Ý tưởng đến từ những ngày cách ly xã hội
Từ đầu tháng 4, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc kinh doanh khách sạn bị ngưng lại, cũng không thể đến phòng gym để luyện tập, anh Thắng đành cùng nhóm bạn chuyển sang đạp xe. “Dọc đường mình thấy những chiếc xe đạp cũ dựng ở góc vườn của một vài nhà dân đang hoen gỉ trong khi nhiều em học sinh nghèo phải đi bộ hàng cây số để đến trường dưới cái nắng gay gắt. Vì thế mình đã nảy sinh ý tưởng phục chế những chiếc xe cũ để tặng lại các em”, anh Thắng nói.
Anh Thắng cùng những thành viên trong nhóm đi xin xe đạp cũ từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để thực hiện dự án “Rebike For Kids”.
Xin được chiếc xe đạp đầu tiên từ người hàng xóm, anh Thắng liền tháo tung ra, lau chùi, sơn sửa một cách tỉ mỉ. Mặc dù hình thức chiếc xe đã được anh tân trang như mới nhưng khi đạp thử thì bánh xe bị kẹt, không thể di chuyển. Thất bại ngay từ lần đầu tiên song không vì thế mà ông chủ khách sạn nản lòng, anh đem chiếc xe ra quán nhờ thợ sửa lại. Bản thân anh cũng ngồi lì ở đó để “học lỏm”.
Theo anh Thắng, để phục hồi một chiếc xe đạp trở lại như mới phải tháo rời toàn bộ chiếc xe, đánh giá những bộ phận còn sử dụng được, bộ phận nào cần phải thay thế. Sau đó tẩy gỉ sét, đánh bóng, phun sơn và lắp ráp. Làm một mình không xuể, anh quyết định kêu gọi bạn bè cùng tham gia và thành lập nhóm “Rebike For Kids”.
Những bộ phận của chiếc xe đạp được tháo rời trước khi đước tẩy gỉ, sơn mới.
Người góp công, người góp sức sau hơn 3 tháng, anh Thắng cùng nhóm bạn đã phục hồi được 200 chiếc xe. Hơn 70 chiếc đã được trao tặng cho học sinh nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Anh cũng đặt ra mục tiêu là làm 1.000 chiếc xe trong 1 năm để tặng học sinh nghèo trên toàn quốc.
Mỗi chiếc xe là một câu chuyện
Thông thường sửa xe đến đâu anh Thắng lại đem tặng ngay đến đó. Đợt gần đây nhất là vào ngày 15/6 anh thắng tặng 15 chiếc xe cho học sinh Trường tiểu học Sơn Hàm (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh). Trường có nhiều học sinh từ 10 đến 11 tuổi chưa biết đi xe đạp, “Nhìn các em vừa đi vừa chống chân, bạn nọ giữ xe cho bạn kia tập. Chúng quấn lấy chiếc xe cả buổi làm mình vui lắm”, anh Thắng bồi hồi nhớ lại.
Chiếc xe cũ sai khi được tân trang. Anh Thắng cho biết, để hoàn thành một chếc xe cần trải qua nhiều giai đoạn và tốn khoảng 600.000đ đến 1 triệu.
Và mới đây anh là trường hợp của gia đình bà N.T.T (76 tuổi) và em N.M.P (11 tuổi), anh Thắng chia sẻ: “Trường hợp của bà T và em P khiến mình đau lòng nhất. Khi sinh P được một thời gian thì mẹ em bỏ nhà ra đi, từ đó không đoái hoài đến con. Một thời gian sau bố của P vướng vào vòng lao lý do buôn bán và sử dụng ma túy. Để có tiền nuôi cháu, 4 giờ sáng bà Thuyết đã dậy đi bộ đến chợ Rạp cách nhà 1km phụ bưng bê ở quán phở, chiều 2 giờ bà trở lại chợ để lau dọn vệ sinh quầy bán thịt.
Trước kia Phương cũng có 1 chiếc xe đạp nhưng đã hỏng, em bán phế liệu được 30.000 đồng rồi đưa cho bà. Hai năm nay em phải đi bộ tới lớp, vì trường cách nhà 3km nên nhiều khi phải chạy cho kịp giờ học. Ước mơ lớn nhất của em là có 1 chiếc xe từ lâu để chủ động chở bà đi làm và thuận tiện đến trường”.
Mỗi chiếc xe đạp được trao tặng là niềm vui và động lực để anh và thành viên trong nhóm tiếp tục làm việc.
Đến nay, mô hình hồi sinh xe cũ của anh Thắng đã được lan tỏa ra 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nghệ An. Nhiều người ở các địa phương khác nhau đọc được tin đã tự liên hệ với nhóm của anh để tặng những chiếc xe đạp cũ, cũng có người ủng hộ tiền hay các phụ tùng xe đạp để thay thế.
Khi yêu cầu chia sẻ về kế hoạch trong tương lai anh Thắng tươi cười: “Dự án phục hồi xe đạp cũ “Rebike For Kids” không phải của riêng tôi. Tôi mong muốn rằng sẽ có nhiều người cùng tham gia và nhận rộng mô hình, chia sẻ những chiếc xe đến mảnh các đời khó khăn. Không những thế càng nhiều xe đạp được tái sử dụng cũng là hành động thiết thực để bảo vệ môi trường”.