Cứ mỗi dịp Tết đến, theo phong tục truyền thống của người Việt, trẻ nhỏ thường được người lớn mừng tuổi. Tiền mừng tuổi trước kia thường là tiền lẻ, tiền mới, mệnh giá tiền không cao. Số tiền ấy chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng của người lớn phát lộc cho con trẻ với lời chúc mạnh khở, ngoan, học giỏi, may mắn… Tuy vậy, trẻ nhỏ lại có được một khoản thu nhập đột xuất từ tiền mừng tuổi.
Những năm gần đây, tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ thường lớn hơn. Mệnh giá tiền mừng tuổi cũng được đưa lên "bàn cân" đánh giá khiến trẻ nhỏ không thích nhận tiền lẻ. Chính bởi vậy mà số tiền mừng tuổi trong mấy ngày Tết của con trẻ những năm gần đây thường rất lớn. Sau Tết có, trường hợp trẻ "thu hoạch" được vài triệu tới cả chục triệu đồng…
Làm thế nào để cha mẹ quản lý được số tiền mừng tuổi của con được tốt không phải bố mẹ nào cũng để ý đến. Chuyên gia tâm lý Hồng Hương – thường trực Thư viện Lưu trú (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, để trẻ giữ số tiền lớn với những đứa trẻ còn quá nhỏ chưa biết quản lý tiền là điều không tốt. Trẻ nhỏ có thể sẽ làm rơi vãi, bị bắt nạt để cướp hoặc dùng tiền tiêu phá hoang phí. Thậm chí là trẻ còn có thể gặp nguy hiểm bởi kẻ gian nếu biết trong túi trẻ có số tiền mừng tuổi quá lớn.
Tuy nhiên không ít cha mẹ lại quan niệm rằng "trẻ con chưa biết tiêu tiền", không nên nói chuyện tiền nong với trẻ… rồi mặc nhiên coi khoản tiền mừng tuổi của con là thuộc quyền sở hữu của mình. Cha mẹ tùy ý sử dụng mà không cần giải thích bất cứ điều gì với con. Suy nghĩ này không hẳn đã đúng.
Cha mẹ hãy cùng con tổng kết số tiền dù ít hay nhiều đã nhận được sau Tết. Sau đó hãy trao đổi xem con muốn gửi bố mẹ hay tự quản?. Dự định giữ tiền để làm gì.
Khoản tiền mừng tuổi có thể là công cụ tuyệt vời để cha mẹ dạy con những bài học đầu đời về tiền bạc, chi tiêu, tiết kiệm hay cách chia sẻ với người khác. Trong Cuốn sách "Rich Dad, Poor Dad" (Cha giàu, cha nghèo) của nhà văn Robert Kiyosaki có nhấn mạnh rằng: "Nếu cha mẹ không dạy trẻ về tiền bạc và để chủ nợ, những kẻ trục lợi, thậm chí là những kẻ lừa đảo thay thế bạn dạy chúng, thì tôi e rằng chúng ta sẽ phải trả một cái giá không nhỏ".
Cách quản lý tiền mừng tuổi của con cũng sẽ theo từng độ tuổi.
+ Với trẻ học tiểu học, trung học cơ sở, số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng, cha mẹ hãy để cho con được vui với số tiền đó. Thay vì cấm đoán cầm tiền hãy hướng dẫn con chi tiêu hợp lý. Với số tiền lớn, cha mẹ cần thống nhất, thỏa thuận với con để "giữ hộ" và cam kết khi con cần chi tiêu cha mẹ sẽ giúp con sử dụng đồng tiền đó.
Cha mẹ có thể tạo cho trẻ "một sổ tiết kiệm" bằng cách ghi rõ khoản tiền có được trên một tờ giấy cùng những hình ảnh sinh động. Trẻ sẽ có cảm giác như mình đang được sở hữu.
+ Trẻ lớn hơn từ học sinh THCS trở lên cha mẹ định hướng để con có kỹ năng quản lý tài chính mà không phải theo lớp học kỹ năng sống nào. Cha mẹ cần dạy con quản lý tài chính từ sớm bởi nếu được dạy cách dùng tiền theo lứa tuổi, trẻ sẽ biết dùng tiền lì xì như thế nào cho hợp lý. Từ đó giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền cũng như có ý thức tiết kiệm, tránh chi tiêu hoang phí về sau.
Thay vì giữ tiền của con, cha mẹ nên lập trình thói quen quản lý tài chính cho trẻ bằng cách khéo léo dạy con chia số tiền ra dù ít hay nhiều. Nên chia theo quy tắc 6 chiếc hũ gồm nhu cầu thiết yếu, giáo dục, hưởng thụ, cho đi, tự do tài chính và tiết kiệm dài hạn. Đây là cách kiểm soát thu chi hiệu quả mà nhiều triệu phú đã áp dụng.
Nếu trẻ có dự định "nuôi heo đất" để sau có thể tự mua máy tính xách tay, mua quần áo, xe đạp điện để đi học cho tiện… cha mẹ nên ủng hộ. Trong trường hợp con chia sẻ dự định mua sắm những thứ đồ dùng không phù hợp lứa tuổi, cha mẹ cần tư vấn để thay đổi ý định chứ đừng cưỡng đoạt tiền mừng tuổi của con.