Con xin ôn thi lại vì không đỗ ĐH top đầu
Mỗi mùa tuyển sinh đại học đến là lúc phụ huynh lẫn học sinh trải qua cảm xúc vui buồn lẫn lộn vì kết quả thi. Việc tìm “bến đỗ” cho 4 năm đại học là điều bậc cha mẹ quan tâm hàng đầu trong thời gian này, đặc biệt là khi con mình không đạt được điểm số như ý muốn. Mới đây một bức thư của người đàn ông có con thi ĐH đã gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo người cha này, con trai mình học rất giỏi trong lớp chọn tại trường trung học trọng điểm nhưng lại không đỗ trường top 1 cả nước là ĐH Thanh Hoa. Vậy nên anh rất bối rối không biết nên cho con ôn thi lại hay nhập học tại một trường ĐH top thấp hơn. Nội dung lá thư cụ thể như sau:
“Khi vừa có kết quả thi, con tôi nhốt mình trong phòng vô cùng chán nản, không ăn uống nhiều. Tôi không biết phải làm gì để an ủi cháu. Vợ chồng tôi đều là những người có trình độ học vấn không cao, trước nay đều cố gắng để lo cơm ăn áo mặc cho các con. Điểm của cháu chỉ hơn 600/750, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng với một đứa trẻ học lớp chọn tại trường điểm. Trong suốt 3 năm cấp 3, cháu luôn nằm trong top 3 lớp, giáo viên cũng đều nói cơ hội đỗ ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh rất rộng mở, vậy mà…
Ảnh minh họa
Bạn học cùng lớp của con tôi đều được khoảng 700 điểm nên ban đầu cháu còn có ý định phúc khảo nhưng không được. Vậy nên con tôi đang dự tính sẽ ôn và thi lại vào năm sau. Bản thân tôi không tán thành việc thi lại vì xót công sức con bỏ ra những ngày ôn thi. Từ ngày bé đến giờ con không phải đi học thêm nhưng vẫn học giỏi, ngoan ngoãn.
Vợ chồng tôi vốn có 2 con nhưng đứa lớn đã qua đời vì tai nạn năm 8 tuổi. Đứa nhỏ này vốn đã chịu áp lực lớn khi luôn cố gắng thay phần anh trai, nay lại vì áp lực thi cử khiến cho suy sụp. Tôi viết lá thư này để xin ý kiến của mọi người về việc có nên ủng hộ con thi lại không hay làm công tác tư tưởng cho đứa trẻ, nhập học ĐH khác sau đó cố gắng thi thạc sĩ vào ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh?”.
Đại học chỉ là bước đầu tiên trên con đường đời
Cây viết Lưu Na của tạp chí Người Đọc (Trung Quốc) đã phản hồi lá thư này bằng những lời khuyên đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân cô, nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng mạng. Dưới đây là bài viết của tác giả Lưu Na:
Tôi đã không kìm được nước mắt khi đọc được lá thư này vì đồng cảm với áp lực mà phụ huynh và học sinh gặp phải. Thực tế ở mỗi kỳ thi chính là điểm cao là thiểu số, những người làm bài không tốt mới là đa số.
Vài năm trước, cháu tôi là học sinh giỏi nhất lớp chọn, giành giải toán - vật lý quốc gia và cũng được giáo viên kỳ vọng đỗ ĐH Thanh Hoa. Thế nhưng kết quả kỳ thi ĐH của cô bé lại thấp hơn so với dự tính. Cháu tôi buồn bã không chấp nhận điểm số này nhưng anh chị tôi vẫn nhập học cho cô bé vào một ĐH bình thường.
Hai năm trước, tôi nghe tin cô bé đã học thạc sĩ ĐH Phúc Đán cũng thuộc top đầu Trung Quốc và đến năm nay, cháu tôi sắp nhập học tiến sĩ tại ĐH London danh giá cùng chồng sắp cưới. Bạn thấy đấy, nếu là vàng thì sẽ luôn có cách tỏa sáng, dù sau một vài lần thất bại cũng không thể cản bước chúng ta phát triển trên đường đời dài phía trước.
Ảnh minh họa
Thứ nhất, tôi khuyên bạn và con nên chấp nhận sự thật. Học sinh giỏi có thành tích thi cử không đúng phong độ là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Điểm thi của cháu vẫn là một kết quả đủ để vào một trường ĐH tốt. Đừng để cháu đắm chìm trong hối hận và trách móc bản thân mà nên tìm kiếm hy vọng trong tình huống xấu nhất. Có cha mẹ ở bên cổ vũ và định hướng, con cái sẽ nhanh chóng lấy lại sự tự tin và tiến về phía trước.
Thứ hai, tôi nhận thấy con cái quan tâm đến cảm xúc của bố mẹ mình hơn sự phán xét của người ngoài. Tất nhiên đánh giá của giáo viên hay việc tự so sánh với bạn cùng lớp cũng gây áp lực cho con trẻ nhưng phản ứng của cha mẹ quan trọng với chúng nhất. Một đứa trẻ khi cảm nhận được suy nghĩ “dù thế nào bố mẹ vẫn yêu con” sẽ sống tích cực và dễ vượt qua thất bại hơn.
Ảnh minh họa
Thứ ba, đại học chỉ là bước đầu trên con đường đời rất dài phía trước. Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bình thường nhất định phải vào một ĐH tốt mới tìm được công việc tốt và kiếm ra tiền. Nỗi ám ảnh “bắt buộc” này khiến trẻ dễ bị áp lực hơn vì với chúng nếu không đạt mục tiêu đỗ trường tốt, tương lai cũng “mù mịt” hơn.
Trên thực tế, một công việc tốt không chỉ cần bằng ĐH mà còn cần nhiều yếu tố như học tập từ thực tế, đi làm từ sớm. Nếu không thể học tập tại những ngôi trường top đầu, ai cũng có cơ hội thành công nhờ việc tự rèn luyện thêm các kỹ năng phục vụ công việc sau này.
Cuối cùng, quyết định cho con ôn thi lại hay không vẫn cần sự thống nhất giữa bạn và con trai. Dù kết quả có ra sao, cha mẹ hãy thể hiện tình yêu thương nhiều hơn trong hoàn cảnh này, để đứa trẻ không còn mặc cảm thất bại và sớm “hóa rồng hóa phượng” trong tương lai.
Theo Toutiao