Cô bé 10 tuổi đã được nhận vào đại học, cuộc sống sau đó khiến ai cũng bất ngờ

Rất nhiều người tò mò muốn biết được cuộc sống của cô bé thần đồng bị người cha “ép chín sớm” bây giờ như thế nào.

Cô bé 10 tuổi đã được nhận vào đại học, cuộc sống sau đó khiến ai cũng bất ngờ - 1

Năm 2017, Trương Nghĩa Văn, một cô bé 10 tuổi ở Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được nhận vào Học viện Công nghệ Thương Khâu nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Cha của cô bé, ông Trương Mẫn Đào nói rằng, hy vọng con gái sẽ tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi 20, sau đó nghiên cứu khoa học và bước vào “thế giới thượng lưu”.

Cô bé 10 tuổi đã được nhận vào đại học, cuộc sống sau đó khiến ai cũng bất ngờ - 2

10 tuổi đã vào đại học, đây là điều không tưởng với người bình thường nên Trương Nghĩa Văn được mọi người mặc định là thần đồng. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện ra cách dạy con của người cha đã vô tình tước đi cuộc sống đơn thuần của một đứa trẻ lúc đó.

Khi 4 tuổi, Trương Nghĩa Văn được cha gửi đi học mẫu giáo, nhưng chỉ trong 1 tháng ông tin rằng nơi này không thể giáo dục được con gái mình. Vì thế, ông quyết định để con gái học tại nhà.

Cô bé 10 tuổi đã được nhận vào đại học, cuộc sống sau đó khiến ai cũng bất ngờ - 3

5 tuổi, cha của Trương Nghĩa Văn nhận thấy con gái mình nên được học chính thức nên đã tìm hiểu các khóa học online. Cứ như thế, cô bé học tại nhà suốt 5 năm. Năm 2016, lúc này cô bé đã 9 tuổi và được cha cho đăng ký thi thử đại học, đáng tiếc là không đậu. Năm 2017, cô bé đạt 352 điểm, đậu vào Học viện Công nghệ Thương Khâu, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật thông tin, hệ đại học 3 năm.

10 tuổi, đáng nhẽ là độ tuổi dành cho những đứa trẻ bình thường bước vào lớp 4. Thế nên, thông tin về Trương Nghĩa Văn nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người. Vào thời điểm đó, mọi người lo lắng liệu cô bé nhỏ như vậy có thể sống tự lập trong môi trường đại học hay không. Đặc biệt, họ phản đối cách người cha đào tạo con gái mình theo cách “ép chín sớm” như vậy.

3 năm trôi qua, được biệt Trương Nghĩa Văn đã tốt nghiệp đại học vào tháng 7 năm 2020. Ngày 4/9, một nhân viên tại Học viện Công nghệ Thương Khâu đã xác nhận thông tin này với phóng viên và nhận xét tình hình học tập của cô bé: “Điểm số ở mức trung bình và hòa đồng với các bạn trong lớp”.

Cô bé 10 tuổi đã được nhận vào đại học, cuộc sống sau đó khiến ai cũng bất ngờ - 4

Vì sự chênh lệch tuổi tác khá lớn so với các bạn cùng lớp nên tư tưởng trong một số vấn đề của cô bé rất khác biệt. Cô bé ít có bạn, thường dành nhiều thời gian ở một mình. Khi ở căng tin, vì nhỏ bé nên thường được một số anh chị chủ động giúp đỡ.

Cô bé học chuyên ngành liên quan tới máy tính, nếu muốn học lên cao cần phải học Toán và tiếng Anh, nhưng cô bé tương đối yếu 2 môn này. Có thể nói rằng, từ khi bước chân vào môi trường đại học, thành tích của cô bé rất nhạt nhòa trong lớp.

Cô bé 10 tuổi đã được nhận vào đại học, cuộc sống sau đó khiến ai cũng bất ngờ - 5

Sau khi tốt nghiệp, tại sao Trương Nghĩa Văn không tiếp tục việc học của mình, hiện tại cô bé đang làm gì, có hài lòng với con đường do cha mẹ sắp đặt không và có dự định gì cho tương lai? Phóng viên đã liên hệ với cha của cô bé, ông nói với phóng viên rằng con gái mình hiện đang làm trợ lý trong một lớp học online. Cô bé không sẵn lòng trả lời phỏng vấn mà chỉ có người cha đứng ra thay mặt.

PV: Việc Trương Nghĩa Văn làm trợ giảng trong lớp học online là lựa chọn của cô bé hay sự sắp xếp của cha mẹ?

Ông Trương Mẫn Đào: Đó là kết quả sau khi cả gia đình trao đổi cùng nhau. Sau khi tốt nghiệp, con bé cân nhắc 3 lựa chọn: 1 là cùng một người bạn đến nước khác làm việc, 2 là làm việc tại địa phương, 3 là tham gia một lớp học online.

PV: Sở dĩ giáo dục bắt buộc 9 năm là để phù hợp với quy luật phát triển của con người, nó đã có tính kiểm nghiệm và khoa học. Một số cư dân mạng đặt câu hỏi rằng ông đang kiểm soát con mình, giết chết tuổi thơ và tước quyền đi học bình thường của một đứa trẻ. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trương Mẫn Đào: Nói một cách chính xác đó là hướng dẫn hơn là kiểm soát. Bản thân tôi làm công tác trong ngành giáo dục, thực tế là tôi đang hướng dẫn con mình trong tầm kiểm soát. Điều này không chỉ có thể kết thúc việc học càng sớm càng tốt, mà còn khiến con cái biết phấn đấu để nâng cao lý tưởng cao cả và ý thức trách nhiệm xã hội. Tất nhiên bây giờ vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

PV: Trương Nghĩa Văn là người có tính cách như thế nào, cô bé có tỏ ra trưởng thành hơn so với các bạn cùng trang lứa không? Cô bé có hài lòng với trải nghiệm trưởng thành của chính mình không?

Ông Trương Mẫn Đào: Hướng nội. Trước tuổi dậy thì, tính con bé tương đối ôn hòa, nhưng bây giờ hơi hướng nội. Điều này có thể liên quan đến gia đình, tôi và ông nội con bé cũng đều là người hướng nội. Con bé tỏ ra trưởng thành hơn so với các bạn cùng lứa tuổi trong suy nghĩ và cách làm.

Các quan điểm thông thường của xã hội đang chống lại, chế giễu và chỉ trích chúng tôi. Con bé nghĩ rằng cha mẹ đã đưa mình vào con đường sai lầm, biến nó thành một con người khác. Tôi sẽ đợi thêm 6,7 năm nữa, sự va vấp ngoài xã hội cùng với những kiến thức sớm học được sẽ giúp con bé biết đâu là điều gì tốt cho mình.

PV: Vào đại học năm 10 tuổi, cô bé đã đánh mất cơ hội giao lưu với những đứa trẻ cùng trang lứa, ông có hối hận không? 

Ông Trương Mẫn Đào: Con bé cảm thấy cô đơn, nhưng tôi nghĩ bản thân cô đơn không hẳn là một điều xấu, nhiều người thành đạt đều cô đơn đó sao. Con bé có ít bạn bè và không tiếp xúc nhiều với các bạn đồng trang lứa. Sức khỏe tinh thần tương đối khỏe mạnh, bình an, vui vẻ. 

PV: Mối quan hệ của cô bé và cha mẹ hiện tại thế nào?

Ông Trương Mẫn Đào: Con bé không nghe lời và có phần nổi loạn.

PV: Cô bé được nhận vào Học viện Công nghệ Thương Khâu khi mới 10 tuổi. Một số người đã gọi cô bé là thần đồng. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trương Mẫn Đào: Đây là một trường hợp tương đối thành công, nhưng chắc chắn là sai khi nói rằng đó là thần đồng. Tôi nghĩ trí thông minh của con gái mình ở mức trung bình, nhưng vì cách giáo dục của tôi khác biệt nên mới khiến con bé nổi bật như vậy.

PV: Nghe nói ông cũng có con trai, ông có muốn giáo dục như con gái của mình không?

Ông Trương Mẫn Đào: Tôi có 2 con. Con trai tôi năm nay 10 tuổi, cháu cũng đang học lớp đào tạo của tôi, hiện đang học cấp ba. Chúng tôi dự định dành 3 năm để thằng bé hoàn thành bậc trung học, mục tiêu là vào Đại học Giao thông Tây An khi 13 tuổi.

Lý do khiến 2 đứa trẻ đi theo con đường giáo dục khác nhau là chúng tôi không muốn bỏ trứng vào cùng một giỏ. Việc giáo dục con trai và con gái phải có sự khác biệt, tôi hy vọng rằng con trai mình sẽ bước ra thế giới và con gái tôi sẽ kế thừa nền giáo dục của gia đình. Tất nhiên, cuối cùng tôi sẽ tôn trọng sự lựa chọn của các con.