Chia sẻ loạt ảnh về cuộc sống đời thường của một gia đình 3 năm sinh 4 con, trong đó có một ca sinh 3, anh Nguyễn Văn Khá (sinh năm 1991, quê Hà Nam) thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người. Hình ảnh ba cậu con trai nhỏ có ngoại hình giống nhau như đúc đu bám bố, mẹ, nghịch ngợm mọi thứ khiến ai nấy nhìn vào vừa thấy dễ thương, vừa thấy “chóng mặt”. Cuộc sống sinh hoạt của một gia đình đông con có không ít điều thú vị và khác biệt với những gia đình bình thường.
Bà mẹ mang thai hiếm 8 nghìn ca có một
Cách đây hơn 1 năm, khi còn đang mang bầu, Lê Thị Thương (sinh năm 1995, quê Hà Nam) đã “gây bão” mạng xã hội vì câu chuyện mang bầu tam thai tự nhiên hiếm gặp, 8 nghìn ca mới có một. Để có được ba cậu con trai kháu khỉnh, dễ thương như bây giờ, chị đã trải qua một chặng đường với không ít khó khăn.
Năm 2016, chị Thương và ông xã kết hôn, không lâu sau đó, đón con gái đầu lòng. Năm 2019, khi con gái tròn 3 tuổi, vợ chồng chị lên kế hoạch sinh con thứ hai, kết quả là cùng lúc mang tam thai.
Ba thiên thần nhỏ đáng yêu của vợ chồng chị Thương
Khi biết tin, vợ chồng chị vừa bất ngờ, vừa hoang mang. Hai bên gia đình lo lắng bởi mang thai ba tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Bản thân chị Thương khi ấy lại gầy gò, chỉ nặng vỏn vẹn 47kg sợ không "mang vác" được ba bào thai. Chưa kể, vợ chồng chị kinh tế eo hẹp, lo rằng sinh con ra sẽ không cho con được cuộc sống đầy đủ.
“Khi ấy, bác sĩ khuyên giảm bớt thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ cả con nhưng các con đều có tim thai cả rồi, vợ chồng mình không lỡ. Thương lắm, bé nào bị bỏ thì quá tội nên vợ chồng mình quyết định giữ lại cả ba bé”, chị Thương chia sẻ.
Hành trình mang bầu của một bà mẹ mang tam thai không hề dễ dàng. Bụng bầu to nhanh một cách chóng mặt, việc mang vác cùng lúc ba bào thai khiến chị đau mỏi và mệt nhọc. Kèm theo đó là nỗi lo lắng về những mối nguy hiểm khó lường trước của việc mang đa thai. Chị Thương cùng ông xã thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin về những ca sinh ba để phần nào hiểu hơn về sức khỏe của mình.
“Suốt thai kỳ mình luôn trong tình trạng lo lắng, sợ hãi đến lúc ngủ còn mơ con xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Mang thai được 27 tuần thì mình bị dọa sinh non, phải nghỉ việc ở nhà nghỉ ngơi”, chị Thương kể.
Sinh 3, vợ chồng chị luôn trong tình trạng tất bật, bận rộn
Vượt qua biết bao khó khăn cũng đến ngày hái quả ngọt. Mang thai đến tuần thứ 37, chị có dấu hiệu chuyển dạ và nhập viện. Ca sinh mổ diễn ra suôn sẻ, nhanh gọn, 3 em bé chào đời lần lượt là Minh Bảo (2,1kg), Minh Đăng (1,8kg) và Minh Nguyên (1,85kg), rất kháu khỉnh và đáng yêu.
“Nuôi ba thằng cu này, mình luyện được tinh thần thép”
Kết thúc “cuộc chiến” mang thai, chị Thương và gia đình bước vào “cuộc chiến” mới là chăm sóc cùng lúc 3 đứa trẻ sơ sinh. Cả nhà chị dồn tổng lực để chăm nom 4 đứa trẻ, bao gồm bé gái cả hơn 3 tuổi.
Các con khỏe mạnh, bình an là động lực lớn cho vợ chồng chị Thương
Hai tháng đầu sau sinh, chị được cả bà nội và bà ngoại hỗ trợ chăm con nhưng sau đó bà ngoại phải về quê nên chỉ còn chị và mẹ chồng trông nom 4 đứa trẻ.
“Trộm vía, 6 tháng đầu ba con rất ngoan, không quấy khóc đêm nên cả nhà đỡ mệt. Mình thì vì sinh mổ ba bé, vết mổ dài hơn nên cũng lâu hồi phục hơn. Ban đêm phải thức cho con ăn nhiều lần, thiếu ngủ nên cũng khá mệt mỏi”, chị Thương chia sẻ.
Khi các con bước vào giai đoạn ăn dặm, chị Thương và gia đình vất vả hơn nhiều. Một ngày của chị chỉ xoay quanh việc nấu ăn, cho con ăn, vệ sinh cá nhân cho 3 đứa nhỏ, 1 đứa lớn.
“Sáng dậy mình nấu cháo cho ba thằng cu bé ăn, sau đó làm đồ ăn cho bé lớn, ăn xong thì cho bé đi lớp. Về đến nhà, mình lại vệ sinh cá nhân cho con, rồi quay sang làm đồ ăn bữa phụ, cho con đi ngủ giấc giữa sáng, rồi cho dậy ăn trưa. Chiều dậy, mình lại làm đồ ăn phụ cho con, rồi cho con uống sữa, tắm rửa thay quần áo, cho con đi chơi một lúc rồi về ăn tối. Đúng 9 giờ mình cho các con đi ngủ. Thế là hết ngày. Mình chỉ tranh thủ được lúc con ngủ trưa và ngủ đêm để tư vấn hàng cho khách”, chị Thương kể.
Chị Thương tự thấy mình may mắn khi được ông xã và mẹ chồng hết lòng hỗ trợ.
Bà mẹ Hà Nam cười nói: “Nuôi ba thằng cu này, mình luyện được tinh thần thép. Những lúc cả ba đứa quấy khóc, mình đau đầu như bị tiền đình luôn. Bởi vậy, khi có người xin vía sinh ba, mình hay bảo cứ đẻ một thôi cho mẹ khỏe, con khỏe”.
Tâm trạng của chị Thương rất dễ hiểu khi không ít bà mẹ chỉ chăm sóc một đứa trẻ thôi đã đủ mệt nhọc. Tuy vậy, chị Thương vẫn tự thấy mình may mắn khi được ông xã và mẹ chồng hết lòng hỗ trợ.
Chiếc bụng rạn sau sinh của chị Thương
Điều khiến chị buồn bã hơn cả giờ đây là chiếc bụng chằng chịt vết rạn của mình. Thời điểm mang thai ba, những vết rạn kéo dài, lan khắp bụng chị, “rạn đến mức không thể rạn hơn được nữa”. Sau khi sinh, những vết rạn đó trở thành một đám da nhăn nhúm, đen sì khiến ai nhìn vào cũng rung mình. Đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hy sinh vô bờ bến của bà mẹ 25 tuổi.
“Đổi lại tất cả những vất vất vả, xấu xí đó là những thiên thần nhỏ của mình khỏe mạnh và bình an. Đó là món quà lớn nhất dành cho mình rồi”, chị Thương cười.