Mika Kuramoto là cựu tiếp viên hàng không của hãng JAL Nhật Bản, sau khi kết hôn, cô đến New York định cư cùng chồng và bắt đầu kinh doanh. Họ sinh một đứa con gái tên là Chiri nhưng ngay từ khi chào đời, người chồng vừa định chụp khoảnh khắc hạnh phúc này thì bị bác sĩ hét lớn: “Đừng chụp ảnh. Đứa bé không thể mở mắt được”. Quá bất ngờ trước câu nói của bác sĩ nhưng sau đó họ dần dần hiểu được lý do.
Sau khi sinh, bác sĩ phát hiện Chiri bị hội chứng không phát triển nhãn cầu, tức là em bé không có mắt và tỷ lệ này xảy ra 1/120.000 người. Kể từ đó, cuộc sống của cô bé chìm ngập trong bóng tối. Ngoài ra, mũi và miệng của cô bé cũng chưa phát triển hoàn thiện, tim có lỗ thủng, mũi cong quá mức gây khó thở, cổ họng bị amidan phì đại.
Mika Kuramoto cho biết: “Nhìn thấy con gái như vậy, tôi rất đau lòng, nhiều lúc còn nghĩ đến việc ôm con nhảy sông để giải thoát mọi sự đau khổ”.
Cô rất sợ hãi khi phải tự nuôi con ở Mỹ trong hoàn cảnh như vậy. Cuộc sống cứ vậy bế tắc từ ngày này sang ngày khác. Nhưng rồi sau đó, con gái cô đã vực dậy cuộc sống của mẹ mình.
“Một hôm khi tôi đang bật bản nhạc yêu thích thì Chiri khua chân múa tay trong bụng. Lúc đi siêu âm, con bé lấy tay che mặt nên tôi không biết được. Tôi nghĩ con bé âm thầm nhắn nhủ: Mẹ ơi, con muốn đến với thế giới này. Con xin lỗi vì sự ích kỷ của mình”, Mika nhớ lại.
Mika nghĩ rằng, bản thân không thể cứ như vậy mãi mãi. Con gái cô không có lỗi, vì thế cô càng hạ quyết tâm phải cố gắng hết sức để cứu chữa cho con gái mình. Hai vợ chồng bắt đầu đưa Chiri đi khắp nơi chữa bệnh, cô bé được lắp mắt giả để tránh tình trạng teo xương mặt.
Sau hơn 30 ca phẫu thuật, tình trạng của Chiri có tiến triển tốt nhưng cô bé vẫn không thể nhìn thấy khuôn mặt của mình. Mặc dù vậy, bệnh tình của cô bé tốt hơn, hai vợ chồng từng bước vượt qua khó khăn sau cuộc phẫu thuật. Cô bé cũng được cho đi học tại một trung tâm giáo dục đặc biệt ở Mỹ.
Từng có ai đó đã nói với cô rằng, để những đứa trẻ không có nhãn cầu đeo mắt giả là rất ích kỷ. Điều này khiến cô cảm thấy rất buồn, cảm giác như bản thân thực sự tàn nhẫn khi nuôi dạy Chiri. Nhưng rồi cô nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Cô bắt đầu viết sách chia sẻ lại quá trình nuôi dạy Chiri, hy vọng rằng những kinh nghiệm của mình sẽ hữu ích cho những bậc cha mẹ đang chăm sóc trẻ em khuyết tật.