Năm nào cũng thế, Tết đến xuân về khiến người ta xốn xang rạo rực thì cũng khiến nhiều gia đình căng thẳng về chuyện đón Tết ở đâu, về nội về ngoại thế nào cho công bằng. Nhất là phụ nữ, cả năm chuyên tâm chăm lo cho nhà chồng nên những ngày đầu năm mới họ luôn mong có thể được ở bên bố mẹ đẻ để bù đắp lại những ngày xa cách, nhớ nhung.
Tuy nhiên, đôi khi ước muốn là 1 chuyện còn thực hiện được hay không lại là cả một vấn đề liên quan tới chồng có tâm lý, hiểu chuyện hay không.
Cô vợ đã lên mạng tâm sự: "Chồng em gia trưởng, sau cưới dù bố mẹ không ép nhưng vẫn bắt vợ ở chung với bố mẹ với lý do phải báo hiếu. 4 năm sau cưới em mới được dọn ra ở riêng. Tuy nhiên, anh không mua nhà ra xa hẳn mà chọn chung cư cách nhà bố mẹ chưa đầy 3km để tiện qua lại chăm nom ông bà.
Mỗi khi nhà có việc là anh dặn đi dặn lại vợ phải về sớm làm cái này cái khác, sợ em làm không nên, họ hàng nhìn vào chê cười gia đình anh có dâu đoảng. Thật sự làm vợ anh ấy, nhiều khi em cảm thấy mệt mỏi vô cùng.
Chán nhất là mỗi lần Tết đến, em cứ quay cuồng lo thể hiện dâu thảo với bố mẹ chồng. Ngoài tiền biếu Tết còn phải lo đưa mẹ chồng đi mua sắm, lau dọn nhà cửa các kiểu. Năm nào cũng phải hết mồng 4 mới được về ngoại chúc Tết, trước đấy thì không được đi đâu.
4 năm liền như vậy, năm nay em bàn với chồng đưa vợ con về ngoại ăn Tết với bố mẹ em 1 năm cho ông bà vui vì từ ngày em lấy chồng chưa về đón Giao thừa với các cụ lần nào. Đã vậy năm nay em trai em cũng đưa vợ con về nhà ngoại ăn Tết, nhà chỉ còn bố mẹ nên em tính chúng em về với ông bà là hợp lý. Song nghe em nói chồng em tỏ ra khó chịu lắm. Tuy anh ấy không phản ứng lại ngay nhưng thái độ thì nhìn rõ.
Một lúc sau anh ấy quay ra bảo: 'Muốn về ngoại cũng được nhưng chúng ta phải lo chu toàn cho ông bà nội xong rồi mới thoải mái đi được. Mọi năm chúng mình biếu ông bà 10 triệu, năm nay không ở lại đón Tết thì phải biếu 20 triệu. 1 phần là động viên bố mẹ, phần nữa coi như mình 'bao trọn gói Tết' cho nhà nội rồi mới đi. Như thế bố mẹ cũng thấy vui, người ngoài nhìn vào không chê trách được gì'.
Nghe chồng thỏa thuận, em giật mình. Năm nay khó khăn, lương thưởng hai đứa cộng vào được hơn 30 triệu, anh đòi đưa cho bố mẹ anh 20 triệu, vậy thì còn mua sắm, tàu xe đi về ngoại nữa làm sao đủ. Chẳng lẽ về ngoại tay không.
Song điều làm em thất vọng là anh mang chuyện biếu xén bố mẹ ra mặc cả, thỏa thuận như 1 sự trao đổi, mua bán khiến em ức không chịu được nên nói lại: 'Xưa nay em chưa từng tiếc bố mẹ anh điều gì. Nếu có tiền, anh biếu ông bà 20, 30 triệu em hoàn toàn không ý kiến. Nhưng trước khi anh thỏa thuận mình phải đưa ngần ấy tiền cho bên nội mới được về ngoại, anh có từng nghĩ, mấy năm làm vợ anh, em ở nhà chồng đón Tết, anh không chủ động 'bao trọn gói' bố mẹ em như thế?
Tiền của chúng ta chỉ có vậy, anh chi tiêu sao cho hợp lý thì tùy. Có điều, khi em sống hết lòng với bố mẹ anh thì em cũng hi vọng anh sống phải đạo với nhà em. Đời bao giờ cũng phải có đi có lại, không ai kéo co 1 mình. Anh là chồng, sống sao làm gương cho vợ noi theo không sau đừng trách vợ không biết ăn ở'.
Ảnh minh họa
Thực sự là em nản lắm rồi nên nói thế, còn chồng muốn tính thế nào cũng được, em vẫn về ngoại. Thế nhưng hôm sau, trước lúc đi làm anh ấy lại bỏ phong bì cho em 10 triệu bảo mang về biếu ông bà nội như mọi khi rồi bảo sẽ thu xếp để năm nay đón Tết bên ngoại. Lúc đó em mới nhẹ lòng, đỡ bực đi được tí".
Quả thật câu chuyện đón Tết ở đâu, nội hay ngoại vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi, căng thẳng của không ít cặp vợ chồng vì suy cho cùng thì ngày Tết ai cũng mong được ở bên cạnh người sinh ra mình.
Do đó, khi chứng kiến những màn tranh cãi của các cặp vợ chồng, nhiều người đưa ra ý kiến cho rằng, tốt nhất cứ mỗi năm đón Tết một bên, năm nay đón Tết bên nội thì sang năm sang bên ngoại cho công bằng. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến được đưa ra là phải tùy hoàn cảnh từng gia đình mà có cách xử sự cho hợp lý. Có điều đàn ông nên hiểu cho suy nghĩ của vợ mình 1 chút, quan tâm tới nhà ngoại 1 chút sẽ khiến vợ ấm lòng hơn.