số ý kiến trái chiều từ mạng xã hội và một số người dân phản ứng tiêu cực gọi hành động của anh là “điên rồ”, nhưng anh đều mỉm cười rồi tiếp tục chuyến đi của mình. Ngoài ra, anh cũng gặp rất nhiều người ủng hộ mình, người thì ủng hộ hộp sữa, chai nước, bữa cơm, cả cho tiền… kèm những lời động viên quan tâm. Anh Vương nói: “Mình cũng nhận được hỗ trợ đặc biệt từ nhóm Bạn Hữu Đường Xa khắp cả nước, họ sửa chữa như chiếc xe lôi hỗ trợ mình, giống một thanh nam châm vừa đi vừa rút đinh trên đường”.
Anh Vương được nhiều "phượt thủ" khác giúp đỡ trên hành trình đi bộ xuyên Việt
Hiện tại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trở thành mối e ngại rất lớn cho những người như anh Vương. Anh chia sẻ thêm: “Trung bình mỗi ngày di chuyển gần 30km mình cũng rất chủ động trong việc phòng tránh dịch bệnh là đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc chỗ đông người, với lộ trình khoảng một tháng rưỡi nữa mình sẽ đến Đà Nẵng hy vọng dịch lúc đó sẽ kết thúc. Nếu tình hình dịch không như mong đợi mình sẽ chuyển hướng ra khơi theo ngư dân các tàu đánh cá dài ngày để tìm hiểu cuộc sống của người dân trên biển”.
Cuộc hành trình của anh Vương mới diễn ra 1/3 của chuyến đi bộ xuyên Việt, nhưng anh muốn chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm từ bản thân: “Khi bắt đầu xây dựng và quyết tâm một mục tiêu nào đó dù bản thân có đơn độc thậm chí người khác coi đó là một việc làm “điên rồ”, nhưng hãy cố gắng để thành công, quan trọng bản thân có bản lĩnh vượt qua được nỗi sợ hãi đó! Hãy chủ động đối thoại với chính mình để không bị lung lay, phải biết cách vượt ra vùng giới hạn để khám phá những điều mới mẻ, gặp gỡ những con người tuyệt vời”.
Anh Vương còn chia sẻ thêm sau khi kết thúc chuyến đi này anh có nhiều dự định cho tương lai để phát triển bản thân.