Tình yêu và duyên phận không ngờ đến
Thành An (chàng trai sinh ra và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh) và Mỹ Thuận (cô gái quê Lâm Đồng) cùng là sinh viên Đại học Tài chính – Marketing thành phố Hồ Chí Minh. Năm thứ nhất đại học, cả hai cùng tham dự lớp học quân sự đầu khóa dành cho sinh viên mới vào trường. Trong khoảng thời gian đặc biệt đó, chàng trai Sài Thành đã cảm nắng cô bạn Mỹ Thuận cùng lớp của mình. Chàng trai 18 tuổi vốn quen với cuộc sống nhộn nhịp của phố thị có một sự cảm mến đặc biệt dành cho gái quê thuần hậu, chân phương.
Thành An vẫn nhớ như in khoảnh khắc đặc biệt đó: "Lúc nhìn thấy Mỹ Thuận trong kỳ học quân sự tự nhiên mình có một cảm xúc khác lạ. Ở Thuận có sự chân phương, hiền hậu nhưng cũng có nét gì đó rất mạnh mẽ, quyết liệt". Quá cảm mến, An đã nhiều lần chủ động nhắn tin hỏi thăm, bắt chuyện và làm quen với Thuận nhưng đều bị từ chối. Những tin nhắn của chàng trai Sài Thành dành cho cô gái vừa từ quê lên phố đi học đại học đều không được hồi âm.
3 năm sau, đang trong một giờ giải lao, hai người lại vô tình gặp nhau. Mỹ Thuận còn nhớ rất rõ khoảnh khắc đặc biệt đó: "Hôm ấy, mình tranh thủ giờ giải lao để ra ngoài đi dạo, cũng đúng lúc lớp anh An được thầy cho nghỉ sớm. Anh bắt gặp mình và nhận ra người con gái đợt học cùng năm nhất nên đã đến bắt chuyện".
Điều kỳ lạ là khác với những cảm xúc năm nhất, trong lần gặp ấy, cô nàng bị ấn tượng với làn da ngăm đen, nụ cười duyên và cách nói chuyện hài hước của Thành An. Và điều gì đến cũng sẽ đến, cánh cửa trái tim của cô sinh viên đã bắt đầu mở cửa. Mỹ Thuận chấp nhận hẹn hò. Họ cùng nhau đi leo núi, dã ngoại và yêu nhau lúc nào cũng không hay.
Từ bỏ Sài Gòn phố thị lên Tây Nguyên lập nghiệp
Tốt nghiệp ra trường, đôi bạn trẻ tìm được công việc phù hợp với mức lương đủ để cả hai có một cuộc sống ổn định ở Sài Gòn. Cùng người bạn quê Lâm Đồng, Thành An và Mỹ Thuận kinh doanh hạt macca để tăng thêm thu nhập. Công việc kinh doanh thuận lợi, sản phẩm đưa ra không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cả hai đều có thu nhập ổn định với mức trên 20 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn mình, ước vọng có một cuộc sống ở thôn quê quanh ngôi nhà gỗ và những vườn cây vẫn chưa bao giờ mờ phai trong tâm hồn của cô gái trẻ.
May mắn lớn nhất của Thuận là được Thanh An ủng hộ hết mình. Chia sẻ về quyết định của vợ, Thanh An tâm sự: "Từ khi mới yêu nhau, mình đã nghe Thuận kể về quyết định của mình. Thuận muốn sống thật sự gần gũi, gắn mình với thiên nhiên và cũng là để thực hiện ước mơ thủa nhỏ của chính mình. Mình hoàn toàn đồng ý với điều đó".
Tuy nhiên, trở ngại khó khăn nhất đối với đôi bạn trẻ là thuyết phục gia đình để có thể đồng ý với quyết định này. Nghe được ý định của hai đứa, gia đình hai bên kịch liệt phản đối. "Ban đầu, việc thuyết phục bố mẹ về quyết định này của chúng mình thật khó khăn. Ngay khi nghe mình đề cập đến mong muốn này, bố mẹ mình đã gạt ngay đi và khuyên mình tiếp tục ở Sài Gòn", Mỹ Thuận kể.
Hiểu những nỗi trăn trở của bố mẹ, Thành An và Mỹ Thuận kiên trì giải thích cho cha mẹ hiểu về cuộc sống mà cả hai muốn thực hiện, trình bày cho họ về kế hoạch kinh doanh của mình và chứng minh qua hiệu quả buôn bán hạt macca hiện tại. Mưa dầm thấm lâu, cùng tình yêu thương dành cho con cái, cha mẹ cả hai cuối cùng cũng đồng ý và giúp đỡ các con thực hiện ước mơ của mình.
Thuyết phục được bố mẹ thì quá trình mua đất cũng thật gian nan. Vào một ngày cuối năm 2017, An và Thuận xuất phát từ Sài Gòn vượt qua quãng đường chừng 250km để đến xem và mua đất, nhưng đến nơi, người chủ hủy hẹn. Trên đường về, vì quá thất vọng nên cứ chỗ nào treo biển bán đất là cả hai lại ghé vào xem. Nhưng rồi kết quả cũng chẳng đến đâu.
Thế rồi may mắn cũng mỉm cười với đôi bạn trẻ này. Trong tuần kế tiếp, hai người đã tìm được một mảnh đất rộng và vô cùng ưng ý. Khu đất cách trung tâm xã Quảng Sơn (Tây Nguyên) hơn 10 km, hai bên chủ yếu là rừng, cảnh vật còn hoang sơ. Ở đây, có một căn nhà gỗ nhỏ do người chủ xây cất, phía trước là hồ nước trong lành.
"Ban đầu chúng mình chỉ muốn mua 2ha đến 3ha nhưng chủ đất lại nhất quyết không bán tách, bắt buộc phải mua cả khu với diện tích 10 ha. Đó là một diện tích quá lớn với khả năng tài chính hiện có lúc bấy giờ nhưng vì thích quá nên mình với anh An đã mua cả", Mỹ Thuận cho hay.
Đã có nơi để hiện thực hóa ước mơ của mình, cuối năm 2018, đôi bạn trẻ bỏ công việc và cuộc sống ổn định nơi phố thị sầm uất mà trở về với khung cảnh bình yên của "miền đất hứa" của chính mình.
Hai người khùng phồng rộp tay quốc đất ở vùng đất hứa
Đó là câu nói mà Thành An và Mỹ Thuận thường bảo nhau khi đối mặt với khó khăn trong những ngày đầu sinh sống tại nơi ở mới. Từ thực tế đến ngôi vườn cổ tích là một khoảng cách xa với. Khoảng cách đó được đo bằng những nỗ lực của cả hai thành viên. Mỹ Thuận và Thành An tập làm quen với tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống mới của chính mình.
Trang trại của hai bạn trẻ cách trạm y tế tầm 30 phút đi xe, cách chợ gần nhất cũng khoảng 4km, hàng hóa cũng không phong phú. Dân cư thưa thớt, nguồn điện yếu, chỉ đủ để thắp sáng, sóng điện thoại chập chờn, nước sạch cũng không dồi dào như ở đồng bằng. Mỹ Thuận và Thành An tập làm quen với tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống mới của chính mình bằng cách biết bằng lòng với thực tại và thực tập đời sống tối giản hơn.
Mỹ Thuận vốn xuất thân từ một gia đình nông thôn nên công việc vườn tược đã thạo nhưng với một chàng trai sinh ra và lớn lên ở thành phố như An thì cuốc đất, làm cỏ, kéo phân là những trải nghiệm hết sức lạ lẫm. Lần đầu làm việc, tay An bị sưng phồng lên, phải tạm dừng công việc vài ngày mới có thể bắt đầu lại mọi thứ. Khoảng thời gian đó thực sự đặc biệt với cả hai.
Thanh An vẫn còn nhớ như in những bước đầu tiên khi tập làm nông dân: "Tôi bắt đầu với mọi việc cơ bản nhất từ cuốc đất, bón phân, nhổ cỏ cho đến nhân giống cây trồng. Tuy không quá phức tạp nhưng để quen với những công việc đồng áng này ít nhiều đều cần sự nỗ lực, chịu khó".
Không chỉ khó khăn về việc làm sao để có thể thích nghi và tài chính cũng là lực cản không nhỏ của cả hai. Mỹ Thuận tâm sự: "Điều khó khăn nhất lúc đó là tài chính quá eo hẹp. Số tiền mua đất ban đầu một phần do tích góp, một phần do cha mẹ giúp đỡ nên khi đến đây sinh sống thì đã không còn tiền. Lúc ấy, mình phải vay mượn bạn bè để có tiền chi trả cho sinh hoạt và mua giống cây, phân bón phục vụ sản xuất".
Cả hai xác định vừa làm, vừa tích lũy, lấy ngắn nuôi dài, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên có sẵn trong khu đất đã mua. Trời không phụ công người, mọi thứ đã phát triển thuận lợi như mong muốn của Thuận và An. Trong 10ha đất đang sở hữu, An và Thuận dành 2ha để trồng cà phê, 2ha trồng hạt macca, diện tích còn lại dành cho các loại cây ăn quả có lợi nhuận cao như mít, chuối, bơ, sầu riêng…
Với diện tích đất trồng rộng lớn, nhiều người nghĩ hai vợ chồng sẽ phải làm việc từ sáng tới tối, vất vả ngoài vườn. Nhưng thực tế, thời gian làm việc của Thành An và Mỹ Thuận có thể khiến những người đó bất ngờ. "Một ngày chúng mình làm việc từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ, chủ yếu là để trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản. Chúng mình ít khi mướn thêm người làm, chỉ khi cần thu hoạch trong ít ngày hay phải làm ngay thì chúng mình mới cần đến thôi", Mỹ Thuận chia sẻ.
Nhìn lại cuộc sống một năm tại nơi núi rừng Tây Nguyên, hai bạn trẻ đều cảm thấy hài lòng khi mỗi ngày được ngắm nhìn cây cối xanh tươi, được tận hưởng giấc ngủ trong không gian mát lành, thưởng thức những cốc cà phê giữa thiên nhiên tràn đầy sức sống và còn nhiều thú vui khác nữa.
Không chỉ có bình yên trong khu vườn địa đàng
Đây chẳng là điều bất ngờ với cả Thành An và Mỹ Thuận. Tốt nghiệp đại học và có một công việc với mức lương có thể cho hai người cuộc sống ổn định nơi ở Sài Gòn, nhiều người cho hai người là "khùng", không biết suy nghĩ, thậm chí còn có những hoài nghi về lý do họ về vườn.
Trên mạng xã hội, bên cạnh những bình luận bày tỏ sự thích thú với cuộc sống của hai vợ chồng, còn có những bình luận phê phán về lối sống "an nhàn" mà hai người đang có. "Ai cũng sống như vậy thì lấy ai xây dựng và phát triển đất nước", Mỹ Thuận chia sẻ.
Nhưng với quan điểm sống rõ ràng, Thành An và Thuận Mỹ luôn tin tưởng vào con đường đã lựa chọn. "Mình đã ước mơ có một cuộc sống bình dị như này từ lâu và cả hai đều cảm thấy hạnh phúc thì không có gì đáng bàn. Còn ai đó nói mình sống "an nhàn" thì do họ chưa hiểu. Nếu làm nông nghiệp mà an nhàn thì còn công việc gì vất vả nữa. Lựa chọn về quê, làm vườn và vẫn đóng góp cho đất nước theo cách riêng của mình. Đâu phải cứ phải chọn công việc áp lực, lương cao mới là đóng góp đâu", Mỹ Thuận nói.
Và cũng theo Thuận và An, xu hướng bỏ phố về quê sinh sống là một điều tốt, giúp phát triển kinh tế những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa mà lại không phải chịu những áp lực lớn như trên thành phố. Tuy nhiên, với mỗi người, xu hướng này có nên hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện gia đình, mong muốn thực sự của bản thân, khả năng tài chính,...
Thành An chia sẻ: "Điều kiên quyết nhất là bạn phải thực sự muốn chứ không phải chỉ vì trào lưu hay chốn tránh áp lực. Và nếu đã thực sự muốn rồi thì hãy cứ làm đi. Mình còn trẻ, còn có cơ hội làm lại. Đừng để mai sau phải nuối tiếc vì bất kỳ điều gì".
Vừa qua, cả hai đã cùng nhau tổ chức một đám cưới đặc biệt tại khu đất của chính mình gầy dựng. Bố mẹ và những người bạn thân đã rất bất ngờ khi nhìn thấy cuộc sống của cả hai. Trái với những suy đoán ban đầu, nhiều người còn cho rằng đây là một cuộc sống "đáng mơ ước" mà họ mong mỏi.
An và Thuận cho biết họ sẽ tiếp tục trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống nơi đây cho đến khi cảm thấy không tìm thấy niềm vui ở nơi này nữa. Nhưng thời gian đó có thể rất lâu hoặc không bao giờ xảy ra. Trên mảnh đất rộng rãi của mình, còn nhiều diện tích đang bị bỏ hoang đang đợi Thành An và Mỹ Thuận đến cải tạo và khoác lên chúng bộ cánh mới với màu xanh tươi của cây trái và những bông hoa xinh thêm sắc cho đời.
Cuộc đời vốn có nhiều dị thường. Nhiều người trẻ nỗ lực hết sức để có thể bám trụ ở chốn thành thị còn An và Thuận lại chọn lối rẽ ngược lại. An và Thuận cho rằng điều quan trọng nhất mà cả hai muốn gửi gắm đến mọi người là: "Đôi khi, hãy dừng lại và tự hỏi: "Giá trị và chất lượng cuộc sống mà bạn hướng đến là gì?". Nếu tìm được câu trả lời thì hãy mạnh mẽ và theo đuổi đến cùng. Cuộc sống dù tiện nghi hay thiếu thốn thực ra để hạnh phúc vẫn do cách nghĩ, điểm nhìn của chính mỗi người mà thôi".
Đang có công việc ổn định với thu nhập hơn 20 triệu/tháng, Thanh An và Mỹ Thuận đã quyết định rời thành phố để lên Tây Nguyên sinh sống. Họ đã cùng nhau vượt qua mọi thử thách để biến ước mơ về một ngôi vườn địa đàng trong những câu chuyện cổ tích thành sự thật. Hành trình đó có nhiều gian nan, vất vả nhưng bao trùm là sự lãng mạn và nhiệt huyết của tuổi trẻ.