Công đoàn Samsung Electronics vừa tuyên bố sẽ đình công vô thời hạn - một động thái leo thang trong cuộc xung đột hiếm hoi được cho là có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh chip của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc.
Theo ước tính, trước đó, khoảng 6.500 công nhân đã nghỉ việc vào thứ Hai để tham gia cuộc đình công kéo dài 3 ngày đòi công bằng tiền lương và điều kiện làm việc. Lee Hyun Kuk, phó chủ tịch công đoàn, đại diện cho 28.000 công nhân, tương đương 1/5 lực lượng lao động toàn cầu của Samsung, cho biết Liên minh Điện tử Samsung Toàn quốc (NSEU) đã quyết định kéo dài cuộc đình công do không thấy động tĩnh đối thoại nào từ phía tập đoàn.
“Chúng tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của người lao động”, đại diện công đoàn NSEU cho hay.
Samsung, công ty tư nhân lớn nhất Hàn Quốc, được biết đến với vai trò nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, giúp máy tính và các thiết bị điện tử khác lưu trữ thông tin. Đây cũng là nhà sản xuất chip logic hàng đầu, chỉ sau Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC).
Công đoàn cho biết họ đã đàm phán với Samsung kể từ tháng 1 về số lượng ngày nghỉ phép và tiền lương.
“Khi cuộc đình công tiếp diễn, ban quản lý sẽ cạn kiệt sức lực và cuối cùng ngồi vào bàn đàm phán”, công đoàn cho biết trong một tuyên bố.
Theo đại diện Samsung, cuộc đình công không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Phía tập đoàn sẽ nỗ lực hạn chế gián đoạn nhất có thể, đồng thời cam kết tham gia vào các cuộc đàm phán thiện chí với công đoàn.
Avril Wu, phó chủ tịch nghiên cứu cấp cao tại TrendForce, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết do mức độ tự động hóa cao trong các nhà máy và nhu cầu thực tế về lao động chân tay thấp, tác động của cuộc đình công nói trên được dự kiến là rất nhỏ.
“Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tham khảo ý kiến của người mua và người bán trên thị trường bộ nhớ và hiện tại không bên nào đặc biệt quan tâm đến vấn đề này”, bà cho biết.
Trước đó vào tháng 6, công nhân Samsung đã tiến hành đình công lần đầu tiên trong lịch sử công ty kéo dài 1 ngày. Họ yêu cầu tăng lương, cải thiện chính sách tiền thưởng và thêm 1 ngày nghỉ phép. Nhân viên bị mất lương trong thời gian đình công cũng mong muốn được bồi thường.
“Chúng tôi sẽ không quay lại cho đến khi mọi yêu cầu được đáp ứng”, ông Lee nói.
Tuần trước, Samsung báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận hoạt động lớn hơn dự kiến trong quý II, đạt 7,5 tỷ USD. Cổ phiếu công ty gần đây còn ghi nhận diễn biến tích cực nhờ nhu cầu đối với chip cung cấp năng lượng cho các ứng dụng AI.
Trong lịch sử gần 50 năm của mình, Samsung Electronics hầu như không phải đối diện với các cuộc đình công lớn do phản đối việc thành lập công đoàn. Chính sách này đến từ nhà sáng lập Lee Buyng Chul, vốn đã qua đời vào năm 1987.
Đình công lao động ở Hàn Quốc không phải là hiếm. Trước đó hồi tháng 2, hơn 10.000 bác sĩ cũng nghỉ việc để thể hiện sự bất bình với kế hoạch tăng số lượng sinh viên y khoa được nhận học của chính phủ. Mùa xuân năm ngoái, hàng ngàn công nhân xây dựng cũng biểu tình phản đối chính sách lao động của đất nước.
Theo: The New York Times