Cao thủ này còn sở hữu khả năng khinh công xuất quỷ nhập thần. Ông là Cung Bảo Điền, thị vệ thân tín của Từ Hi Thái hậu và Hoàng đế Quang Tự, sau này trở thành vệ sĩ của Trương Tác Lâm kiêm Tổng huấn luyện võ thuật cho quân đội của vị quân phiệt của Mãn Châu này.
Từ chàng trai xay gạo đến cao thủ võ thuật
Vị cao thủ cuối cùng của triều đại nhà Thanh, sở hữu thân hình nhỏ bé, vẻ ngoài bình thường, nhưng võ công lại vô cùng cao cường. Người ta thường gọi ông là "Cung hầu tử", đó chính là Cung Bảo Điền. Vậy, võ công của Cung Bảo Điền thực sự lợi hại đến mức nào?
Trong một lần chứng kiến màn tỉ thí võ thuật, khi Dương Lộ Thiền - sư tổ của môn phái Dương gia Thái cực quyền - chuẩn bị đá đối thủ xuống khỏi võ đài. Đúng lúc này, một người thái giám bưng mâm thức ăn, bay người lên đài đỡ lấy võ sĩ sắp ngã. Điều đáng kinh ngạc là thức ăn trên mâm vẫn còn nguyên vẹn, không hề rơi rớt. Người thái giám này sau đó đã dùng Bát Quái Chưởng giao đấu với Dương Lộ Thiền đến tận đêm khuya mà bất phân thắng bại. Người thái giám này chính là Đổng Hải Xuyên - người sáng lập ra môn phái Bát Quái Chưởng.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, Cung Bảo Điền vô cùng kinh ngạc và ngưỡng mộ Đổng Hải Xuyên. Cũng từ đó, trong ông nhen nhóm ý định bái sư học võ. Nhân cơ hội đi giao gạo, Cung Bảo Điền đã tìm mọi cách để dò hỏi và tìm đến Ân Phúc - đồ đệ của Đổng Hải Xuyên, người đang giữ chức vụ hộ viện trong phủ. Sau này Ân Phúc trở thành võ sư của hoàng đế Quang Tự.
Ân Phúc nhận thấy Cung Bảo Điền có ngoại hình khá giống mình, đều nhỏ gầy. Hơn nữa, Cung Bảo Điền lại nhanh nhẹn, chịu khó và có quyết tâm, nên ông tin rằng chàng trai trẻ này là một nhân tài hiếm có trong việc tập luyện Bát Quái Chưởng. Vì vậy, Ân Phúc đã dẫn Cung Bảo Điền đến bái kiến sư phụ của mình là Đổng Hải Xuyên.
Đây là lần đầu tiên Cung Bảo Điền được diện kiến sư tổ. Vừa nhìn thấy Cung Bảo Điền, Đổng Hải Xuyên đã tỏ ra vô cùng yêu mến. Ông nắm lấy tay Cung Bảo Điền, nhìn ngắm kỹ lưỡng rồi liên tục tấm tắc khen: "Hiếm có, hiếm có, đúng là kỳ tài luyện võ!". Đổng Hải Xuyên còn nhiều lần dặn dò Ân Phúc phải hết lòng dạy dỗ cậu học trò này. Cung Bảo Điền chính thức trở thành đồ đệ của Ân Phúc. Anh từ bỏ công việc ở hiệu gạo để toàn tâm toàn ý học võ. Vào những lúc rảnh rỗi, Cung Bảo Điền thường đến thăm hỏi và học hỏi thêm từ sư tổ Đổng Hải Xuyên. Nhờ đó, ông được truyền dạy những tinh hoa võ thuật và trở thành truyền nhân đời thứ hai của Đổng Hải Xuyên.
Ân Phúc là một người thầy nghiêm khắc, luôn yêu cầu cao và tận tâm trong việc dạy dỗ học trò. Mỗi ngày khi Cung Bảo Điền luyện võ, Ân Phúc đều yêu cầu anh phải dùng một chiếc bát lớn để hứng mồ hôi, và chỉ được dừng luyện tập khi nào bát đầy.
Võ công xuất thần nhập hóa
Cung Bảo Điền là người có tư chất hơn người, lại vô cùng chăm chỉ, khổ luyện nên đã sớm nắm vững những kỹ thuật cơ bản của môn võ. Dưới sự chỉ bảo tận tình của sư phụ, Cung Bảo Điền lĩnh hội được những tinh túy và kỹ thuật chiến đấu của môn võ Bát Quái Chưởng. Mọi đường quyền đều được Cung Bảo Điền luyện tập thuần thục. Trong số đó, kỹ thuật "Ngưu Thiệt Chưởng" của Ân Phúc được Cung Bảo Điền luyện tập đến mức xuất quỷ nhập thần.
Năm 23 tuổi, Cung Bảo Điền đã học thành tài. Anh có thân pháp nhẹ nhàng, khinh công xuất thần nhập hóa, có thể bay nhảy trên mái nhà mà không gây ra tiếng động, đi quyền trên giỏ tre mà giỏ không hề sứt mẻ, hay thậm chí có thể nhảy lên cao và bắt chim đang bay trên trời. Ngón tay của Cung Bảo Điền cũng rất khỏe, chỉ cần một nắm đậu xanh, anh dùng lực nhẹ nhàng là có thể bóp nát vụn.
Những người xung quanh thời bấy giờ đều đánh giá rất cao về Cung Bảo Điền. Họ thường nói: "Đi như dê, ngồi như nai, ra đòn như sấm sét!".
Câu nói này có nghĩa là: Cung Bảo Điền di chuyển nhẹ nhàng, êm ái, nhanh nhẹn, nhạy bén và có khả năng chịu đựng, thích ứng với mọi tình huống. Khi ngồi, ông thể hiện sự điềm tĩnh, nội lực thâm hậu. Nhưng khi hành động, ông lại nhanh như chớp, mạnh mẽ như sấm sét, khiến đối thủ không kịp trở tay!
Trở thành thị vệ cho người đứng đầu thiên hạ
Năm Quang Tự thứ 23 (1897), ở tuổi 27, Cung Bảo Điền được triều đình triệu vào cung, trở thành đại nội thị vệ cho hoàng đế Quang Tự và Từ Hi Thái hậu. Không lâu sau, ông được phong làm Đội trưởng đội thị vệ, mang hàm Tứ phẩm Đới đao Thị vệ, trở thành Tổng quản đại nội thị vệ cuối cùng của triều đình nhà Thanh.
Tương truyền, trong một lần Từ Hi Thái hậu ngồi xe ngựa ra ngoài, xe bị sa lầy, ngựa không thể kéo nổi. Hàng chục cận vệ ra sức đẩy xe nhưng bất thành. Lúc này, Cung Bảo Điền đã dùng nội lực, một mình nâng xe ngựa lên khỏi vũng lầy.
Vào năm Canh Tý (1900), khi liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh, Từ Hi Thái hậu đã đưa hoàng đế Quang Tự chạy về phía Tây. Bà ra lệnh cho hai thầy trò Cung Bảo Điền và Ân Phúc hộ giá. Trên đường đi, họ đã nhiều lần đánh lui bọn cướp, khiến chúng nghe danh đã sợ mất vía mà bỏ chạy. Cuối cùng, Cung Bảo Điền và Ân Phúc đã hộ tống Từ Hi Thái hậu và hoàng đế Quang Tự đến Tây An an toàn. Nhờ công lao bảo vệ hoàng thất, Cung Bảo Điền được ban thưởng "Hoàng mã quái".
Rời bỏ vòng xoáy danh lợi, mở võ đường, truyền dạy võ thuật
Tuy nhiên, chứng kiến những toan tính, đấu đá trong cung cấm, Cung Bảo Điền dần chán ghét cuộc sống nơi đây. Ông nhận ra sự mục ruỗng, thối nát của triều đình, trở thành con rối trong tay các cường quốc. Ở tuổi 35, Cung Bảo Điền lấy lý do bị bệnh để trở về quê nhà và ở ẩn suốt 17 năm. Tại đây, ông mở võ đường Bát Quái Chưởng và nhận rất nhiều học trò là những người có nhân phẩm tốt.
Về sau, Cung Bảo Điền tiếp tục sự nghiệp dạy võ. Ông đã mở hàng chục võ đường Bát Quái Chưởng ở Hải Dương, Mưu Bình, Yên Đài... Rất nhiều người từ khắp nơi đã tìm đến xin học. Cung Bảo Điền luôn tận tâm chỉ dạy võ thuật, đồng thời truyền bá tư tưởng yêu nước cho các học trò của mình. Chính điều này đã góp phần tạo nên một thế hệ những võ sư Bát Quái Chưởng xuất sắc. Danh tướng Hứa Thế Hữu sau này cũng từng tìm đến bái kiến Cung Bảo Điền.
"Học trò giỏi là do thầy giỏi", để thấy được võ công của Cung Bảo Điền cao cường đến mức nào, chúng ta có thể nhìn vào các học trò của ông. Vương Tráng Phi - một trong những đệ tử nổi tiếng của Cung Bảo Điền, đã theo học võ thuật cùng ông trong suốt 12 năm. Với tài năng võ thuật hơn người, Vương Tráng Phi đã vang danh khắp nơi, trở thành truyền nhân đời thứ ba của môn phái Bát Quái Chưởng.
Nhờ võ công được Cung Bảo Điền truyền dạy, Vương Tráng Phi đã đánh bại Lưu Văn Hậu - "Vua bọ ngựa" nổi tiếng khắp vùng Nam - Bắc, chiến thắng Vương Hương Trai - ngôi sao võ thuật lừng danh miền Bắc Trung Quốc, một mình đánh bại hơn mười tên tay sai mang theo hung khí, khiến tám tên tay sai khác phải chạy tán loạn, đánh cho lính nước ngoài chiếm bãi biển Yên Đài không dám nhúc nhích, và thậm chí hạ gục nhà vô địch quyền anh da đen của Hạm đội Viễn Đông Hoa Kỳ...
Một học trò nổi tiếng khác của Cung Bảo Điền là Lưu Vân Tiều. Võ công của Lưu Vân Tiều đã đạt đến cảnh giới xuất thần nhập hóa, ông được biết đến như một bậc thầy Bát Quái Chưởng chính tông ở Đài Loan.
Có thể dạy dỗ ra những người học trò tài giỏi như vậy, có thể thấy được sư phụ của họ lợi hại đến nhường nào. Theo Sina, Cung Bảo Điền là người đứng đầu trong 3 đại cao thủ hàng đầu Trung Quốc, hai người còn lại là Tôn Lộc Đường và Đỗ Tâm Ngũ. Những cái tên còn lại như Diệp Vấn hay Hoàng Phi Hồng không thể sánh bằng.
Né đạn trong tích tắc, trở thành vệ sĩ của Trương Tác Lâm
Võ công cái thế, danh tiếng lẫy lừng của Cung Bảo Điền đã lan truyền khắp nơi, khiến nhiều lực lượng muốn chiêu mộ ông. Năm 1922, Trương Tác Lâm mời Cung Bảo Điền đến làm huấn luyện viên võ thuật cho quân đội của mình. Ngay lần đầu gặp mặt, nhìn thấy Cung Bảo Điền gầy gò, nhỏ bé, lại đã có tuổi, Trương Tác Lâm đã có chút coi thường. Ông cho rằng ông lão khô khan này chẳng khác nào lang bạt giang hồ. Nhận thấy ánh mắt hoài nghi của Trương Tác Lâm, Cung Bảo Điền đề nghị được thể hiện võ công.
Cung Bảo Điền đứng cách Trương Tác Lâm 20 mét và để Trương Tác Lâm bắn súng vào mình. Kết quả khiến mọi người có mặt đều sửng sốt, Trương Tác Lâm nổi tiếng với khẩu hiệu "Bách bộ xuyên dương", vậy mà hai phát súng liên tiếp ở khoảng cách 20 mét lại không thể bắn trúng Cung Bảo Điền.
Trương Tác Lâm vừa kinh ngạc vừa khó tin, định bắn thêm vài phát nữa, nhưng ngay cả bóng dáng Cung Bảo Điền cũng không thấy đâu. Thì ra, lúc này Cung Bảo Điền đã đứng ngay sau lưng Trương Tác Lâm từ lúc nào. Ông hạ giọng nói: "Nếu tôi muốn giết đại soái, e rằng đại soái còn chưa kịp quay đầu lại".
Trương Tác Lâm lập tức tâm phục khẩu phục, ngay lập tức nhận Cung Bảo Điền làm Tuần du sứ ba tỉnh Đông Bắc kiêm Tổng huấn luyện quân đội và vệ sĩ riêng. Dưới sự bảo vệ của Cung Bảo Điền, Trương Tác Lâm đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc từ âm mưu ám sát của quân Nhật. Có một lần, Trương Tác Lâm đến gặp gỡ người Nhật. Khi ông chuẩn bị ngồi xuống, Cung Bảo Điền phát hiện có điều bất thường ở chiếc ghế, liền vừa đỡ Trương Tác Lâm, vừa nhanh tay kéo chiếc ghế ném sang một bên. Một con dao bật ra từ trong ghế, bay thẳng lên trần nhà.
Một lần khác, khi Cung Bảo Điền đang cưỡi ngựa đi cùng Trương Tác Lâm trên đường phố, ông nhận thấy một chiếc xe đối diện có vẻ khả nghi, liền quất ngựa phi thẳng về phía trước, đồng thời dùng hai chân kẹp chặt con ngựa để tăng tốc. Chiếc xe kia bỗng phát nổ, bốc cháy ngùn ngụt.
Tuy nhiên, trong vụ ám sát ở Hoàng Cổ Tồn, Trương Tác Lâm đã không thể thoát nạn và bị bom giết chết. Khi đó, Cung Bảo Điền không có mặt bên cạnh Trương Tác Lâm, còn Phó Kiếm Thu - vệ sĩ đang đi cùng Trương Tác Lâm lại may mắn thoát chết. Nghe tin Trương Tác Lâm qua đời, Cung Bảo Điền đã đau đớn khóc ngất.
Ông khóc cho Trương Tác Lâm và cũng khóc cho chính mình. Cung Bảo Điền tự trách, nếu lúc đó ông ở bên cạnh Trương Tác Lâm, có lẽ ông ta đã không phải chết oan uổng như vậy.
Có nhiều giả thuyết về lý do Cung Bảo Điền không ở bên Trương Tác Lâm lúc đó. Có người cho rằng, trong một lần tỉ thí, Cung Bảo Điền đã bị Phó Kiếm Thu đánh bại (Phó Kiếm Thu từng đánh bại một kiếm sĩ Nhật Bản tại Phụng Thiên). Chưa từng nếm mùi thất bại, Cung Bảo Điền cảm thấy rất xấu hổ, nên đã từ chức và trở về quê. Phó Kiếm Thu được lưu lại phủ Đại soái và trở thành Đội trưởng đội cận vệ.
Đến năm 1943, Cung Bảo Điền qua đời vì tuổi cao tại nhà riêng ở tỉnh Sơn Đông, hưởng thọ 73 tuổi.
Tổng hợp