Nguyễn Hồng - du học sinh ở Chiết Giang (Trung Quốc) dự định đi Thượng Hải thay vì về Việt Nam ăn Tết nhưng vì dịch Corona, cô đã mắc kẹt trong KTX bị cách ly của nhà trường.
Phòng KTX của Hồng tại Chiết Giang, Trung Quốc.
Trong căn phòng gần 20 mét vuông ở khu KTX Học viện Truyền thông Chiết Giang (TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), Nguyễn Hồng, một du học sinh Việt Nam, bắt đầu ngày mới bằng một ly mì gói. Đây đã là ngày thứ 10 cô bị cách ly trong khu KTX của trường bởi dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra. Vì không thể ra ngoài nên đồ ăn đóng gói sẵn là lựa chọn duy nhất của cô lúc này.
Dự định đi du lịch ở Thượng Hải (Trung Quốc) nên Tết Nguyên đán vừa rồi Hồng không về Việt Nam ăn Tết cùng với gia đình. Nhưng rồi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã khiến cho cô phải hủy bỏ chuyến đi của mình và cũng “mắc kẹt” luôn ở Trung Quốc. Dù đã biết đến thông tin về dịch bệnh từ cuối tháng 12 nhưng cả Hồng và các bạn học cũng không ngờ dịch lại lây lan nhanh và nguy hiểm đến như thế.
“Khi mà dịch bệnh còn chưa bùng nổ thì mình cũng chưa bỏ ý định đi Thượng Hải chơi. Nhưng rồi nhiều bạn nhắn tin cho mình báo tình hình rất nguy hiểm, không được đi. Dù không được trả lại vé hay hủy đặt phòng khách sạn nhưng mình cũng đành chấp nhận hủy bỏ lịch trình và ở lại khu KTX này.”, Nguyễn Hồng chia sẻ.
Đúng chiều 30 Tết, Nguyễn Hồng nhận được thông báo từ nhà trường là khu vực KTX này sẽ bị cách ly “nội bất xuất ngoại bất nhập” để đảm bảo an toàn cho các sinh viên không về nhà ăn Tết. Người ngoài không thể vào KTX và sinh viên cũng không thể ra ngoài như trước. Ở lại khu KTX này cùng Hồng là khoảng 30 sinh viên khác cũng đều là du học sinh và các nhân viên, quản sinh ở lại trực.
Nguyễn Hồng được quản sinh kiểm tra thân nhiệt kỹ càng.
Mỗi ngày, ban quản lý KTX sẽ cử người đến từng phòng để phun khử độc và phát khẩu trang cho các sinh viên. Kể cả lúc ở trong phòng ngủ, sinh viên cũng được nhà trường khuyến cáo nên đeo khẩu trang. Theo lời Hồng, có những người cẩn thận đến mức đeo khẩu trang cả ngày. Tất cả các sinh viên ở lại khu KTX này đều được đo thân nhiệt đều đặn mỗi ngày.
“Ngoài buồn chán ra thì những ngày này với mình cũng không có gì bất tiện hay quá đáng sợ. Nhà trường đã rất cẩn thận nên bọn mình cũng yên tâm phần nào. Ở trong này là an toàn nhất rồi. Nhà trường và KTX cũng rất quan tâm và tạo điều kiện cho những sinh viên ở lại.”, cô bạn du học sinh Việt Nam cho biết.
Trừ những lúc sang phòng khác nói chuyện với bạn bè thì những ngày này, mỗi ngày Hồng sẽ ra khỏi phòng 3 lần sáng, trưa và tối để xuống căng tin ăn cơm. Ra khỏi cửa, tất cả đều phải đeo khẩu trang vì luôn có quản sinh đứng giám sát và nhắc nhở.
Căng tin của KTX bây giờ cũng không còn nhộn nhịp như mọi ngày, màn hình ti vi luôn phát các bản tin phòng chống dịch và khắp nơi dán chi chít banner khuyến cáo cách chống dịch Corona. Phòng ăn mỗi ngày giờ chỉ còn lác đác trên dưới 10 bạn sinh viên.
Mỗi người một bàn, mỗi bàn cách nhau khoảng 2 m, tất cả mọi người ngồi cùng một hướng, người phía trước quay lưng vào người phía sau... Đó là quy định của căng tin trong những ngày cách ly chống dịch. Ở chiếc bàn lớn giữa phòng ăn, các nhân viên sẽ bày các mặt hàng cơ bản như nước khoáng, mì gói, sữa và đồ dùng cá nhân để bán cho các sinh viên có nhu cầu. Nếu mặt hàng nào không có sẵn, các nhân viên sẽ báo để giáo viên mua vào.
Mỗi sinh viên phải ngồi ăn một bàn và ngồi cùng một hướng.
Căng tin trường vắng vẻ trong những ngày KTX bị cách ly.
Khu vực bán đồ ăn nhẹ và đồ dùng sinh hoạt cho các sinh viên.
“Dù món ăn không còn đa dạng như thường ngày và lúc ăn cơm cũng buồn nhưng không ai dám phàn nàn vì bọn mình đều biết các cô, các chú ở căng tin đều rất vất vả, không được về nhà ăn Tết để ở lại phục vụ cho du học sinh.”, Nguyễn Hồng cho hay.
Chưa biết còn bị cách ly đến bao giờ
Vài ngày nay, khi số người nhiễm dịch đang tăng chóng mặt, nhiều sinh viên châu Phi cùng KTX với Hồng đã trở về nước vì quá lo lắng. Một khi đã xin phép trở về nước, họ không thể quay lại KTX trong thời gian còn cách ly. Còn với Nguyễn Hồng, cô chọn ở lại Trung Quốc cho tới khi đại dịch qua đi và trường học mở cửa học kỳ mới.
Nguyễn Hồng cùng một bạn học người Mông Cổ với chiếc khẩu trang là vật bất ly thân.
Mỗi ngày Hồng chỉ lên mạng đọc tin tức về dịch bệnh, nhắn tin cho bạn bè, người thân hoặc sang phòng khác tán gẫu với những du học sinh còn ở lại để giết thời gian. Nhà trường có mở phòng thể thao cho mọi người tập luyện nhưng hầu như không ai dùng vì ngại phải gặp gỡ người khác.
“Chính quyền ở đây và cả Đại sứ quán Việt Nam rất quan tâm đến chúng mình. Dù đã ngừng các chuyến bay về nước nhưng nếu bọn mình muốn về nước thì vẫn sẽ được hỗ trợ.”, Nguyễn Hồng chia sẻ.
Theo Saostar.vn
* Nội dung liên quan: