Cựu chiến binh cụt tay 5 lần tự xây nhà tặng vợ

Quá trưa, ông Quyết (Hà Nội) gặt xong 5 sào ruộng bằng cái liềm quấn vào mẩu tay cụt. Chưa "đã" việc, ông chạy về vác lưỡi cày ra đồng. 

Vợ thấy vậy la um, bắt nghỉ, ông bảo "làm vài đường cho giãn gân giãn cốt rồi về". Với một cánh tay trái, ông vác chiếc cày nặng gần 30 kg, nhẹ nhàng đẩy chục đường cày thẳng tắp, miệng bảo "sào ruộng này tôi làm 5 phút là xong".

Từ ngày xây được căn nhà mới cách đây 3 năm, vợ và các con ông Trần Văn Quyết (60 tuổi, xã Đồng Thái, Ba Vì) không cho ông làm nặng nữa. Nhưng ngồi lâu, vết thương lớn ở bụng trên chiến trường khi xưa lại đau âm ỉ. Để quên  đau, ông lại đi làm.


Ở tuổi 60, ông Quyết vẫn ham làm, thửa ruộng vài trăm m2 ông chỉ cày trong nửa tiếng. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Năm 23 tuổi ông tham gia quân đội, rồi được cử sang chiến trường Campuchia. Năm 1981, ông rời chiến trường với 65% thương tật, mất một tay và bị thương nặng ở bụng.

"Biết chồng thành thương binh, anh em nhà vợ thi nhau khóc, muốn bà ấy bỏ tôi. Nhưng đời tôi thật sự may mắn vì được bà ấy yêu thương hết lòng. Thế nên, có khó khăn cỡ nào tôi cũng làm để bù đắp cho vợ", ông Quyết cười hiền nói.

Ngày về, ông Quyết chỉ còn một bộ quần áo trên người. Tối đi ngủ, ông mặc quần cộc, còn chiếc quần dài sờn màu và áo lính đem đi giặt để mặc hôm sau. 3 năm trời, ông mặc đúng một bộ như vậy vì không có tiền mua đồ mới.

Vợ ông - bà Phùng Thị Đức (hiện 60 tuổi) - từng tập cho chồng viết chữ bằng tay trái, nhưng 2 năm vẫn nguệch ngoạc, vậy mà chỉ vài ngày cầm cày, cuốc..., tay chân ông lại thoăn thoắt.


Bà Đức hiếm khi can ngăn chồng làm việc khó, chỉ luôn động viên ông, dặn ông làm vừa sức và cẩn thận. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Hai vợ chồng trẻ ở trong một cái chòi dột nát, bên cạnh là cái ao lớn. Đứa con đầu lòng ra đời, họ quyết định lấp ao để có đất xây nhà. Cứ tối đến, xong việc đồng áng, người làng lại thấy ông Quyết thân hình gầy nhom một tay kéo xe đi khắp nơi để xin cát. Ông vừa đi vừa hát nghêu ngao hoặc la to "xe lớn đi qua" để người qua lại biết đường tránh. Ao sâu 2 mét, mỗi ngày một chút, trong 3 năm ông mới lấp đầy.

Trong thời gian đó, ông Quyết dành nửa năm đi phụ hồ, học hỏi kinh nghiệm thi công rồi về xây lò gạch nhỏ trong sân nhà. Bà Đức nhớ mãi những ngày tháng chồng ngồi lấy chân phải thay cho tay phải nắn đất thành hình viên gạch rồi vác cả thảy 10 viên nặng 15 kg lên vai. Cơ thể vẫn đau nhức, nhưng được vợ khen giỏi, ông cười tít mắt.

"Tôi nể phục nhất cách bố một tay xây nhà, tôi cứ đứng vỗ tay bảo bố là siêu nhân. Làm cả ngày không mệt mỏi, bố còn đứng múa máy, chọc cười cả nhà", anh Trần Văn Chiến (38 tuổi), con cả của ông Quyết, còn nhớ.

Những căn nhà 5 m2, 20 m2, 40 m2 lần lượt được ông xây lên khi kinh tế gia đình khấm khá dần. Không có tiền thuê người làm, ông tự mình xây tường, trát xi măng, lợp ngói... "Người một tay xây nhà được cái làm chậm nhưng chắc, chỉ cần kiên nhẫn thì làm được hết", giọng ông chắc nịch.

Có nhà ở rồi, nhưng vợ vẫn hàng ngày phải đi gánh nước cách xa cả cây số. Thương vợ, ông một mình đào giếng bằng tay. Đào được 3-4 mét, chồng ở dưới sâu sợ vợ lo, thi thoảng lại hát vọng lên "cái cò, cái vạc, cái nông...", dù mệt hụt hơi. Cứ như thế, mấy tháng trời mới xong giếng sâu 10 mét. Người làng nói ông tự hành xác, ông chỉ cười trừ, không trách ai, cũng không phân bua. 

Năm 2016, ông bắt tay xây ngôi nhà cấp 4 có diện tích 100 m2, thay cho căn nhà 40 m2 trước đó. Không còn phải tự đóng gạch nữa nhưng ông vẫn tự tay thiết kế, xây dựng, lắp đặt điện nước... Duy chỉ có đào móng và đổ bê tông trần nhà phải thuê người làm. Căn nhà được sơn màu cam theo sở thích của vợ ông, nổi bật giữa những ngôi nhà xanh rêu, ẩm mốc trong làng.


Vườn cây ăn quả trong ngôi nhà mới cũng một tay ông Quyết ươm trồng. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Để có được ngôi nhà này, có những ngày ông Quyết đi mót sắn cả trăm cây số, 7 ngày chỉ được 5 kg, vợ khóc thút thít vì đói, không có sữa cho con. Ông bảo "thôi em đừng buồn, anh sẽ tìm mọi cách để lo cho cả nhà no đủ". Để thực hiện lời hứa, ông phụ vợ trồng thêm lúa, ngô, dưa hấu... quanh năm không nghỉ. 

Nhiều lần, ông đi bộ hơn 10 km đường rừng, bơi qua khe sâu lội suối bắt cá. Về nhà, ông bố 3 con xách chú cá to giơ lên khoe vợ, bảo "cho bà ăn đến béo quay luôn nhé", còn vợ ông chỉ thở phào vì chồng về an toàn.

Ở nhà, hết thay tã rồi tắm rửa cho con, rồi giặt giũ, nấu nướng... ông Quyết đều không ngại. "Có những việc người bình thường còn thấy khó như sàng gạo, tát nước, ấy vậy mà ông ấy làm nhẹ nhàng như không", ông Trần Văn Luận (60 tuổi), hàng xóm của ông Quyết, kể.

Năng nuôi trồng, nhặt nhạnh, ông Quyết tích cóp từng đồng nhỏ nhặt, cùng vợ vượt qua cái nghèo. Từ vài trăm nghìn mỗi tháng trước những năm 2000, rồi đến 5 triệu, 7 triệu đồng, ông lại cất vào cái hộp thiếc của mình, ấp ủ xây nhà to cho vợ.

Thương con cả bị suy thận, ông Quyết xây cho con ngôi nhà 2 tầng sát bên nhà mình. Ông còn hỗ trợ xây nhà riêng cho đứa con út mới lập gia đình và góp tiền nuôi 5 đứa cháu ăn học cho đến tận bây giờ.

Ông Phùng Kim Thuận, phó chủ tịch xã Đồng Thái, chia sẻ: "Là thương binh khá nặng, nhưng ông Quyết có những thành tích nổi bật còn hơn nhiều người lành lặn. Tôi cũng như nhiều người địa phương cảm thấy tự hào khi quê hương có người như ông ấy".

Mỗi sáng, ông Quyết lại lên ban công ngắm nhìn làng quê yên ả, ngẫm nghĩ "ngày mai trồng gì, tháng sau nuôi gì...". Lời hứa xây nhà cho vợ đã thành hiện thực, nhưng ông vẫn sẽ ra đồng nhiều năm sau nữa.

Theo vnexpress