Đâu phải ai cũng sẽ có được một bạn đời hoàn hảo và trọn vẹn. Người ta vẫn thường nói mình như nào sẽ sống với người như thế, vậy nên muốn có hôn nhân đẹp thì cả hai phải đều có cốt cách tốt
Ai cũng muốn có một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Nhưng trên thế gian này, nào đâu có bạn đời và hôn nhân trọn vẹn?…
Người thấu hiểu sự việc, lòng rộng rãi thản đãng mới có thể chấp nhận sự khác biệt của bạn đời. Từng có lúc chịu bao ấm ức, từng cãi nhau bao lần, cũng có lúc tưởng chừng như mỗi người một ngả… mãi đến khi quay đầu nhìn lại, mới nhận ra rằng có một chút sóng gió mới có thể đổi lấy sự yên bình trong ngần ấy năm.
Rất nhiều người bước qua tuổi trung niên đã dần dần phát hiện ra rằng, người bạn đời kiên định bên mình thực sự là quý nhân.
Không ít cuộc hôn nhân đều trải qua quá trình như thế này: Vừa mới kết hôn thì ‘anh anh em em’. Sau 3 năm thì em lạnh lùng còn tôi xa cách. 5 năm sau thì em oán, tôi hận. Nhiều năm sau họ mới học cách đối xử tốt với nhau, dần dần giảng hòa, dần dần chấp nhận cái không hoàn hảo của hôn nhân, chấp nhận cái không hoàn hảo của bạn đời.
Vậy nên nói, hôn nhân phân thành hai nửa: nửa đoạn trước và nửa đoạn sau.
Khi trẻ tuổi là nửa đoạn trước
Nửa đoạn trước chủ yếu là tranh cãi với người ta, ví như tranh cãi với bạn đời, với mẹ chồng, với con cái… Tâm tranh đấu rất mạnh, chẳng ai chịu nhường ai. Thứ họ muốn nhận được là sự tôn trọng và tình yêu, thứ họ cần là vị trí độc nhất vô nhị trong trái tim của đối phương.
Nhưng không có ai mà cả cuộc đời thuận buồm xuôi gió, luôn luôn có những đoạn trắc trở gập ghềnh, tương sinh tương khắc, đối chọi giữa lợi ích và thành công. Khi sự việc không ngừng phát sinh sẽ làm cho mọi thứ trở nên khó khăn, khiến ta chạy hướng về nửa đoạn sau một cách gập ghềnh trắc trở.
Sau trung niên là nửa đoạn sau
Đoạn sau của hôn nhân chủ yếu là chống chọi, như chống chọi với bệnh tật, chống chọi với những trở ngại trong cuộc đời, chống chọi với tuổi cao sức yếu.
Tình cảm vợ chồng lúc này đột nhiên trở nên thân thiết một cách tự nhiên mà cả hai đều không biết không cảm thấy. Đối với khuyết điểm của bạn đời họ bắt đầu “nhìn như không thấy”, từ đó đối phương cũng trở thành một phần không thể thiếu của nhau trong việc chia sẻ niềm vui. Vậy là mãi đến khi bước vào tuổi trung niên, người ta mới dần dần lĩnh ngộ được trí tuệ của hôn nhân.
Hôn nhân của của một số cặp đôi ở thành phố lớn vì sao lại mong manh dễ vỡ? Bởi cả hai thường rất xuất sắc, rất mạnh mẽ. Họ không sẵn sàng vì đối phương mà chịu một chút khó khăn, càng không muốn vì tình yêu mà bỏ ra nỗ lực dù chỉ một chút.
Nhưng sớm muộn gì thì mỗi người đều sẽ hiểu: Con người vốn dĩ không hoàn hảo, ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có yếu nhược, đó là điều rất tự nhiên trong cuộc sống.
Chúng ta, ai ai cũng cần một nơi nương tựa gọi là “nhà”. Bởi vậy, chúng ta mới cam tâm tình nguyện chung sống cùng với người không cùng huyết thống, chỉ dựa vào một chữ “tình” mà sẵn sàng che chở và sưởi ấm cho nhau, cùng nhau viết nên câu chuyện cuộc đời.
Người ta không thể chạy thoát “hôn nhân”, vậy nên càng sớm thông cảm với những khuyết điểm của đối phương thì càng có được hạnh phúc, tình cảm càng thêm phần tươi đẹp. Hôn nhân là một giao ước: Em nguyện giao phó cuộc đời mình cho anh, anh sẵn sàng chở che và chăm sóc cho em trọn đời.
Khi chấp nhặt thiếu sót của đối phương, ta có tự hỏi rằng: Bản thân mình đã thập toàn thập mỹ hay chưa?
Nếu bạn không phải là người hoàn hảo, sao có thể yêu cầu đối phương hoàn hảo đây? Mà cho dù bạn có hoàn hảo đi chăng nữa, thì hôn nhân là căn duyên tiền định, vì sao không thể trân quý nhau nhiều hơn?
Khi muốn từ bỏ, hãy nghĩ đến lý do vì sao ta bắt đầu. Tương tự như vậy, khi tức giận đến mức không chịu nổi, tại sao không nghĩ về những tháng ngày tốt đẹp bên nhau? Người phụ nữ vui như thế nào khi được chồng tặng bông hồng vào một ngày không lấy gì đặc biệt, chỉ đơn giản là vì anh muốn tặng em thôi. Người đàn ông vui như thế nào khi được vợ nấu cho một bữa cơm ấm cúng, kèm theo đó là những lời hỏi han thân mật, rạng rỡ nụ cười…
Một cuộc hôn nhân trọn vẹn là khi cả hai biết giả khờ mà bao dung hết thảy, biết lùi lại một bước mà chấp nhận tất cả của nhau. Thỏa hiệp không phải là nhận thua, mà là trí tuệ, sau khi nhận ra bản chất của cuộc sống. Tha thứ không phải là yếu nhược, mà là lòng nhân từ sau khi hiểu được ý nghĩa của cuộc đời.
Theo: DKN