Từng là quán quân một cuộc thi ảnh quốc tế khi mới 17 tuổi, Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1996, Hà Nội) quyết định du học tại Đức để học hỏi được nhiều hơn. Hiện cô bạn là CEO công ty riêng khá có tiếng ở Hà Nội.
Hơn 10 năm đam mê nhiếp ảnh, Nhung cho biết mê mẩn máy ảnh từ khi học lớp 8, từ đó luôn ghi lại những hình ảnh quanh mình. Tốt nghiệp THPT, cô bạn từng đi chụp ảnh miễn phí cho các nhãn hàng thời trang để xây dựng hình ảnh cá nhân.
Cách đây 7 năm, Hồng Nhung giành giải quán quân cuộc thi ảnh quốc tế "Photo Face-off" ở Việt Nam khi mới 17 tuổi. Đây là cuộc thi nhiếp ảnh đầu tiên cô tham gia, không kỳ vọng nhiều mà chỉ mong được hỏi học mọi người. Khi đó, tham gia cuộc thi với ekip hầu hết là người nước ngoài nên họ không gọi được tên Nhung mà hay gọi là "Rose Ng”.
Sau đó, để theo đuổi đam mê một cách bài bản, Nhung quyết định du học hơn 3 năm tại Hamburg (Đức) chuyên ngành Visual Communication & Design. Biết 4 ngoại ngữ, cô gái 9x đang mở công ty riêng về sản xuất hình ảnh và đào tạo nghệ thuật.
Hiện tại, kênh TikTok riêng của Nhung là nơi chia sẻ những kỹ năng và kiến thức, thu hút đông đảo các bạn trẻ theo dõi. “Câu hỏi mình thường gặp phải nhất từ các học viên: Biết là nghệ thuật cần cảm hứng, nhưng cảm hứng từ đâu ra? Nói đến câu chuyện cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, mình lại nhớ những ngày còn đi học, tự do vi vu đi trên mọi nẻo đường châu Âu, lúc nào cũng nhiệt huyết tràn đầy, ý tưởng dồi dào, rồi mình nghĩ: Phải đi nhiều, trải nghiệm thật nhiều mới có cảm hứng sáng tạo, ngồi một chỗ làm sao có được ý tưởng? Có lúc, mình cạn kiệt ý tưởng mới.
Thế nhưng, bây giờ khi phải quản lý và vận hành, làm việc theo team, phải có trách nhiệm với nhiều người, mình nhận ra cảm hứng có ở mọi nơi nếu chủ động tìm kiếm, ngay cả khi dịch bệnh phải ở nhà với 4 bức tường, có thể từ các bảo tàng thực tế ảo, yêu thích cây cối, vài ba câu chuyện phiếm với bạn bè, hoặc từ những câu hỏi của học viên... Mình chủ động tìm kiếm ý tưởng trong từng câu chuyện đời sống hằng ngày, mình không đợi nó chợt tới nữa!”
COVID-19 quả thực đã làm chao đảo cả thế giới, không chỉ riêng mình ai hay đơn lẻ ngành nghề nào. Bản thân Nhung cũng gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là ở thời điểm đầu chưa thích nghi được, nhưng năm vừa rồi cũng giúp cô học hỏi và trưởng thành hơn nhiều.
Dù công việc năm qua hầu như bị đình trệ nhưng với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, Nhung mở thêm mảng tư vấn tiếp thị truyền thông xã hội cho các thương hiệu, tập trung thêm mảng giáo dục và là đối tác với các MXH. Hiện tại đều đang chạy rất ổn định.
Dịch bệnh quay đi quay lại khiến kế hoạch hôm nay lên mai lại phải thay đổi, không có kế hoạch chắc chắn cho cả năm và cũng là hạn chế cho những người làm sáng tạo như Nhung, không được đi đâu để tìm cảm hứng mới.
Ban đầu, cô bạn cũng rơi vào stress, thế nhưng, khi hiểu rằng không thể thay đổi môi trường trong ngày một ngày hai, chỉ còn cách thích nghi, Nhung nhận thấy tiềm năng của truyền thông xã hội nên chuyển hướng tập trung sản xuất vào những sản phẩm hình ảnh: ảnh/ clip ngắn phù hợp tối ưu với Instagram, Facebook hay TikTok, tất cả đều có thể tự sản xuất chỉ với 2-3 nhân sự.
Đồng thời, tối ưu hoá công việc qua các phần mềm làm việc online để làm tại nhà hiệu quả. Khi thay đổi góc nhìn về sự việc và bình tĩnh nhìn nhận, sẽ thấy không có gì là quá tệ hay không thể giải quyết, cân bằng được.
“Quan trọng là có thực sự muốn tìm cách và học hỏi hay không, nên trong mọi tình huống, mình luôn tự dặn lòng: Ngừng than vãn, chán nản mà hãy tìm cách giải quyết! Thời gian này, cách dễ nhất để refresh bản thân là ở nhà, mở studio tại gia hoặc lớp học online và “nuôi dưỡng” một thứ gì đó, có thể là cây cối, thú cưng hay đơn giản chỉ là sở thích của mình.
Từ ngày COVID-19, mình chủ yếu “Work from home”, làm việc từ xa nhiều hơn, từ đó thấy nhiều cái hay, đặc biệt đối với người làm sáng tạo như mình. Sau một thời gian, mình chọn đây là cách làm việc chính, khi mọi thứ đã dần vào guồng, mình có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Vậy nên, đôi khi không phải do cuộc sống hay công việc quá căng thẳng, bề bộn khiến ta stress mà đơn giản chỉ vì chưa tìm ra hướng tích cực hơn, sắp xếp lại một cách khoa học.
Bản thân Nhung cũng từng bị stress nhiều do công việc cũng như mạng xã hội, nên cách đơn giản nhất chính là nhờ các công cụ hỗ trợ, từ đó sẽ có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hay làm những điều mình thích như vẽ tranh, trồng cây… áp dụng như cách thanh lọc tâm trí, kiểm soát mọi thứ bởi một khi tâm trí không còn những suy nghĩ độc hại, thì hành động hay suy nghĩ của mình cũng tích cực lên."
Làm việc với nhiều người trẻ và bản thân cũng thuộc thế hệ Gen Z, cô gái start-up trong “thế giới phẳng” chia sẻ: “Gen Z so với thế hệ 7x, 8x cũng không hẳn có lợi thế hơn, bởi mỗi thời mỗi khác, đi kèm với nhiều công cụ hỗ trợ là vô vàn sự cạnh tranh và thay đổi không ngừng nghỉ của thị trường mà 9x hay Gen Z phải đối mặt, thích ứng".
Dưới góc độ một startup, sau một thời gian làm việc với các bạn trẻ, Nhung cho biết: Gen Z rất sáng tạo, rất cởi mở với những ý tưởng mới, bắt trend rất nhanh nhưng đồng thời dễ thiếu sự thấu hiểu khách hàng. Bởi họ được sinh ra trong thời đại công nghệ số nên việc học hỏi qua mạng hay thiết bị là điểm mạnh. Nhưng MXH hay Internet lại gây ra nhiều hệ luỵ đến tâm lý cho giới trẻ hiện đại từ dư luận hay những nguồn thông tin tiêu cực khó kiểm soát.
Chính vì sáng tạo và tự tin nên họ có cái tôi rất cao và luôn muốn nêu lên quan điểm cá nhân, sẵn sàng bảo vệ đến cùng quan điểm đó. Từ đó, họ sẽ đầu tư nhiều chất xám cho một dự án để chứng minh năng lực bản thân, nhưng đồng thời bởi sự thiếu kinh nghiệm, đôi khi những ý tưởng sẽ phi thực tế. Họ có thể hay tranh luận hay bị kéo theo những cảm xúc tiêu cực, bất ổn tâm lý nếu tình trạng sự việc quá căng thẳng.
Thêm vào đó, Gen Z khi cống hiến thì hết mình, toàn tâm toàn lực, nhưng phải đi đôi với quyền lợi xứng đáng. Họ không ngại khó, không ngại khổ, quan trọng trên tất cả là bản thân thu lại được gì sau mỗi công việc hay dự án, đó có thể không phải là kinh tế, mà ở kiến thức hay kinh nghiệm, công việc đó liệu có giúp ích gì trong tương lai hay sẽ học được gì sau công việc này… Thế nên điều này cũng khiến Gen Z dễ dàng chuyển hướng trong công việc cũng như quyết định nếu họ có lựa chọn đem lại nhiều quyền lợi hơn.
Cô bạn cho biết bất kỳ start up trẻ nào đều gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng với Nhung là một người trẻ “đá xéo" sân, thì có lẽ trăn trở nhiều hơn.
“Nếu nói thành công, mình chỉ thành công với bản thân mình của ngày hôm qua thôi, nhìn lại thì có một số trắc trở trên con đường start up giúp mình nhận ra nhiều bài học.
Sản phẩm của công ty mình gần như mới trên thị trường, mô hình rất mới. Và cái gì mới cũng phải đi dò đường chứ không có hình mẫu để học tập. Mình cũng tự lập từ khá lâu nên khi phát triển công ty cũng không xin hỗ trợ từ gia đình mà cố gắng tự gồng gánh, xem khả năng bản thân. Đó là câu chuyện con gà quả trứng, phải có người làm mới nhận dự án, nhưng phải có dự án mới nuôi được nhân viên. Vậy nên mình luôn trong tình trạng vừa thiếu nhân sự vừa thiếu dự án.
Ngoài ra, Gen Z có nhiều cơ hội nên họ sẵn sàng nhảy việc rất nhanh, để giữ chân những nhân sự tốt cũng khá căng thẳng vì start up mô hình nhỏ, chỉ cần nghỉ một lúc vài người đã ảnh hưởng đến rất nhiều dự án. Làm thế nào để khiến các bạn luôn cảm thấy được học hỏi và truyền cảm hứng, tạo ra một môi trường thân thiện là điều mình luôn suy nghĩ.
Để vượt qua, tổng kết lại là luôn nỗ lực không ngừng và xác định được mục tiêu bản thân. Mỗi khi cảm thấy mệt, nản, mình đều ngồi xuống, nghĩ lại về motto cuộc đời mình: Tạo ra một cộng đồng sáng tạo văn minh, mang đến những sản phẩm sáng tạo thuần Việt, và xây dựng một môi trường làm việc thân thiện cho những nhà sáng tạo trẻ. Vậy là được sạc đầy bình năng lượng!”
Không chỉ đam mê công việc, Hồng Nhung còn rất nhiệt tình với những hoạt động xã hội. Bản thân cô rất thích tham gia các dự án cộng đồng, thiện nguyện, trao học bổng cho các bạn học sinh vùng cao…
Hồng Nhung cùng các cầu thủ Văn Quyết, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu trong một dự án dành cho các bệnh nhi
Khi đồng hành cùng dự án “Con sẽ chiến thắng” dành cho các bệnh nhi ung thư tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hồi cuối tháng 4 vừa qua, Nhung rất xúc động, bởi được lắng nghe câu chuyện của các em nhỏ, nhìn thấy các em dù có bệnh vẫn tích cực đầy sức sống khiến bản thân thấy rất nhỏ bé so với cuộc chiến của các em.
Và cũng rất vui vì làm được những điều có ích, mang lại những hình ảnh đẹp, niềm hạnh phúc và thời gian vui vẻ, ghi lại những kỷ niệm, như một món quà nhỏ tiếp thêm động lực cho các em trên chặng đường nhiều vất vả phía trước. Từ đó, thấy trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội, tuy góp công sức nhỏ nhoi, nhưng luôn muốn chia sẻ với cộng đồng những câu chuyện cảm động.
Trong tương lai, Nhung và team sẽ tham gia vào nhiều dự án cộng đồng hơn nữa, muốn hướng đến nhóm người trẻ sáng tạo văn minh và tích cực cho xã hội. Cô gái trẻ ấp ủ những dự án đưa giáo dục nghệ thuật và sáng tạo tới trẻ em vùng sâu vùng xa, vừa mang đến niềm vui tinh thần cho các em, quan trọng hơn nữa là hướng dẫn những công cụ quảng bá và chia sẻ hình ảnh văn hoá, du lịch địa phương, giúp chính các em xây dựng quê hương mình.