Vài năm trước, bố mẹ của Tiểu Hoa hỏi cô: “Anh ta chỉ kiếm được có 7 triệu mỗi tháng, con có chắc muốn cưới không”. Cô cảm thấy suy nghĩ của cha mẹ mình thật vô lý, hôn nhân phải xuất phát từ trái tim chứ đâu phải từ mức lương. Lúc đó, cô tin rằng, chỉ cần 2 người cùng cố gắng, họ sẽ có được những gì mình muốn.
Và rồi sau 5 năm, Tiểu Hoa nghiêm túc hỏi bạn thân mình: “Chồng mình chỉ kiếm được có 7 triệu mỗi tháng. Mình có nên ly hôn không?”. Câu trả lời mà bạn thân đưa ra giống hệt câu nói của cha mẹ cô lúc đó: “Bỏ anh ta đi. Bao năm qua anh ta vẫn cứ mãi với mức lương đó, không thể hỗ trợ gì nhiều cho vợ mình. Kiểu đàn ông này không phù hợp với hôn nhân chút nào”.
Tiểu Hoa thực sự bị xao động bởi ý nghĩ ly hôn, cô không muốn đặt tương lai của mình vào một người đàn ông như vậy. Những ngày không có tiền thực sự quá khó khăn, cô không muốn tiếp tục chịu đựng cuộc sống kiểu này nữa. Cô cho rằng, một khi bản thân đã có suy nghĩ ly hôn, tốt nhất nên ly hôn chứ đừng hy vọng là họ có thể thay đổi vì mình.
Khi nhìn lại chồng mình, Tiểu Hoa dần nhận ra, anh ấy không phải là sự lựa chọn phù hợp để làm chồng như lời của cha mẹ từng nói. Sự chênh lệch điều kiện gia đình, công việc, mức thu nhập của cả 2 khiến cho một người phụ nữ không có cảm giác được an toàn. Với mức lương vỏn vẹn chỉ có 7 triệu, ấy chỉ đủ tiêu cho bản thân, đôi khi còn phải xin cô tiền mua xăng.
Nhớ lại quãng thời gian yêu nhau, Tiểu Hoa hoàn toàn mù quáng trước tình yêu mộc mạc và chân thành của chồng. Đành rằng, lương anh không cao nên chỉ có thể dẫn cô đi ăn quán vỉa hè nhưng điều đó nào có quan trọng gì. Lúc đó, tuy cô đi làm muộn hơn anh 2 năm nhưng do có năng lực nên mức thu nhập của cô khá cao. Cô từng nghĩ rằng, bản thân đã kiếm được nhiều tiền, tại sao phải yêu cầu nửa kia lương cao nữa làm gì.
Tuy nhiên, sự nghiệp và cuộc sống của cô sau hôn nhân thật không dễ dàng gì. Vào năm thứ 2, do tình hình công ty khó khăn nên cô bị cắt giảm tiền lương đến một nửa. Thêm vào đó, cô cũng đang mang thai nên chi phí phát sinh rất nhiều. Cô nghĩ tới cảnh con mình ra đời rồi tiền bỉm sửa, tiền cho con đi học, tiền đau ốm…, những khoản này tuy nhỏ nhặt nhưng cộng lại rất lớn. Trong khi đó, chồng cô vẫn như năm nào luôn an phận với mức lương bèo bọt như thế.
Chẳng mấy chốc, tiền tiết kiệm của cô đã cạn kiệt, tiền lương của chồng thì không đủ chi trả chi phí sinh hoạt. Lúc này, cô mới cảm thấy tiền thực sự rất quan trọng. Trong hôn nhân, không có tiền sẽ kéo theo rất nhiều rắc rối xảy ra, xung đột, cãi vã... Cứ mỗi lần cãi nhau, cô lại cảm thấy thất vọng về cuộc hôn nhân của mình.
Khi con được 3 tuổi, cô quyết định phải ly hôn. Đó là lúc cô muốn mua một chiếc váy cho con gái mình nhưng chồng cô không đồng ý và cho rằng đó là sự lãng phí. Cuối cùng, sau bao năm chịu đựng, cô đã nhận ra vợ chồng không còn tiếng nói chung nữa, mọi thứ đã thay đổi.
Cô nói rằng: “Trong 2 năm đầu sau khi kết hôn, tôi chưa bao giờ cãi nhau với chồng vì tiền. Đó thực sự là chuỗi ngày bình yên và hạnh phúc. Nhưng mọi thứ hoàn toàn đảo lộn kể từ khi một đứa trẻ ra đời, bao chi phí bỗng dưng xuất hiện, nếu 1 trong 2 người không chịu cố gắng thì cuộc sống sẽ rất khó khăn”.
Không có cảm giác nào an toàn bằng việc nhà cửa lúc nào cũng đầy đủ đồ ăn, không phải lo cảm giác ngày kia mình sẽ ăn gì, tiền đâu mà mua cái này, cái khác. Một người đàn ông không cần phải nói lời yêu thương hoa mỹ, chỉ cần cho người phụ nữ của họ có cảm giác không bị túng thiếu, an toàn khi ở bên cạnh là đủ.