Chàng trai Tiền Giang hào sảng giữa Sài Gòn và tấm bảng vá xe “không tiền cũng vá” cho khách lỡ đường giữa đêm khuya

Sợ người lỡ đường ngại, anh Hiếu làm ngay tấm biển bằng bìa carton ghi mấy chữ “có tiền cũng vá, không tiền cũng vá…” treo ngoài vỉa hè cạnh chỗ ngủ. Ai đưa tiền ít thì anh lấy ít, nếu không có tiền anh hào sảng miễn phí luôn.

Chốn Sài Gòn “đất chật người đông” luôn có những điều giản dị khiến người khác ấm lòng. Và câu chuyện về anh bảo vệ kiêm sửa xe có tâm “không tiền cũng vá” lúc nửa đêm đang gây xôn xao cộng đồng những ngày qua cũng không ngoại lệ

Anh Nguyễn Văn Hiếu (40 tuổi, quê Tiền Giang).

“Không tiền cũng vá”

Người đàn ông tốt bụng ấy là anh Nguyễn Văn Hiếu (40 tuổi, quê Tiền Giang). Anh Hiếu hiện đang làm bảo vệ cho một cửa hàng quần áo và làm thêm nghề vá xe vào buổi tối ở địa chỉ 287 Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM).

Đến tìm anh thợ sửa xe tốt bụng vào một buổi sáng, ấn tượng đầu tiên giúp chúng tôi nhận ra anh là tấm biển làm bằng bìa carton màu vàng, bên trên có ghi vài chữ “có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Đừng ngại, kêu vá liền”, kèm số điện thoại.

Anh Hiếu làm tấm biển carton vì sợ người đi đường bị b.ể bánh mà lỡ không mang tiền nên ngại, không dám vá.

Chỉ tay vào tấm biển của mình, anh Hiếu giải thích: “Quận 4 mang tiếng là dữ, thấy vá xe nhưng mình đang ngủ người ta cũng không dám gọi, bởi vậy tôi mới viết rõ: “Đừng ngại, kêu vá liền” là vì vậy. Còn câu ở đằng trên là do có nhiều người không có tiền hoặc sợ bị ch.ặt ch.ém nên không dám vá. Nửa đêm nửa hôm dắt bộ tội quá nên tôi viết để người ta yên tâm”.

Dù là người có tiền hay không tiền anh đầu nhận vá hết.

Anh Hiếu tâm sự thêm: “Gia đình tôi cũng khó khăn chứ không dư giả gì nên cũng ngại người khác nói đã nghèo còn bày đặt vá xe không lấy tiền. Nhưng thực ra việc đó chả đáng bao nhiêu vì lâu lâu mới có người lỡ xui không mang tiền chứ không phải ai cũng vậy”

Sát giờ vào ca trực bảo vệ anh Hiếu vẫn cố gắng sửa xe cho một bạn sinh viên.

Bạn Lê Hảo (22 tuổi, ngụ TP.HCM), người đã từng được anh Hiếu sửa xe miễn phí chia sẻ: “Ban đầu thấy anh vẫy vào tôi nghĩ ngay anh này định chèo kéo khách. Lúc đó tôi cũng đang hết tiền nên sợ không dám vào và nói luôn là không đủ tiền thì bất ngờ anh nói sửa miễn phí.

Lần đầu tiên tôi gặp người sửa xe lề đường tốt bụng như vậy nên đã đăng lên mạng để cảm ơn và chia sẻ cho mọi người biết chỗ ngày có người tốt, việc tốt”.

“Thôi, có to t.át gì đâu trời!”

Với bản tính chân chất của người miền Tây, anh Hiếu thật thà chia sẻ với chúng tôi, thực ra anh giúp người khác thì lại có người cho lại anh.

Nhiều khách hàng vá xe xong còn “bo” thêm cho anh 10, 20 ngàn nên bù qua sớt lại cũng bằng nhau. Bởi vậy khi biết mình sắp lên báo vì làm việc tốt, anh liên tục xua tay nói: “Thôi, có to t.át gì đâu trời!”.

Anh Hiếu tâm sự mình có vợ và hai con nhỏ. Vì cuộc sống ở quê khá cơ cực, làm thuê làm mướn đủ nghề vẫn không có tiền trang trải cho gia đình và nuôi hai con ăn học nên quyết định khăn gói lên TP.HCM xin việc làm.

Anh Hiếu thật thà chia sẻ giúp nhiều người nhưng cũng được người khác giúp lại nên anh chẳng quan tâm chuyện lời lãi.

Những ngày đầu mới lên thành phố, anh Hiếu làm thuê đủ nghề từ bốc vác, phụ hồ…, nhưng thu nhập cũng bấp bênh. Rồi có người quen giới thiệu cho anh một chân bảo vệ làm việc 24/24 giờ anh nhận luôn. Cũng kể từ đó vỉa hè trước cửa hàng nơi làm việc trở thành “căn nhà” không mái của anh suốt một năm rưỡi qua.

“Tôi bảo vệ cả ngày lẫn đêm mà buổi tối cửa hàng đóng cửa không được ở bên trong nên ngủ luôn ở vỉa hè cho tiện trông coi. Chỉ cần sắm cái giường xếp, ít chăn gối, áo mưa và cây dù nữa là xong chứ có gì đâu, tiết kiệm được cả khối tiền thuê nhà trọ chứ chẳng chơi”, anh Hiếu nói bằng giọng sảng khoái như thể ngủ vỉa hè cũng là một cái lợi.

Chiếc hộp đồ nghề đơn giản giúp anh kiếm thêm thu nhập.

Người đàn ông tốt bụng kể nhiều đêm trời mưa to, gió gi.ật phăng cây dù che mưa làm anh ướt như chuột lột. Lồm cồm bò dậy dựng lại cây dù cho chắc chắn, thay đồ rồi cuốn thêm áo mưa cố nằm ngủ tiếp vì sợ sáng mai ngủ gật trong lúc làm việc.

Vì cuộc sống ở Sài Gòn khá đắt đỏ nên sẵn có nghề trong tay anh Hiếu mới mua ít đồ nghề làm thêm công việc vá xe đêm. Làm bảo vệ 24/24 nay còn thêm vá xe buổi tối, chấp nhận thời gian nghỉ ngơi ít đi một chút anh Hiếu nói cố gắng vì vợ con.

“Vợ tôi ở nhà chăm 2 đứa nhỏ rồi ai kêu làm mướn cái gì thì làm nấy. Từng làm ở quê tôi còn lạ gì, làm đủ việc mà lương chẳng có bao nhiêu hết nên tôi phải cố gắng chút, ráng cho hai đứa con nó ăn học đàng hoàng”, anh tâm sự.

Dù phải ngủ ở vỉa hè và làm việc gần như 24/24 nhưng anh Hiếu vẫn cố gắng vì vợ con.

Cứ khoảng 2, 3 tháng, anh Hiếu lại về thăm vợ con một lần. Biết chồng làm thêm sửa xe, chị vợ cũng khuyên để tối tranh thủ nghỉ ngơi chứ sợ anh kiệt sức nhưng anh không chịu, phủi tay nói “làm miết rồi quen, vẫn khỏe re”.

Anh Hiếu bộc bạch, làm sửa xe có cái hay của sửa xe, ngoài chuyện thu nhập dư dả hơn chút đỉnh thì việc giúp đỡ được người khác trong lúc lỡ đường cũng làm anh thấy cuộc sống thoải mái hơn. Nói như anh Hiếu: “Chẳng đáng gì, nhưng được cái vui!”.

Khi nói đến chuyện làm việc tốt, anh chỉ nói: “To tát gì đâu trời!”

Thời gian gần đây, thông tin về tình trạng phá xe, ch.ặt ch.ém của một số kẻ bất lương khiến khách đi đường có tâm lý dè chừng, mất niềm tin vào người hành nghề vá xe vỉa è.

Hành động ý nghĩa của anh Hiếu đã chứng minh rằng ngoài những góc nhỏ tiêu cực, Sài Gòn vẫn còn rất nhiều con người tốt bụng và hào hiệp. Nhìn nụ cười hạnh phúc của anh khi giúp đỡ được một người khách lỡ đường mới thấy được cái nồng ấm, chân tình mà những người miền Tây lên Sài Gòn sinh sống đối đãi với nhau.

“Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Đừng ngại, kêu vá liền”…, cảm ơn anh!

Theo Helino